“Nói không” với sản phẩm Giáo dục Đại học, vì sao?

(Dân trí) - Vừa qua, Nam Định tiếp bước Đà Nẵng và Hải Dương “nói không” với bằng đại học tại chức và cả đại học dân lập (tư thục). Đây là điều “thuận lý” hay “nghịch lý” và vì sao như vậy?

Thái độ “nói không” của các tỉnh phía Bắc càng ngày càng mạnh mẽ; nên nếu có một tình nào đó ở phía Nam “nói không” với bằng đại học thì chắc phải là ba loại: bằng tại chức, bằng dân lập (tư thục) và bằng “Học viện mở”.

Tuy nhiên đã đến lúc phải nói những sự thật đằng sau những quyết định gây tranh cãi của các địa phương nói trên.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

1.  Bao nhiêu phần trăm cán bộ lãnh đạo địa phương tốt nghiệp tại chức?

Hầu hết cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp tỉnh đều có hai bằng, một bằng chuyên môn và một bằng chính trị. Nếu không phải cả hai thì phần lớn bằng chính trị cũng là bằng tại chức. Không một tỉnh nào kể cả Nam Định dám công bố công khai hiện nay có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp đại học tại chức. Phải chăng toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo các tỉnh đặc biệt là Nam Định đều tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy? Chỉ cần nhìn vào chỉ tiêu đào tạo tại chức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cho các trường công lập sẽ thấy rằng có những trường số sinh viên tại chức chiếm tới 50% . Và một sự thật hiển nhiên là đa số các vị “tại chức” ấy hiện vẫn đang “tại chức’. Chẳng lẽ các vị tại chức ngày xưa uyên bác hơn các vị tại chức ngày nay? Có thể chức vụ các vị tại chức ngày xưa khá cao vì tôi đã từng dạy lớp ở Lạng Sơn có cả tỉnh ủy viên, hay lớp ở Nha Trang có cả Giám đốc sở nhưng mặt bằng kiến thức thì hầu như vẫn thế.

2. Tốt nghiệp hệ chính quy có chắc chắn khá hơn các hệ đào tạo khác

Tôi không nhớ rõ năm nào, có lẽ vào năm 2005, 2006 khi còn “tại chức” tôi duyệt một hồ sơ đăng ký thi tuyển vào ngạch Giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Cô kỹ sư Công nghệ Thông tin này  tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội và hồ sơ chắc vần còn lưu ở phòng Tổ chức Cán bộ Đại học Nông nghiệp. Bảng điểm ghi là loại khá, còn bằng tốt nghiệp ghi là loại giỏi. Khi tôi đề nghị Phòng Tổ chức liên hệ làm rõ vấn đề thì Đại học Bách Khoa từ chối trả lời và cô ứng viên này không đến thi tuyển nữa. Điều làm cả khoa Công nghệ Thông tin và Phòng Tổ chức cán bộ Đại học Nông nghiệp ngạc nhiên là năm sau cô ứng viên đó lại nộp hồ sơ dự tuyển với bảng điểm đã được chữa một số môn để thành loại giỏi. Tuy nhiên khi thi về chuyên môn thì chỉ có duy nhất Trưởng khoa Công nghệ Thông tin (bạn của bố cô bé đó) cho 5 điểm còn toàn bộ Hội đồng cho điểm kém.

Có một loại hình đào tạo phổ cập hiện nay là cao học, loại hình này theo tôi được biết không có hệ tại chức đồng thời phần lớn các trường tư thục chưa được phép đào tạo cao học. Những người học dân lập và tại chức có thể “rửa bằng” bằng cách học cao học và vì vậy với tấm bằng thạc sĩ trong tay chưa một địa phương nào dám “nói không” với văn bằng này.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thực chất của đào tạo cao học hiện nay, tôi xin nêu một ví dụ: với tư cách là lãnh đạo bộ môn Công nghệ phần mềm tôi được giao nhiệm vụ dạy môn Tin học ứng dụng cho học viên cao học ngành Cơ khí, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Kết quả thi rất thấp. Một năm  chờ đúng lúc tôi đi công tác vắng,  Khoa Sau đại học báo cho sinh viên học môn Tin học. Vì không có thày nên khoa Sau đại học phải mời người khác dạy thay. Điều này tôi không hề biết cho đến khi đọc bảng thanh toán tiền dạy cuối năm, tôi vẫn được ghi tên là giảng viên dạy và tiền dạy vẫn trả cho tôi. Mặc dù tôi đã thông báo cho Khoa Sau đại học ai dạy thì gặp tôi nhận tiền nhưng không có ai đến gặp, có thể họ sợ tôi làm to chuyện hoặc họ đã nhận được thù lao xứng đáng rồi.
 
“Nói không” với sản phẩm Giáo dục Đại học, vì sao? - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)


Nêu vài ví dụ để thấy rằng không phải cứ học tại chức, dân lập là dốt còn cứ học chính quy là khá là giỏi. Đặc biệt tấm bằng thạc sĩ “chính quy” ngày nay sau khi bảo vệ luận án không ít người vẫn không viết được câu “Chúc mừng ngày sinh nhật” bằng tiếng Anh.

3. Quy trình thi tuyển công chức có vấn đề

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đa số sinh viên học tại chức, dân lập và đại học mở đều có mặt bằng kiến thức yếu nhưng điều này không có nghĩa là tất cả đều dốt. Dù tốt nghiệp loại hình đào tạo nào thì điểm chuẩn vào trường cũng không thấp hơn điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đồng thời tấm bằng mà họ có trong tay cũng đều phải “mua phôi” từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy thì tại sao lại không cho họ thi tuyển công chức?

Điều này theo tôi có hai cách giải thích

Một là các tỉnh nêu trên không thể (hoặc không dám) tổ chức một kỳ thi tuyển công chức minh bạch, công bằng cho mọi loại đối tượng. Không dám tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình đào tạo. Biết đâu trong số các ứng viên công lập ấy khối con ông cháu cha cần phải loại bớt các đối thủ tiềm năng?  Một khi các tỉnh khẳng định được rằng kỳ thi tuyển công chức của tỉnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đề thi có tác dụng phân hóa đối tượng rõ ràng và những người coi thi, chấm thi là hoàn toàn công tâm thì việc cho tất cả mọi đối tượng tham gia dự thi công chức chỉ làm tăng thêm uy tín của tỉnh, giúp tỉnh chọn được những người thực tài.

Nếu cả một tỉnh mà không tổ chức được một kỳ thi như vậy thì cần xem lại chỗ ngồi của các quan chức xem họ có ngồi nhầm chỗ không?

Ngày xưa cha ông ta tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn người tài ra làm quan không hề có chuyện cấm các sĩ tử xuất thân từ trường làng hay trường quốc học. Chẳng lẽ việc chọn lựa hiền tài ngày nay lại không bằng thời phong kiến xa xưa? Chẳng lẽ cái sự “phú quý giật lùi” mà người ta hay đàm tiếu lại là sự thật?

Hai là có thể xem như đây là khúc dạo đầu của lời tuyên chiến của các “thượng đế” (tức là người sử dụng sản phầm của ngành Giáo dục và Đào tạo ) với các trường chất lượng thấp. Vì rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không dám tuýt còi như Bộ Giao thông nên các tỉnh phải rung chuông hộ. Nếu như vậy tôi hy vọng rằng các tỉnh không cần rung chuông nữa mà hãy bình tĩnh chờ đợi thể nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ “đăng đàn”, không sang năm thì vài năm tới. Nhưng tại sao lại là vài năm tới? Vì còn phải để cho các trường công lập tiêu hóa hết cái “nồi cơm” tại chức đầy ắp như lời phó thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có lúc phát biểu.

Có người cho rằng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện chiến lược “tọa sơn quan hổ đấu” nghĩa là cứ để cho các tỉnh “đập chết” các trường dân lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải làm gì cả và đương nhiên sẽ không làm mất lòng người đã khai sinh ra các trường đó, không làm mất lòng các “Bô lão” hiện đứng đằng sau các trường tư thục và cũng không làm mất lòng các chiến hữu nghỉ hưu nay lại chính thức đi làm.

Không nói gì nhưng thực ra Bộ Giáo dục và Đào tạo  có “nói” đấy- không nõi cũng là “cách nói” thượng sách  mà !

