Quy định "bật đèn xanh" đưa tham nhũng… lên tầm cao mới?

(Dân trí) - TN: canu2004@gmail.com đặt câu hỏi trên. Dan den: dadinhkho@yahoo.com nêu rõ: “…Vàng thiệt sợ gì lửa?...” Hai Lúa: ngocsang456@gmail.com cảnh báo: “Công văn 1042/C67-P3 khi thực hiện sẽ là tấm bình phong cho CSGT ‘làm mãi lộ’ hợp pháp vì không ai được tiếp cận ghi âm, chụp ảnh, quay phim làm bằng chứng…”

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Bất thường và bất bình

 

Chỉ cần qua 3 trong số hàng ngàn ý kiến bạn đọc phản hồi với Văn bản số 1042/C67-P3 do ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt ký, đã có thể thấy được bức tranh toàn cảnh của xã hội thời… hậu “văn bản trên mây” mới này. Dẫu sao, xét từ khía cạnh đánh động dư luận thì xem ra văn bản BẤT THƯỜNG này đã tạo hiệu ứng rất mạnh mẽ và có độ lan tỏa khá nhanh, khá xa…Để rồi nổi lên từ mọi nhận xét của dân là càng gia tăng sự BẤT BÌNH!

   

“Tôi đã đọc Dân trí rất nhiều nhưng chưa bao giờ thấy dân chúng comment nhiều như vậy. Phải gọi là quá nhiều ý kiến nhưng cùng một quan điểm rằng quy định này quá vô lý....Cái gọi là VÌ DÂN có lẽ đã bị bỏ quên? Lại một câu nói nữa: CÂY NGAY ĐÂU SỢ CHẾT ĐỨNG? Nếu mấy vị làm đúng thì chẳng điều gì phải sợ mấy anh PHÓ NHÁY cả!” - Nguyễn Hùng Cường: archsnake2009@gmail.com

 

Sự đồng lòng nhất trí được nhấn mạnh trong hầu như tất cả ý kiến bạn đọc để dù là ai, làm việc gì hoặc ở đâu cũng dễ dàng cùng chung tiếng nói, kiến nghị...

 

“Một văn bản pháp luật bất bình thường. Đề nghị Bộ Tư pháp vào cuộc để làm rõ văn bản pháp luật này, vì rõ ràng văn bản chỉ bảo vệ quyền lợi không bình thường của CSGT” - Tuan Anh:  tuânnhvuong2000@yahoo.com

 

“Tôi là nhà báo, tôi thực sự bức xúc với cái công văn này?!  Tôi thấy như tinh thần đó cũng là trái với ý kiến chỉ đạo của đ/c Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang. Hơn thế nữa, tệ nạn ‘mãi lộ’ ở nước ta đã là việc nan giải, vậy câu hỏi đặt ra là tại sao một ông Phó Cục trưởng ký cái gọi là công văn đó lại buộc toàn dân phải thực thi (điều này theo tôi đã là vô tính luật ): ‘Không được quay phim chụp ảnh’ những ai đang gây nên nạn mãi lộ sao, thưa ông?! Có ai tham mưu cho ông ký cái công văn này không, hay do trình độ...? Thảo nào nạn mãi lộ chưa khi nào giảm được và công tác chống tiêu cực của VN ta còn lắm gian nan nếu theo kiểu cái công văn này ?!” - Bùi Quốc Hoằng:  quochoangnbtv@gmail.com

 

“Tôi nhận thấy điều này thực sự cần xem lại. Trước hết là đối với CSGT - nếu họ thực hiện đúng tác phong  cũng như những quy định và điều lệ của ngành thì họ chẳng sợ gì khi bị quay phim hay chụp ảnh. Còn nếu họ làm không đúng với những gì nhà nước quy định thì các văn bản trên chẳng phải tiếp tay cho những hành động sai trái của họ hay sao? Còn những cá nhân, những tập thể có những hành động làm đẹp thêm hình tượng CAND thì cũng không ai biết đến ư?... Theo tôi, nên xem lại thật kỹ văn bản trên và trước khi đưa ra những quy định ảnh hưởng tới XH như vậy cũng cần tham khảo ý kiến của dân. Đừng để khi ra quyết định rồi lại không thực hiện được thì rất là đáng buồn!” - Pham Thanh Hung: pham_thanhhung207@yahoo.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Lo nồi cơm nhà mình
 
Lý lẽ mà bên chức năng đưa ra mỗi khi ban hành một văn bản nào bao giờ cũng có vẻ rất hay, rất tốt, công tâm, vì dân, vì nước... Nhưng áp vào thực tế thì lại vẫn… một trời một vực và luôn khiến người dân nghi ngờ về lợi ích nhóm nói riêng, lợi ích ngành nói chung. Nói tóm lại vẫn là cách nghĩ "chỉ lo cho nồi cơm nhà mình!"

