Tàu lửa chạy trong đường ray độc quyền

“Trong báo cáo cuối năm có 97,5% số cán bộ, công chức ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi đọc con số mà thấy xấu hổ” - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nói như vậy về ngành đường sắt tại cuộc họp bàn biện pháp giảm áp lực cho vận tải đường bộ ngày 18/4.

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Một con số báo cáo “láo” đến mức hài hước.

 

Ngành đường sắt làm ăn ngày càng lụn bại, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có hơn 500 lao động của ngành phải nghỉ việc. Số đông người lao động tạm bám được việc nhưng lương rất thấp. Ngành đường sắt mấy chục năm không đổi mới, trì trệ, lạc hậu, hành khách ngày càng quay lưng. Giá vé cao nhưng phục vụ kém, dịch vụ tồi. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy sân bay đông nghẹt khách, còn ga tàu vắng khách. Độc quyền một tuyến đường xương sống của quốc gia, nhưng không đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, để dồn áp lực lên đường bộ.

 

Bao năm nay, ngành đường sắt tự giam mình trong cái áo độc quyền, giam tư duy mình trong não trạng bao cấp, nên không nghĩ ra được việc gì mới hơn để làm ngoài khai thác những đống sắt toa xe và hệ thống đường ray cũ kỹ. Sự hư đốn của độc quyền và làm ăn theo lối bao cấp của ngành đường sắt đã làm cho doanh nghiệp ngao ngán. Doanh nghiệp không chịu nổi những thói hư tật xấu của mấy cậu công tử con một của Nhà nước.
 
Đến nay, khi áp lực vận tải đường bộ ngày càng cao, đặc biệt là sau khi siết trọng tải dẫn đến tăng giá cước, thì doanh nghiệp chợt giật mình “nhớ lại” Việt Nam có phương tiện vận tải đường sắt. Thế nhưng, doanh nghiệp không tin tưởng trong việc hợp tác làm ăn với đường sắt. Tại cuộc họp trên, nhiều doanh nghiệp đưa ra dẫn chứng cho thấy ngành đường sắt làm ăn theo lối bao cấp, kinh doanh mà như ban phát cho khách hàng, không cần khách hàng.
 
Cộng đồng doanh nghiệp mơ ước quốc gia có một ngành đường sắt có năng lực vận tải tốt, giá hợp lý, dịch vụ tốt để vận tải hàng hóa, như lời phát biểu của ông Nguyễn Trọng Khôi – Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam: “Chúng tôi rất muốn chuyển hàng bằng tàu. Nếu đường sắt nâng được 15-30% năng lực vận chuyển thì chúng tôi rất phấn khởi”.
 
Nhưng cũng chỉ là “nếu” mà thôi. Bởi vì, cán bộ ngành đường sắt bận đi đánh golf. Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cán bộ ngành đường sắt đi chơi golf nhiều hơn cả ngành hàng không.
 
Càng suy nghĩ càng thấy nước mình có nhiều chuyện như đùa. Một ngành nát như ngành đường sắt, vậy mà cán bộ của ngành có tiền đi đánh golf đông vào loại nổi tiếng. Nát như thế mà gần 100% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 

Nát như thế mà không ai bị mất chức.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động