Thuế tiêu thụ đặc biệt và câu chuyện về lợi thế cạnh tranh

Thời gian gần đây, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 10%.

Nhiều quan điểm cho rằng đề xuất đánh thuế này chỉ dựa trên những chứng cứ khoa học mơ hồ và có động cơ không lành mạnh.Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý và thực tiễn thì có lẽ Bộ Tài Chính có những lập luận riêngcho đề xuất của mình.

 

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nước ngọt có ga không cồn sẽ lần đầu tiên trở thành đối tượng chịu thuế. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao chỉ đánh thuế đối với nước ngọt có ga không cồn mà không phải là nước ngọt không ga không cồn?Có người cho rằng câu chuyện về thuế đã hé lộ một câu chuyện khác ở phía sau thị trường nước giải khát.Theo đó, nếu dự thảo luật được thông qua sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát không ga không cồn nội địa. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Coca-Cola và Pepsi đang thống trị thị trường nước ngọt có ga, trong khi đó các doanh nghiệp nội địa (trừ bia, rượu) chủ yếu đang khai thác thị trường nước giải khát không có ga, như trà, cà phê, sữa đậu nành,… Tuy nhiên, lập luận này có phần chủ quan và không có căn cứ rõ ràng.

 

Tại trường Việt Nam hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần lớn nhưng điều đó không có nghĩa là không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp Việt Nam.Các doanh nghiệp nội địa vẫn có những dòng sản phẩm đặc thù hướng tới những đối tượng người tiêu dùng riêng, cũng như có kênh phân phối, thị trường riêng. Ví dụ như những sản phẩm của Bidrico hướng tới những người tiêu dùng có thu nhập thấp và 70% sản phẩm được tiêu thụ ở nông thôn. Hay, Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương với sản phẩm nổi tiếng là xá xị Chương Dương có thị trường tiêu thụ tập trung tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế nội địa, nghĩa là nó được áp dụng lên mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ chứ không phải là chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Vì vậy, không thể kết luận việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt là phân biệt giữa chủ thể này với chủ thể khác, hễ cá nhân, tổ chức có sản xuất, kinh doanh đối tượng chịu thuế thì phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Do đó, tất cả những doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài, dù lớn hay nhỏ đều chịu chung một mức thuế nếu dự luật được thông qua. Không thể nói là có sự ưu tiên hay nhượng bộ nào cho các doanh nghiệp trong nước khi mà các doanh nghiệp này đều phải đóng thuế không khác gì với những công ty lớn trên thế giới.

 

Khi dự thảo luật được thông qua, giá nước ngọt có ga cao hơn,nhưng liệu rằng người tiêu dùng sẽ chuyển từ uống nước ngọt có ga do các nhà sản xuất nước ngoài (chịu thuế) sang uống các loại nước ngọt không có ga của các nhà sản xuất trong nước (không chịu thuế)? Tất cả các phán đoán chỉ là sự giả định, mà đã là giả định thì nó có thể xảy ra hoặc không. Trước khi có những nghiên cứu thị trường mang tính hệ thống, có cơ sở khoa học thì chưa thể khẳng định được bất cứ điều gì.

 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tại các hội thảo thì chưa có bằng chứng ở bất kỳ thị trường nào cho thấy giá nước ngọt có ga tăng thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang uống nước ngọt không ga. Mỗi loại đồ uống suy cho cùng có những hương vị, đặc trưng khác nhau và tạo nên thị hiếu tiêu dùng cũng khác nhau. Giá cả tăng có thể làm việc tiêu thụ giảm xuống nhưng việc quyết định sẽ uống loại nước gì là do sở thích của người tiêu dùng.

 

Thiết nghĩ, mục đích của nhà làm luật cũng không nhằm cấm cản người tiêu dùng tiêu thụ nước ngọt có ga hay hướng họ sang loại đồ uống khác mà chỉ nhằm hạn chế sự tiêu thụ để bảo vệ sức khảo người dân. Bởi lẽ, tiêu thụ một lượng lớn nước ngọt có ga sẽ tích lũy dần dần các chất có hại vào trong cơ thể, gây nên những vấn đề về sức khỏe.

