Ý kiến luật sư:

Quản lý nhà nước với nền kinh tế thị trường, nhìn từ vụ án “bầu” Kiên

(Dân trí) - Vụ án ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về 04 tội danh đang được xét xử tại TAND Hà Nội thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận vụ việc như sau:

Luật sư Trương Anh Tú
Luật sư Trương Anh Tú

 

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS) Nhân dân Tối cao thì ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) bị truy tố về 04 tội danh gồm:

 

1.Tội Kinh doanh trái phép theo quy định tại Khoản 3, Điều 159, BLHS.

 

2.Tội Trốn thuế theo quy định tại khoản 3, Điều 161, BLHS.

 

3. Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 139.

 

4. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 165, BLHS.

 

Quan điểm của tôi về 04 tội danh trên theo cáo trạng do VKS truy tố (bầu Kiên) như sau:

 

+ Một là đối với “Tội kinh doanh trái phép”:

 

theo Cáo trạng của VKS, “bầu” Kiên bị truy tố đối với hành vi kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép. Tuy nhiên, hiện nay Kinh doanh tài chính là một khái niệm rất trừu tượng. Đó là một “phạm trù kinh tế, phản ánh các quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập, phân phối các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu của các chủ thể ở mỗi điều kiện nhất định” (theo Wikipedia).

 

Còn theo danh mục các ngành nghề kinh tế VN (ban hành kèm quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007) thì không có quy định cụ thể về ngành “kinh doanh tài chính”, mà chỉ liệt kê một số ngành nghề như: hoạt động dịch vụ tài chính; hoạt động trung gian tiền tệ; hoạt động công ty nắm giữ tài sản … Nhưng quyết định 337/QĐ-BKH cũng như các văn bản hướng dẫn quyết định 10/2007/QĐ-TTg cũng không xác định cụ thể tính chất của các ngành nghề liên quan đến tài chính. Do đó, cơ sở pháp lý để xác định ngành nghề cụ thể trong hoạt động kinh doanh tài chính là rất mơ hồ, khó xác định. Vì vậy, đồng nghĩa với không có cơ sở pháp lý cho việc xác định tội danh trong trường hợp này.

 

Theo Cáo trạng thì các hành vi cấu thành tội kinh doanh trái phép của “bầu” Kiên chủ yếu là: thông qua các doanh nghiệp do “bầu” Kiên là người đại diện để mua cổ phần và góp vốn các các công ty khác. Mmua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB, mua cổ phiếu của Techombank, Eximbank…và ký hợp đồng với ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài.

 

Tuy nhiên, Điều 13, Luật Doanh nghiệp đã khẳng định doanh nghiệp có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần. Mặt khác, nghị định 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2005, Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 cũng như hệ thống pháp luật VN không nghiêm cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mua trái phiếu và góp vốn. Đối chiếu với nguyên tắc công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, thì các doanh nghiệp do “bầu” Kiên làm chủ hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động này. Đây được xem là quyền của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

 

“Tội kinh doanh trái phép” theo Điều 159, BLHS “…kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép…” - Tức là người kinh doanh chỉ là thiếu phần thủ tục tại cơ quan nhà nước để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh, mà không phải là kinh doanh những ngành nghề bị pháp luật cấm, bị hạn chế, buộc phải có điều kiện mà. Dưới góc độ lý luận khoa học pháp lý, việc thiếu thủ tục này không có tính nguy hiểm cho xã hội, do đó không nên hình sự hóa đối với hành vi này.

 

Thực trạng hiện nay cho thấy việc thiếu thủ tục trong hoạt động kinh doanh là rất phổ biến, nếu theo quy định của BLHS thì có lẽ không chỉ một “bầu” Kiên mà còn hàng vạn người khác đang kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự do kinh doanh chưa có phép hoặc không đúng phép. Tuy nhiên thực tế từ khi có điều luật này rất ít trường hợp bị xử lý, do đó Quốc hội nên nghiên cứu loại bỏ tội danh này trong BLHS và chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính.

 

+ Hai là đối với “Tội trốn thuế”:

 

Theo Cáo trạng thì hành vi chỉ đạo ký Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT ngày 25/12/2008 nhằm chuyển toàn bộ số tiền lãi của công ty B&B sang cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng, có dấu hiệu của “Tội trốn thuế”.

 

Theo quy định tại Điều 1, Thông tư 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC thì “Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được qui định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được qui định tại Điều 161 của BLHS”. Như vậy, nếu người thực hiện hành vi theo quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ bị truy tố hình sự.

 

Tuy nhiên, theo hợp đồng ủy thác thì bà Nguyễn Thúy Hương là người có vốn, bà Hương ủy thác cho Công ty B&B với nội dung theo hợp đồng là bà Hương sẽ được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động, nên khó để xác định đây là hành vi nào trong các hành vi theo quy định tại Điều 108, Luật quản lý thuế nêu trên. Có thể nói đây là sự lợi dụng pháp luật để tránh thuế nhưng không đồng nghĩa với hành vi trốn thuế.
 
