Tết và nỗi ám ảnh hai tủ thịt đầy

Khánh Vân

(Dân trí) - Trong khi chúng ta đổ bỏ thực phẩm dư thừa ngày Tết thì vẫn còn không ít người vô gia cư, người nghèo đang thiếu ăn, rất cần được giúp đỡ…

Trước đây, mỗi dịp tết dù được thông báo trước là các con đã chuẩn bị khá nhiều đồ, nhưng bố mẹ chồng tôi ở nhà vẫn mua sắm nhiều, chất đầy tủ lạnh, chưa kể cả rổ khoai tây, xu hào, cà rốt… để la liệt ở góc bếp.

Có năm nhà tôi còn đụng con lợn Mường mấy chục kg với nhà bác tôi. Về đến nhà là tôi đã thấy hai tủ lạnh chất đầy thịt lợn dù một phần đã mang đi biếu, đi cho. Ngoài tủ lạnh 500 lít, phải dùng thêm cái tủ cũ 130 lít. Mẹ chồng tôi còn tranh thủ làm mấy cái giò xào, giò nạc… để ăn không hết thì ra Tết chúng tôi mang lên Hà Nội dùng dần.

Tết và nỗi ám ảnh hai tủ thịt đầy - 1

Chưa hết, đêm 30 là mẹ chồng tôi mổ 2 con gà để thắp hương giao thừa và sáng mùng 1. Bữa cơm sáng mùng 1 rất đầy đặn, ngoài gà thì có bấy nhiêu loại giò, mẹ chồng tôi thường cắt mỗi loại một đĩa. Bà bảo "ăn cũng chả hết đâu, nhưng cắt ra cho có không khí". Thế rồi, gà cũng chỉ hết vài miếng, giò thì hầu như cũng còn nguyên. Đến mùng 2, cả nhà tôi và em chồng tôi đều về ngoại. Trong dịp Tết, nhà tôi cũng ăn ở nhà các cô dì chú bác nữa, nên lượng thức ăn ở nhà không tiêu thụ được nhiều dù cũng đã đãi khách.

Năm nào cũng thế, thức ăn của hôm mùng 1 cứ lay lắt đến hôm mùng 3, 4, cuối cùng lại cho vào nấu đông, có khi bỏ đi. Bát canh măng cứ đun đi đun lại, mấy đĩa giò ăn chưa hết bỏ ra mâm rồi lại cất tủ lạnh.

Giò tôi mang lên Hà Nội cũng ăn mãi không hết, mà không phải cái gì đi cho, đi biếu tặng cũng phù hợp nhất là đầu năm, hầu như nhà nào cũng đều ngán thịt.

Nhiều năm làm dâu, tôi nhận thấy sự lãng phí và thiếu khoa học đó, nhưng cứ ngại chia sẻ với mẹ chồng tôi. Tôi cứ âm thầm chấp nhận, nhưng cảm thấy rất "xót ruột".

Có năm, nhà chồng tôi đụng con con lợn khá to, thịt ăn tận tháng 3 âm lịch còn chưa hết. Lo nhất là mất điện sẽ làm thịt ôi thiu, chảy nước. Sau lần ấy, tôi quyết định chia sẻ suy nghĩ của mình với mẹ chồng tôi về việc mua sắm Tết sao cho hợp lý dù hiểu tâm lý ông bà là muốn Tết phải no đủ, chả lẽ cả năm có dịp Tết mà không có mâm cao cỗ đầy cho các con các cháu như nhà người ta sao?

Thay vì việc nghĩ cần mua thêm gì để mang về quê dịp Tết như trước cho đỡ ngại, giờ tôi thường biếu tiền để bà chi tiêu và mua chút ít đồ thay đổi bữa, chống ngấy, mà tôi thấy phù hợp. Tôi cũng thẳng thắn chia sẻ về việc không muốn mang nhiều đồ ăn từ Tết lên Hà Nội, vì ngán, nhiều lúc bỏ thì thương, vương thì tội. Dần dần, mẹ chồng tôi đã điều chỉnh trong việc mua thực phẩm ngày Tết theo hướng tiết kiệm hơn.

Các nàng dâu ơi, cứ sống thật với chính mình, nếu thấy cái gì mình thấy chưa phù hợp, cứ mạnh dạn trao đổi với bố mẹ chồng chứ đừng e ngại, tránh cảnh "bội thực" ngày Tết. Các con ngại, muốn ông bà vui nên mang đồ thừa từ Tết đi. Ông bà lại nghĩ rằng các con có nhu cầu và cứ thế là một cái vòng lẩn quẩn của sự lãng phí và thiếu văn minh.

Đừng nghĩ rằng làm cho bố mẹ vui chỉ là khuân nhiều đồ về, lục tục xách đồ từ xe ô tô xuống nhìn cho oách, cho bố mẹ mát lòng mát dạ với xóm làng, rằng có con ở thành phố nó phải hoành tráng thế.

Chi tiêu như thế nào là quyền của mỗi người nhưng cần chi tiêu đúng mức, đúng chỗ, chi tiêu thật sự hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi, gia đình nào đó phải đổ bỏ thực phẩm dư thừa, thì vẫn còn không ít người vô gia cư, người nghèo đang thiếu ăn, rất cần được giúp đỡ.

Dịp Tết, nếu mỗi cá nhân và mỗi gia đình chi tiêu hợp lý thì cộng dồn lại sẽ tiết kiệm được một con số không hề nhỏ trên cả nước. Và quan trọng là cần hình thành thói quen tiết kiệm trong từng cá nhân, gia đình để tránh lối sống xa hoa, lãng phí…ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội.