Từ Liêm tách thành 2 quận: Giản chưa chắc đã Tinh

(Dân trí) - Thông tin Tách – Nhập thuộc dạng khá nhạy cảm, nên dù biết việc tách huyện Từ Liêm đã được thành phố Hà Nội chuẩn bị từ lâu và đến thời điểm này đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương, số người dân bày tỏ chưa đồng tình vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn.

Từ Liêm tách thành 2 quận: Giản liệu có Tinh
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm hiện nay đã ngang tầm với cấp quận (ảnh: Quang Phong)

 

Người mừng lên thành phố...

 

Không chỉ người tỉnh khác về Thủ đô, mà ngay nhiều người dân Hà Nội nếu lâu ngày mới đi qua khu vực ngoại thành Từ Liêm (TL) vốn vẫn giữ được những nét truyền thống này, thì giờ quả là ngỡ ngàng. Người thì mừng thay khi thấy huyện ngoại thành ngày nào giờ không còn phân biệt được ranh giới với phố thị nữa, người lại xuýt xoa nuối tiếc: Đâu rồi vẻ đẹp “hoa chanh nở giữa vườn chanh”…Song xem ra niềm phấn khởi chung đang bao trùm, dù vẫn còn những âu lo, băn khoăn liệu chia tách có đạt mục tiêu gọn nhẹ để tinh thông hơn?

 

“Tôi hoàn toàn nhất trí với quyết định thành lập quận của UBND TP Hà Nội. Hy vọng rằng trong tương lai sau khi lên phường, lên quận, người dân chúng tôi được hưởng nhiều nét văn minh của phố phường. TL hoàn toàn xứng đáng” - Đào Quang Thao:  quangthagtvt68@gmail.com

 

“Huyện TL khá rộng, tách để thuận lợi cho việc vận hành quản lí là nên làm. Nhưng để không phát sinh nhiều chi phí quản lý gây lãng phí, tận dụng nguồn lực cán bộ công nhân viên đang bị đánh giá là dư thừa do thiếu việc & để phát triển tối ưu kinh tế quận, thì tại sao không tách và sát nhập vào các quận lân cận?” - Người dân Từ Liêm:  nvanh1195@gmail.com
 

“Việc tách theo tôi là đúng, nên làm vì diện tích huyện TL bây giờ rất lớn nếu so với các quận cũ, việc TL lên quận sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh hơn. Đã có hàng loạt công trình như sân vận động Mỹ Đình, khu Hội nghị Quốc gia rồi trụ sở Bộ Ngoại giao mới… mà lại vẫn thuộc huyện thì không chấp nhận được” - Minh: minh@gmail.com

 

 “Biết là tách ra sẽ tốn kém, bộ máy sẽ tăng thêm, nhưng với trình độ quản lý của VN hiện nay thì đúng là không thể kham nổi. Chỉ mong Chính phủ có cơ chế rõ ràng để các quận mới với bộ máy mới phải phục vụ dân tốt hơn, tránh như hiện nay dân đi đến đâu cũng sợ nên mới phản đối việc thêm đơn vị hành chính và bộ máy hành chính mới...” - Tiến Ngọc:  ngoctiennh@yahoo.com.vn

 

 “Tôi tán thành việc đưa huyện TL lên thành quận, đó là việc hoàn toàn được người dân chúng tôi ủng hộ. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc tách ra làm 2 quận, như thế thực sự sẽ tốn kém nhiều, gây lãng phí không cần thiết để thực hiện việc chia tách hai quận này. Bộ máy công quyền lại đẻ thêm ra nhiều giới chức nữa và tệ cửa quyền có lẽ lại tăng? Thế thì liệu việc này có nên hay không? Các vị cứ đến làm thủ tục sổ đỏ ở TL sẽ thấy rõ thế nào” - Ngọc Thành: ngocthanh2010@gmail.com

 

“Lên quận tôi cũng đồng ý, nhưng không nên tách huyện. Tôi nghĩ, chẳng qua các vị ấy tách là họ tự đặt cho mình một số tiêu chí, ví dụ như:  quy mô dân số, diện tích, mức độ đô thị hóa ... Theo tôi, thực chất đó là vẫn là tư duy theo lối mòn, lên quận cũng không làm tăng thêm thu nhập cho dân. Quan trọng là cán bộ có tư duy làm sao cho công việc tốt như một quận hay không thôi? Thực chất nếu lên quận cũng như “mỡ nó rán nó” thôi, chứ thuế và các khoản phí khác đều tăng,  giá điện giá nước, giá dịch vụ công cũng tăng. Tôi lấy ví dụ: quận Cầu Giấy sát TL bây giờ là 7.000-12.000đ/m3 nước, còn ở Tây Mỗ chỉ 3.500đ/1m3 nước. Vậy thì lên quận… là thế đó!” – Mr. Tangpve:  mrtangpve_nguyenchi@yahoo.com.vn
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

... Người vấn vương thương nhớ đồng quê

 

Số ý kiến phản biện chiếm khá đông, với những cơ sở lập luận được nêu ra khá đa dạng mà xem ra nguyên nhân chủ yếu là do trong dân vẫn thiếu niềm tin. Bởi thế, nhiều người vẫn lo ngại: nói Tinh đó mà lại không Giản hoặc ngược lại, vậy thì nên chăng có một bộ Quy chuẩn Vàng cho tiện mọi đường?

 

“Từ quê bỗng dưng lên...phố, ai mà không thích. Tên huyện lâu nay chỉ nghe là biết đã ...nghèo, nay được phong danh hiệu "quận" thì dân đồng ý 2 tay. Nhưng việc chia 2 thì cũng đáng phải bàn đấy, như  một gia đình mà tách ra thành 2 cuốn sổ hộ khẩu vậy, cũng bấy nhiêu nhưng thành 2 chủ hộ mà thôi….Cách nay 35 năm về trước thì việc sát nhập rầm rộ các huyện, các tỉnh cũng theo một đề án nào đó “khả thi''. Sau 5 năm “góp gạo ăn cơm chung” chắc thấy không ổn nên đã từ từ cho trở lại như cũ. Lâu nay chuyển hướng sang chia tách nhỏ ra, không hiểu lợi hại như thế nào dân tôi thì không biết, không hiểu nổi. Có huyện cả ngàn km2, có huyện chỉ 100 km2, còn quận thì chỉ 5 km2...Theo tôi nghĩ  quận/huyện là cấp trung gian, ngày nay chế độ ''một cửa liên thông'' thì việc chia nhỏ chỉ tăng biên chế hành chính và trụ sở làm việc...là chính. Nhưng có lẽ vì có Xin...nên phải Cho chăng?” - Lê Xuân Thủy:  lexuanthuy1962@yahoo.com

 

“Lại chia tách đơn vị hành chính? Cái sinh ra trước mắt là tăng chi phí công trong khi QH và CP nêu rõ cần tiết kiệm chi hành chính sự nghiệp. Tại sao không chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hành chính để có thể quản lý được số lượng dân cư lớn hơn, giải quyết công vụ với khối lượng nhiều hơn? Được biết ở HN công chức cấp phường, xã đã có rất nhiều người có bằng cấp cao, thế mà lại chỉ yêu cầu làm công việc của những cán bộ như thời cách đây cả hai ba chục năm? Còn đề án chính quyền điện tử thực thi đến đâu rồi mà không khai thác thế mạnh của nó, để giải quyết nhanh và hiệu quả công việc của một dơn vị hành chính cũng như cả hệ thống???” – Tai Duc:  leductaihcm@gmail.com

 

“Theo tôi nghĩ, tại thời điểm này không nên tách mà cứ để huyện TL như vậy là hợp lý. Chắc nhiều người dân TL sống theo thôn xóm cảm thấy rất thoải mái, không cần phải lên quận, tổ dân phố làm gì cho thủ tục rườm rà, phức tạp” – Chi Linh:  chilinhbg@yahoo.com

 

“Tôi rất buồn nếu huyện TL tách thành 2 quận. Bởi tôi là người gốc TL, mấy chục năm công tác và ở nội thành Hà Nội thật lòng chỉ mong khi nghỉ hưu được về quê sống trong ấm áp tình làng nghĩa xóm” – Le Van Doanlevandoan1964@gmail.com

 

“Nên có 1 Tiêu chuẩn Vàng về các tiêu chí cho 1 quận. Ví dụ: 1 quận rộng khoảng bao nhiêu? Dân số như thế nào vừa đủ? Mỗi người trung bình bao nhiêu mét vuông? Tỉ lệ đường bao nhiêu %? Tỉ lệ cây xanh, trường học, bệnh viện, công viên...rất nhiều thứ khác nữa. Không nên như các tỉnh bây giờ, tỉnh nàocũng lên thành phố. Thành phố mà không bằng 1 thị trấn ở châu Âu?” - Hung: tieuhoatu@yahoo.com.vn

 

Vẫn còn đó nhiều câu hỏi lắm, nhất là nỗi lo càng nói tinh giản, biên chế CBCC lại càng phình to mà hiệu quả công việc vẫn... dậm chân tại chỗ!

 

Khánh Tùng