Chính sách với các trường tư thục

Sự yếu kém của sinh viên tư thục không bắt nguồn từ bản thân sinh viên, cũng không phải lỗi của các thày cô giáo.  Những người đứng ra mở trường  gồm nhiều thành phần như quan chức chính phủ nghỉ hưu, nhà giáo và doanh nhân (nghe nói trong số này có cả người buôn phế liệu vốn chưa học hết cấp ba). Đáng tiếc rằng chính sách đối với loại hình này lại không được ban hành kịp thời dẫn tới sự nhập nhằng giữa nhà đầu tư và người điều hành quá trình đào tạo.

Đã là nhà đầu tư thì mục đích tối thượng là lợi nhuận, hy vọng có  trường tư thục không vì lợi nhuận quả thật là ngây thơ mà người ta cứ cố tin là có. Để tăng lợi nhuận thì phải giảm giá thành đầu vào (trả lương cán bộ, giáo viên thấp, mua sắm thiết bị cũ, tránh đầu tư những hạng mục lớn…) đồng thời phải giảm chi phí vận hành quá trình đào tạo (cắt xén chương trình, bớt kinh phí nghiên cứu khoa học…). Hậu quả tất yếu là chất lượng sinh viên ra trường không cao.

Có một sự thật nguy hiểm là ở một số trường nhà đầu tư trực tiếp làm lãnh đạo (Hiệu trưởng, Hiệu phó), việc điều hành quá trình đào tạo thực chất do các Trưởng Khoa, Trưởng Phòng đảm nhận.  Những người này là người làm thuê hưởng lương và có thể bị các ông chủ cho nghỉ việc bất kỳ lúc nào. Ngược lại những người này cũng sẵn sàng bỏ việc nếu các đề xuất, kiến nghị không được đáp ứng. Hậu quả tất yếu của cơ chế này là các trương tư thục không có một đội ngũ cán bộ chuyên môn tâm huyết, gắn bó với trường.

Việc bỏ vốn và thu lãi của nhà đầu tư là  hiển nhiên mà xã hội phải thừa nhận. Điều đáng nói là Nhà nước không có chế tài để bắt buộc nhà đầu tư (kể cả những kẻ láu cá nhất) phải chú ý đến tính đặc thù của kinh doanh Giáo dục. Phải tách bạch nhà đầu tư và nhà giáo, không thể có chuyện người chưa học hết cấp ba ngồi nêu ý kiến về định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học. Theo tôi luật giáo dục đại học cần quy định rõ nhà đầu tư được phép làm gì và không được làm gì. Sự phân bổ kinh phí phải được quy định chi tiết để bắt buộc các trường tư thục dành nhiều hơn cho đào tạo và nghiên cứu.

Suy cho cùng luật nào cũng có chỗ để lách, để tránh hậu họa cho đời sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo  cần chuẩn bị sẵn thật nhiều “hom” cho những kẻ thích lách và không nên quên đặt một cái ở đường Đại Cồ Việt.
                                                     
    TS. Dương Xuân Thanh

                                                              Đại học Chu Văn An

 

LTS Dân trí-Ý kiến của nhiều người cũng như sự đánh giá nói chung của dư luận đều cho rằng nếu so sánh với đại học chính quy thì hê tại chức và đại học dân lập thường yếu kém hơn. Nhưng đó là nói chung, còn “chân lý bao giờ cũng cụ thể”, cho nên muốn đánh giá chính xác thì phải xem xét cụ thể là trường nào và vói sinh viên nào? Vì vậy, trong chính sách tuyển dụng cán bộ, viên chức không nên “vơ đũa cả năm” mà loại bỏ ngay từ đầu những ứng viên thuộc các hệ đào tạo không chính quy và công lập.
 

      Hơn nữa, chính sách này của một số địa phương không nói lên sự nghiêm minh trong tuyển dụng cán bộ, viên chức, mà chỉ cho thấy những địa phương đó không muốn hoặc đủ năng lực tổ chức một cuộc tuyển dụng công khai, minh bạch và công bằng dựa trên những tiêu chí khách quan cùng với quy trình tiến hành nghiêm túc chặt chẽ, để tuyển chọn đúng người đáp ứng đúng yêu cầu công việc, không phân biệt người đó thuộc loại hình đào tạo nào.