Bạn đọc viết:
Từ chối tại chức đồng nghĩa với chấm dứt nạn chạy bằng cấp?
(Dân trí) - Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng chính Đà Nẵng và Nam Định đang có những động thái tích cực trong cuộc chiến chống lại tư duy chạy theo bằng cấp. Nạn chạy theo bằng cấp đã làm tốn bao nhiêu giấy mực và tiền của vì tệ nạn này.
Người Việt ta lạ lắm. Bố mẹ nào cũng muốn con cái có bằng đại học để “oai” với đời mặc dù tấm bằng đó có khi chẳng có tác dụng gì trong công việc của mình. Thế nên trường nào cũng muốn mở tại chức, ngành nghề mở tràn lan. Các trường mở các hệ đào tạo do nhu cầu của người dân theo đúng quy luật của kinh tế thị trường (có cầu ắt có cung) vậy tại sao lại thắc mắc khi các cơ quan không chịu tuyển (đồng nghĩa với việc không công nhận chất lượng của các loại hình đào tạo này).
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: tienphong.vn)
Về chất lượng của các loại hình đào tạo này, đặc biệt là hệ đào tạo tại chức thì khỏi cần bàn. Không phải vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh để hoàn thiện kiến thức và bằng cấp cho cán bộ, bộ đội... Ngày nay nếu học giỏi, anh hoàn toàn có thể tham gia học chính quy công lập. Có thể có vài trường hợp vì hoàn cảnh mà phải học tại chức nhưng khát khao được học tập và phấn đấu để có được những kiến thức thực sự tương xứng với tấm bằng (rất hiếm hoi). Số đông còn lại đi học để cho có tấm bằng, cho đẹp hồ sơ, để... Thế nên, sinh viên các trường đại học bây giờ mới có thêm một “nghề” mới là “học thuê”, không cần phải đi làm gia sư vất vả như trước nữa.
Ngoài việc tuyên chiến với nạn chạy theo bằng cấp, các cơ quan không tuyển người tốt nghiệp tại chức cũng góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống tham nhũng và tệ nạn “con ông cháu cha”. Vì ai cũng biết, nếu kiến thức không đáp ứng thì các sinh viên tốt nghiệp hệ này sẽ bị loại ngay nhưng chỉ cần trong điều kiện thi thì có thể chay chọt hoặc được gửi gắm.
Cũng có một thực tế là, những người này, sau khi được tuyển sẽ sớm chạy được để đi học cao học (lúc này mọi người quên mất anh ta đã tốt nghiệp tại chức) và cuộc chạy đua bằng cấp cứ tiếp tục không biết bao giờ mới chấm dứt.
Được học hành là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Bộ GD&ĐT cần rà soát, siết chặt quản lý với loại hình đào tạo dân lập; riêng với hệ tại chức có thể bỏ hẳn để không lãng phí tiền của của người dân và của nhà nước.
Anh Nguyen
anhvttkh@gmail.com