Có nhất thiết, cứ Tết là phải về quê?

Trà My

(Dân trí) - Với nhiều người, Tết còn đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế, đặc biệt là với những người xa quê. Mỗi dịp Tết về là phải chuẩn bị cả chục suất quà để biếu bố mẹ, cô dì chú bác… rồi cả sấp tiền mừng tuổi

Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum vầy sau một năm với bao bộn bề của cuộc sống. Về quê ăn Tết, chắc hẳn là mong muốn của biết bao người xa xứ, nhưng liệu có nhất thiết cứ Tết là phải về quê?

Năm nào cũng thế, khi Tết đến gần là trên báo đài lại rộ lên thông tin các sân bay, bến tàu xe, đường xá… tắc nghẽn nghiêm trọng vì lượng người đổ về quê ăn Tết quá nhiều. Không ít những chuyến xe nhồi nhét gấp đôi số lượng hành khách. Vé tàu xe tăng cao hơn ngày thường. Lượng xe cộ gia tăng gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường, khiến việc đi lại vào dịp Tết không khác nào là hành xác…

Có nhất thiết, cứ Tết là phải về quê? - 1
Ô tô nối đuôi nhau, ùn tắc nghiêm trọng là cảnh thường thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất, Tp. Hồ Chí Minh, vào dịp Tết (ảnh Quốc Anh)

 Với nhiều người, Tết còn đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế, đặc biệt là với những người xa quê. Mỗi dịp Tết về là phải chuẩn bị cả chục suất quà để biếu bố mẹ, cô dì chú bác… rồi cả sấp tiền mừng tuổi.

Việc này tốn không ít thời gian để cân nhắc; bởi nếu không cặn kẽ thì áy náy rồi cảm thấy xấu mặt vì dù sao cũng gọi là công tác ở xa về. Có người tốn vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu cho dịp Tết. Với những người tài chính xông xênh thì không thành vấn đề nhưng với ai còn eo hẹp thì đó là áp lực không hề nhỏ. Để rồi, có lúc nào đó tiếc rẻ rằng, "nếu như không tiêu vào Tết, thì nhà mình đã mua được cái này cái nọ, trả được khoản này, khoản kia…" hay "ốm người đi vì Tết".

Sau những ngày chuẩn bị mua sắm quà cáp, về quê lại là chuỗi ngày đi chúc tụng rồi ăn uống tưởng như không hồi kết. Đàn ông thì như tắm mình trong bia rượu với những buổi họp lớp, tất niên, hóa vàng rồi đến nhà nào cũng bê mâm mời ăn uống, gọi là "ăn cho lấy may". Đằng sau những tiếng hò vang "trăm phần trăm" ấy, là cả hậu trường bát đĩa xoong nồi dành cho những người phụ nữ, kèm theo sự lo lắng về an toàn giao thông khi các đấng mày râu quá chén.

Một năm làm việc vất vả, mấy ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, ăn Tết theo cách mình muốn tại nơi mình đang sống hoặc đi du lịch đâu đó; thay vì phải lích kích mang một đống va li quần áo, đồ đạc, chen chúc về quê.

Liệu có phải chỉ có nơi bạn chôn nhau cắt rốn mới là quê hương, còn nơi thành phố mà bạn gắn bó vài chục năm qua chỉ là nơi ở tạm, để rồi cứ Tết đến là khăn gói về quê? Tại sao không coi nơi nào bạn gắn bó, nơi đó là quê hương, nên Tết ở đâu cũng đều là đầm ấm?

Thiết nghĩ, không nên coi Tết là bắt buộc, là áp lực, là gánh nặng kinh tế mà cần căn cứ vào tình hình thực tế để liệu cơm gắp mắm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay. Còn nếu có điều kiện về quê ăn Tết cùng bố mẹ được là cái tốt.

Chữ hiếu với cha mẹ không chỉ thể hiện qua việc về quê ăn Tết. Thay vì dồn cả đống tiền về quê ăn Tết, thì hãy chăm lo cha mẹ kịp thời, nhất là khi đau yếu. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nên việc kết nối giữa những người ở xa rất thuận tiện như qua zalo, facebook…, chứ không phải cứ đến Tết mới gặp cha mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo.

Để dành một khoản tiền về thăm cha mẹ dịp nào đó, tổ chức đưa cha mẹ đi du lịch, mua sắm đồ cần thiết hay chỉ đơn giản một cuộc điện thoại hỏi thăm ân cần hàng ngày cũng là thể hiện tình yêu thương với đấng sinh thành.

Quan trọng là làm thế nào để thể hiện tuy vắng mặt mà mọi người ở quê vẫn cảm nhận được cái tình mà bạn dành cho gia đình. Còn nếu đã quyết định về quê ăn Tết thì cần cân đối sao cho hợp lý để tránh gánh nặng về tài chính, và không nên nghĩ rằng về quê ăn Tết là thước đo chữ hiếu.

Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm, bài viết và những kỷ niệm của mình xoay quanh những câu chuyện về Tết tại khung bình luận bên dưới, hoặc gửi bài về hòm thư: diendan@dantri.com.vn.

Quan điểm không nhất thiết trùng với quan điểm của tòa soạn!