 

Rõ ràng cơ sở về việc ngăn cản nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nước giải khát của Việt Nam là rất mơ hồ và chủ quan. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đâu chỉ với nước ngọt có ga không cồn mà có cả các dòng sản phẩm khác không thuộc diện chịu thuế.Trà Ô Long của hãng Pepsi là một ví dụ. Dòng sản phẩm này vừa được tung ra đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm nước ngọt không ga của doanh nghiệp nội địa. Như vậy, một vài dòng sản phẩm bị đánh thuế không thể làm suy giảm vị thế canh tranh của các đại gia này.Họ có thể dựa vào tiềm lực tài chính khổng lồ của mình để giữ nguyêngiá bán sản phẩm, giữ vững thị phần.Vì vậy, các doanh nghiệp nội địa không phải vì thế mà dễ cạnh tranh hơn.Chưa kể các đại gia nước ngoài vẫn có thể đẩy mạnh đầu tư thêm các sản phẩm nước giải khát không ga, tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội địa đang khai thác thị trường này.

 

Một điều nữa cần phải lưu ý là đối tượng chịu thuế của thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là các loại hàng hóa xa xỉ.Việc hạn chế tiêu thụ các loại hàng hóa xa xỉ chỉ là một trong những mục đích của sắc thuế này. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt còn được áp dụng đối với bia, rượu, thuốc lá, xăng các loại, bài lá, vàng mã, hàng mã,…Đó không phải là những loại mặt hàng xa xỉ mà ngược lại rất phổ biến và thiết yếu đối với mọi người dân. Sở dĩ các loại hàng hóa này bị đánh thuế là vì chúng gây hại cho sức khỏe (rượu, bia, thuốc lá), gây ô nhiễm môi trường (xăng) hay gây ra các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan (hàng mã, bài lá)… Do đó, không nghiên cứu kỹ bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt đã vội vàng kết luận rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga nghĩa là  Nhà nước coi nước ngọt có ga là hàng hóa xa xỉ là một cái nhìn phiến diện, không bao quát vấn đề.

 

Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí; có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng, đề xuất các chính sách, pháp luật về thuế. Do đó, mỗi đề xuất mà Bộ Tài Chínhđưa ra phải dựa trên những kết quả nghiên cứu lâu dài, những thành tựu khoa học nghiêm túc cũng như sự học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Rõ ràng, tất cả những đề xuất này đều xuất phát từ lợi ích chung của toàn dân, chứ không phản ảnh bất kỳ lợi ích riêng lẻ của cá nhân, tổ chức nào. Hiện nay, rất nhiều nước đã áp dụng hoặc đang nghiên cứu về việc áp thuế đối với dòng sản phẩm nước ngọt có ga. Một số nước do xuất phát từ điều kiện kinh tế và phương thức đánh thuế chưa phù hợp nên đã bãi bỏ hoặc có sự điều chỉnh theo hướng hợp lý. Vì vậy, trước khi quyết định đưa ra đề xuất đánh thuế, các nhà làm luật chắc hẳn đã phải cân nhắc sự thiệt hơn khi áp dụng loại thuế này dựa trên với các điều kiện đặc thù của Việt Nam.

 

Trước những ý kiến trái chiều và hàng loạt bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Tài Chính vẫn đang hoàn thiện các chứng cứ khoa học để trình lên Chính phủ.Hệ quả trước mắt có thể là giá cả sẽ tăng nhưng về lâu về dài, chính sách này sẽ góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng có lợi cho sức khỏe, tăng ngân sách Nhà nước để tái đầu tư cho các chương trình phúc lợi xã hội, nâng chất lượng cuộc sống của người dân.Thiết nghĩ, người tiêu dùng cần có cái nhìn toàn diện và lâu dài trước việc nước ngọt có ga không cồn bị đánh thuế, thể hiện quan điểm đúng đắn trong việc ủng hộ các chính sách của Nhà nước, đồng thời phải có chính kiến riêng trước những thông tin không chính thức và thiếu cơ sở khoa học.