 

“Tuần qua tôi được nghe Trung Tướng – nhà văn Hữu Ước nói trong chương trình Người đương thời của VTV rằng: Người dân cứ việc ghi hình cán bộ chiến của ngành để phản ánh các vụ tiêu cực. Vậy mà nay lại nghe về công văn trái chiều này là sao?...” – Quang Tran:  quangtran72347@gmail.com

 

“… Đó đúng là những thắc mắc của những người dân chân chính: nếu như cảnh sát làm đúng với trách nhiệm, không nhận tiền hối lộ thì làm sao phải sợ quay phim chụp ảnh, ghi âm? Ngược lại mới đúng, phải tự hào, phải quyết tâm hơn mới đúng. Nếu như Cục CSGT đường bộ - đường sắt  ra lệnh cấm như vậy thì chỉ chứng tỏ công an bây giờ không còn là công an vì dân nữa rồi, mà là vì mình thì đúng hơn? Các anh CSGT cứ nói rằng người dân bây giờ không chịu tuân theo quy định, cứ đút tiền hối lộ làm hư hỏng công an? Nhưng theo tôi, CSGT mới là nguyên nhân chính gây ra thói quen xấu đó. Ví dụ như khi bắt một người vi phạm giao thông, nếu người đó xin xỏ rằng không có tiền, xin một lần tha thứ thì thà rằng CSGT nhắc nhở: Lần này tôi tha vì lần đầu, lần sau tôi sẽ phạt anh, còn anh mà đưa tiền hối lộ thì tôi sẽ phạt anh nặng hơn. Lúc ấy người đó chắc sẽ cảm kích vô cùng và lần sau bị bắt khi vi phạm thì chắc sẽ vô tư nộp phạt, sẽ không vừa sợ vừa coi thường… nữa. Đằng này CSGT đa số toàn đứng chỗ khuất, thoáng thấy có người vi phạm 1 chút là xông ra… Hỏi giấy tờ làm phép xong là… nhận tiền hối lộ rồi đuổi nhanh, chuẩn bị bắt người khác…” - Nguyễn Văn Thiện: hoayenlek@gmail.com

 

“Cái này gọi là có tật thì giật mình nè. Nếu mình làm việc đường đường chính chính, công khai minh bạch thì không phải sợ gì cả, mà còn phải cảm ơn người đã quay phim, chụp ảnh mình nữa. Hãy để cho nhân dân thực thi quyền giám sát vì chỉ có họ mới đánh giá đúng thực sự thái độ, đạo đức của các chiến sỹ CSGT. Các chiến sỹ cũng nên xem những clip tiêu cực vừa qua để lấy đó làm bài học kinh nghiệm khi làm nhiệm vụ.. Và câu cuối cùng mình xin được nhắn nhủ là: Trình độ nhận thức của người dân bây giờ được nâng lên rất nhiều, cộng với các thiết bị số bây giờ rất phổ biến… Các anh nên cẩn trọng hơn với  mọi lời nói và hành động của mình khi làm nhiệm vụ. Thân!” - Hải:  hochauhai@gmail.com

 

“Các bạn xem film Mỹ thì sẽ thấy, trên xe tuần tra hay trên mũ của cảnh sát đều có camera để họ tự quay lại hình ảnh. Đó sẽ là bằng chứng để chống lại những ai nếu có vi phạm. Còn ở VN mình thì lại cấm quay vì đó sẽ là bằng chứng để chống lại cảnh sát vi phạm (?) Có thế thôi, dễ hiểu mà” - Đức: ngocduc311@gmail.com

 

Viễn cảnh “đưa tham nhũng… lên tầm cao mới” xem ra đã ở trong tầm tay rồi đó!

 

Khánh Tùng