Không chạy tại chức thì chạy chính quy, chạy cao học...

(Dân trí) - Quyết định “quay lưng” với bằng tại chức, dân lập trong thi công chức của tỉnh Nam Định mới đây sau khi đưa ra thông báo không chỉ vấp phải nhiều ý kiến phản đối mà trong đó dư luận cũng cho rằng cách làm này có phần vô lý.

Nếu nói rằng không tuyển bằng tại chức, Dân lập để loại những thành phần kém năng lực và cũng để “tiêu diệt” triệt để nạn chạy bằng cấp thì có gì đó thật là mông lung, mơ hồ.

 

Chúng ta cùng nhất trí với những ý kiến, quan điểm cho rằng việc các cơ quan, các doanh nghiệp có quyền chọn lựa cho mình những sản phẩm tốt nhất có thể. Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là không phải vì tồn tại của ĐH Tại chức, ĐH Dân lập mà nạn chạy bằng cấp mới có cửa sống, bởi không chạy bằng Tại chức, dân lập thì họ sẽ chạy hẳn bằng chính quy, thạc sĩ, cao học... Có lẽ tôi nói đến đây thì ai cũng hiểu những việc khó hơn, lớn lao hơn vẫn có thể chạy được thì những điều mà chúng ta đang bàn luận đây có lẽ không phải là vấn đề gì to tác.
 
Không chạy tại chức thì chạy chính quy, chạy cao học... - 1

Một lớp học tại chức (nguồn ảnh: xunghe.vn)

 

Vấn đề ở đây là Bộ GD&ĐT phải tìm ra biện pháp để triệt tận gốc, cắt bỏ cái “ung nhọt” này chứ đừng để nó trở thành bệnh mãn tính để rồi chỉ chữa tạm thời, chắp vá, kiểu nay địa phương này nghĩ ra cách gì (mà họ cho là đúng, là tốt nhất) thì áp dụng với tỉnh nhà mình cách ấy.

 

Ví như việc cho mở quá nhiều trường Đại học Dân lập mà không kiểm soát được chất lượng cũng là mầm mống của căn bệnh thành tích, chạy theo bằng cấp... Và người chịu thiệt thòi trước tiên đó là sinh viên bởi họ tin tưởng những trường này đã được Bộ GD cấp phép vậy còn gì để phải lo lắng.

 

Và sau khi đầu tư công sức, tuổi trẻ, tiền của để có được tấm bằng thì sự thật phũ phàng họ không được công nhận, họ bị chính cha mẹ đẻ “bỏ rơi” vì cái tên không mang họ “Chính quy”. Nhưng tất nhiên nếu mọi khâu từ đầu vào sinh viên đến đầu ra cũng như việc tuyển chọn cán bộ được làm nghiêm chỉnh, minh bạch, công khai thì chắc chắn rằng những vấn đề nhức nhối trong giáo dục và tuyển chọn sẽ không bao giờ xảy ra.

 

“Tôi không đồng tình với cách phân biệt các loại hình tại chức hay chính quy mà chúng ta nên nhìn vào bản chất vấn đề khi tuyển dụng công chức viên chức. Mục đích chính của chúng ta là tuyển được những con người đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra chứ không phải là căn cứ vào bằng cấp để đánh giá trình độ của họ. Có rất nhiều người học tại chức nhưng họ vẫn có kiến thức và đáp ứng tốt công việc, ngược lại chính quy cũng có anh chẳng biết gì không đáp ứng được công việc. Cả tại chức và chính quy đều có mặt được và chưa được, cần khắc phục mặt hạn chế để cùng tồn tại chứ không nên căn cứ bằng cấp và loại hình đào tạo để tuyển dụng. Có như vậy mới tránh được tiêu cực. Muốn làm tốt trước hết cần công tâm, và minh bạch trong tuyển dụng” -  mr duong: duongtn83@yahoo.com phản hồi bài viết Từ chối tại chức đồng nghĩa với chấm dứt nạn chạy bằng cấp?  của độc giả Anh Nguyen (anhvttkh@gmail.com) mà Dân trí đăng.

 

Tương tự, Dung: ttdungnhi@yahoo.com.vn cho rằng Anh Nguyen (anhvttkh@gmail.com) vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể mà vẫn chỉ quẩn quanh với chuyện tấm bằng. Thậm chí có người đại học chính quy, có bằng thạc sĩ cũng chỉ là tiến sĩ giấy mà thôi, nên không thể xét tuyển qua bằng cấp được:

 

“Tôi không đồng tình với người viết bài này. Vì vẫn chỉ loay hoay về bằng cấp. Trước tiên bằng cấp đã được nhà nước công nhận thì đều như nhau, quan trọng là họ có làm được việc hay không? Chúng ta thử xem sinh viên chính quy, thạc sĩ, tiến sĩ khi học xong liệu đã đáp ứng được công việc chưa hay vẫn phải đào tạo thêm? Hay vẫn là tiến sĩ giấy. Những nước tiên tiến họ tuyển dụng người là làm được việc, và tạo lợi nhuận cho họ chứ họ không cần biết là anh có bằng cấp loại gì”.