Ngày thứ 3 xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm (ảnh, Tuấn Hợp)
Ngày thứ 3 xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm (ảnh, Tuấn Hợp)

 

+ Ba là đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

 Nếu theo Cáo trạng truy tố thì “bầu” Kiên đã có thủ đoạn gian dối là làm khống giấy tờ (gồm Biên bản họp Hội đồng thành viên, Quyết định của Hội đồng thành viên) để bán lại 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát nhằm chiếm đoạt 264 tỷ đồng, trong khi số cổ phần trên lại đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB, chưa có lệnh giải chấp. Tuy nhiên, Cáo trạng không phản ánh được: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có biết, có chấp nhận việc số cổ phiếu trên đang nằm trong sự quản lý của Ngân hàng ACB hay không? Việc biết, việc chấp nhận hay không biết, không chấp nhận số cổ phần đang bị thế chấp tại Ngân hàng của Tập đoàn Hòa Phát có ý nghĩa quyết định đến việc “bầu” Kiên có phạm tội hay không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

+ Bốn là đối với “Tội cố ý làm trái các quy định pháp luật về quản lý kinh tế”:

 

Có thể nói thời điểm năm 1999, khi xây dựng BLHS nói chung và điều luật này nói riêng, nước ta đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển theo hướng kinh tế thị trường nên vẫn mang nặng hệ tư tưởng kinh tế kế hoạch tập trung. Cho nên khi quy định này vào BLHS cho thấy những người xây dựng pháp luật vẫn còn vương vấn “tàn dư” của hệ tư tưởng kinh tế cũ. Ở nền kinh tế cũ, nhà nước vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng hoạt động kinh tế. Do đó “thiệt hại nghiêm trọng” phải được xem là thiệt hại gây ra đối với tài sản nhà nước, tài sản XHCN.

 

Hiện nay khi đất nước đã hội nhập, nền kinh tế rộng mở với đa dạng các thành phần kinh tế, mà thành phần kinh tế quốc doanh đang dần thu hẹp để hòa mình với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh. Những tổ chức này hoạt động theo quy luật của nền kinh tế thị trường, trong đó có quy luật về “lời ăn, lỗ chịu”. Họ tự nguyện quyết định các chính sách hoạt động của mình, miễn là  không trái với quy định của nhà nước, mặc dù các quyết định này có thể gây ra thiệt hại nhưng đó là thiệt hại đối với chính bản thân tổ chức kinh tế của họ mà không gây thiệt hại cho Nhà nước.

 

Trừ trường hợp người đứng đầu tổ chức kinh tế dùng quyền phủ quyết để quyết định một hay nhiều vấn đề gây thiệt hại về tài chính cho tổ chức kinh tế, thì các quyết định ban hành từ sự đồng thuận của các thành viên trong tổ chức kinh tế gây ra thiệt hại cho chính tổ chức kinh tế đó không phải là hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội. Việc hình sự hóa hành vi này có thể làm hạn chế tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

 

Do đó trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất theo hướng chỉ xử lý hình sự đối với những hành vi cố ý làm trái các quy định pháp luật về quản lý kinh tế của công chức, cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

 

Trong vụ án này, bầu Kiên bị truy tố với hành vi “thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán … và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB…”. Nhìn ở hình thức, đây là hành vi trái với quy định tại Điều 29, quyết định 27/2007/QĐ-BTC.

 

Điều 29 quy định “công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán”, nhưng (về nội dung) hành vi của “bầu” Kiên không trực tiếp đầu tư mà sử dụng “những động tác kỹ thuật” pháp luật không cấm là hợp tác kinh doanh.

 

Hơn thế nữa, ngân hàng ACB là một tổ chức kinh tế, họ chủ động, tự nguyện, không có sự ép buộc trong việc quyết định chủ trương phát triển của doanh nghiệp và thiệt hại ở đây là thiệt hại cho chính bản thân tổ chức mình. Quyết định về “thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán … và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB…” được sự đồng thuận của các thành viên tổ chức. Sự thiệt hại do quyết định này là thiệt hại về tài chính cho chính Ngân hàng ACB. Do đó việc xác định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và truy tố hình sự là chưa thực sự thuyết phục.

 

Với những tình tiết như vậy, dự đoán các luật sư bào chữa và đại diện VKS giữ quyền công tố sẽ có rất nhiều vấn đề để trao đổi, tranh luận với nhau trong vụ án này.

 

Tóm lại, từ vụ án này chúng ta nên nhìn rộng ra để thay đổi sự quản lý nhà nước (bằng pháp luật) đối với nền kinh tế thị trường hiện nay. Có lẽ trong thời gian 5 năm đến 10 năm nữa, chúng ta sẽ có “tư duy khác”, “nhận thức khác” về vụ án này nhưng tốt nhất thì hãy nhìn lại ngay từ ngày hôm nay.

 

Công Tâm, Phương Anh (ghi)