 

“Chủ quan. Hãy nhìn nhận sư việc từ bản chất của vấn đề. Bản thân tôi thấy hiện nay loại hình đào tạo chính quy, tại chức, dân lập... chả cái nào là không có vấn đề cả. Theo ý kiến của Anh Nguyen thì cũng chỉ giải quyết vấn đề hình thức thôi. Càng làm nặng nề thêm vấn đề bằng cấp trong tuyển dụng. Muỗn xóa bỏ nạn bằng cấp thì hãy trả lời hai câu hỏi : Bằng cấp để làm gì? Tại sao phải cần bẳng cấp?” - Tran Tai: trantrungtai@gmail.com  

nêu ý kiến.

 

Cho rằng chính việc tuyển chọn thi công chức của Nam Định và Đà Nẵng mới thấy rõ nạn chạy theo bằng cấp đã ngấm vào ta rất nặng nề, thu trang: thutrang87@gamil.com viết:  “Tôi nghĩ chúng ta đang quá chạy theo bằng cấp. Và việc thi tuyển vào nhà nước cũng chưa được công bằng cới các ban học CĐ. Họ yêu cầu có bằng ĐH nhưng thử hỏi những người có tấm bằng ĐH đó chắc gì đã hơn những người học CĐ. Mình nghì nếu đã tổ chức thi thì nên công bằng, mọi người cùng thi và kết quả năng lực sẽ được phản ánh qua bài thi chứ không phải ở bằng cấp. Và để làm được việc này đòi hỏi kỳ thi tuyển phải làm thật nghiêm”

 

Bằng tại chức, dân lập... đều vô tội bởi chất lượng đào tạo của các trường Đại học chính quy hay dân lập, tại chức đều do Bộ GD&ĐT đưa chuẩn, anhuy: anhuy@gmail.com.vn lưu ý: “Tôi thấy khi Nhà nước xã hội hóa giáo dục tức là sẽ có chuyện thừa và thất nghiệp sau khi sinh viên ra trường vì bộ khung viên chức rất ít thay đổi, các doanh nghiệp nhân sự cũng ít biến động. Hiện nay các kênh thông tin rất tiện lợi nên việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn cho thanh niên trong việc lựa chọn trường, khoa để học. Hiện nay tôi thấy các trường mở ồ ạt đặc biệt là các trường dân lập. Mục đích của việc thành lập này là nâng cao trình độ dân trí và tỷ lệ người học đại học trong dân cao hơn. Nhận thức của người Việt Nam ta rất rõ ràng là đi học đại học là phải gắn với có việc làm sau này vì thu nhập của người dân vẫn rất thấp cho nên không thể cho con cái đi học rồi mang bằng về cất trong tủ. Các trường dân lập muốn phát triển phải từng bước kèm theo đó là chất lượng đào tạo phải được đưa lên hàng đầu. Chất lượng đôi khi không phải tỷ lệ khá, giỏi nhiều mà là chất lượng thực của sinh viên với công việc sau này đi làm”

 

Phản đối ý kiến loại bỏ mô hình Tại chức của tác giả Anh Nguyen, nick anh: anhbin07@yahoo.com.vn lên tiếng: “Không có hệ tại chức thì mất đi nhiều cơ hội cho nhiều người muốn được đi học. Không đồng tình với tác giả bài viết bởi thử hỏi trong các vị trí quan trọng của nhà nước rất nhiều người học tại chức là không có chất lượng hay sao? Điều quan quan trọng là quản lý, đào tạo các khóa học này ra sao để có chất lượng tốt nhất”

 

Nhìn vào thực tế, bonghongxanh_VietNam: ongvangchamchi02@yahoo.com nêu thực trạng cũng như nhắn gửi đến các nhà tuyển dụng “ưa” bằng chính quy: “Nạn chạy bằng thì dưới mọi hình thức vì có cầu ắt có cung và luật đưa ra thì luôn có chỗ cho những người hiểu luật đi vòng. Tôi nghĩ, muốn chấm dứt tệ nạn này thì cần thay đổi tư duy và cách làm việc trong các cơ quan công quyền. Giống như các doanh nghiệp tư nhân, vấn đề bằng cấp đặt sau tay nghề và trong quá trình làm việc, nếu không theo kịp công việc thì tất sẽ bị loại để dành chỗ cho người mới. Như vậy bằng cấp đầu vào có nhất thiết phải khắt khe, loại bỏ? Và nếu giờ không nhận người có bằng tại chức thì không phải là bất công với những người đã và đang theo học tại chức sao?”

 

“Tôi nghĩ bằng chính qui hay tại chức thì cũng như nhau nếu như công tác xét tuyển được tổ chức tốt và công bằng. Anh học chính qui hay tại chức, con nông dân hay con cháu các cụ cả đều phải thi sát hạch đầu vào. Ai đáp ứng được các yêu cầu thì được chọn, không thì mời anh đi tìm công việc khác. Chỉ lo không làm được khâu này thôi. Chứ tại chức hay không thi có gì khác nhau lắm đâu. Có khi người học tại chức lại có trình độ hơn người học chính qui ấy chứ. Không ít người học chính qui ra trường nhưng vì bằng cấp không phù hợp do chọn “nhầm” trường khi thi đại học. Mà hiện tượng chọn sai trường là hiện tượng phổ biến hiện nay, được nhiều bài báo phản ánh” - quan: cx94216@yahoo.com kết luận.
 

 

Trần Bách