Nhìn vào cán cân Công lý qua vụ xử “bầu” Kiên

(Dân trí) - Vụ án Dương Tự Trọng được nhiều người nhận xét là “dễ xử vì các bị cáo đều nhận tội và không đổ lỗi cho nhau”, vụ “bầu” Kiên gây nhiều tranh luận trái chiều hơn và cũng có nhiều hơn phản hồi lại bày tỏ lo ngại về cái gọi là “án bỏ túi"...

Nhìn vào cán cân Công lý qua vụ xử “bầu” Kiên
Mặc dù có tới 4 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhưng "bầu" Kiên vẫn muốn tự bào chữa (ảnh: Lê Tú)
 

Thượng tôn pháp luật

 

Điều đó luôn là mong ước chung được bày tỏ trong rất nhiều bình luận của bạn đọc mỗi khi diễn ra những phiên tòa, đặc biệt là trong các vụ án lớn mới nhất như với 2 anh em Dương Chí Dũng – Dương Tự Trọng, Huyền Như và nay là vụ “bầu Kiên”. Nhưng xem ra sau khi chứng kiến diễn biến tại các phiên tòa này, để có được lời ngợi ca chung từ dư luận rằng tòa đã “xử đúng người, đúng tội” là khá hiếm hoi…

 

“Hãy thượng tôn pháp luật và xét xử theo đúng pháp luật. Xét xử khách quan, minh bạch!” – Ngoc Thue:  nvngoc.yba@gmail.com

 

“Đây là vụ án lớn và hầu hết doanh nhân cả trong và ngoài nước đều quan tâm. Nếu bản án đưa ra mà thiếu căn cứ pháp luật phù hợp thì tôi lo là sẽ gây tác dụng ngược với chính sách thu hút đầu tư tại VN!?” - Hoang Hai:  haigiang2004@yahoo.com

 

“Là nông dân nhưng tôi rất quan tâm đến vụ xử “bầu” Kiên. Tôi nghĩ tòa nên xem xét lại các tình tiết vụ án. Nếu ông Kiên bị tuyên án vì tội kinh doanh trái phép thì các doanh nghiệp đang làm những việc như mua cổ phiếu, đầu tư vào doanh nghiệp khác… sẽ bất an trong kinh doanh. Theo tôi  nghĩ thì trong vụ này “bầu” Kiên có lẽ chỉ có lỗi trong kinh doanh thôi” – Anh Thang:  anhthangvt@vp.com

 

“Tin rằng tòa án sẽ có những phán quyết thích đáng. Xử lý nghiêm minh, đúng tội để răn đe và tạo tiền đề để phát triển thị trường tài chính mạnh hơn. Các bác ở đây toàn những người khôn ngoan, sắc sảo, nhiều kinh nghiệm thương trường, lời nói vốn luôn rất hùng hồn và đầy lý lẽ. Chả dễ mà đổ tội oan cho các bác ấy được đâu” -  Mai Huong:  maihuongthuy@gmail.com

 

“Cần công minh xem xét lỗi: lỗi hệ thống có hay không? Nếu có thì cần sửa. Theo dõi sự phát triển của “bầu” Kiên thì có thể thấy có phần do lỗi "hệ thống" tạo nên. Mà theo tôi, hệ thống ở đây bao gồm cả về quy định luật pháp và thực thi chức năng của các ngành chức trách. Không có lý do gì sự tồn tại của “bầu” Kiên như vậy mà các cơ quan pháp luật và có chức trách quản lý lại… không rõ, không biết!?” - Vinh Nguyễn:  vinhvd12@gmail.com

 

Qua theo dõi vụ án xử bầu Kiên thấy chứng tỏ rằng còn nhiều vấn đề cần phải bàn trong quản lý tín dụng ngân hàng. Dù kết luận cuối cùng của Hội đồng Xét xử (HĐXX) đối với tội danh của “bầu” Kiên như thế nào thì qua việc tranh luận giữa “bầu” Kiên với HĐXX, tôi thấy “bầu” Kiên là một người thông minh, am hiểu sâu về phát luật (mà muốn "lách” luật thì trước hết phải hiểu pháp luật như “bầu” Kiên)” - Nguyễn Phi Thìn:  phithin2321@gmail.com

 

“Cảm ơn báo Dân trí đã thông tin cho bạn đọc và nhân dân về phiên xét xử “bầu” Kiên. Theo tôi cứ để cho ông Kiên khai và lâp luận. Chúng tôi cũng hiểu được đúng - sai chỗ nào...  Nếu không đủ lý ghép tội “bầu” Kiên thì tòa nên hoãn lại và điều tra thêm. Nếu “bầu” Kiên “lách” nhưng đúng luật thì vẫn nên tha bổng cho ông ta, đồng thời nên đưa quy định luật đó vào nhóm cần bổ sung về luật. Tôi và nhiều người đều thấy ông ta là người tài đấy, còn nắm luật vững hơn cả những người có chức trách” - Hoa Tran:  440hbt@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

"Kẽ hở" và "lách luật"

 

Tất nhiên đối với phiên tòa nào cũng vậy, mức án luôn là điều được quan tâm nên cũng thường gây tranh cãi nhiều nhất. Với các tội phạm về kinh tế, quan điểm từ chính dư luận cũng rất trái ngược nhau. Người cho là nặng, người khác lại khẳng định còn quá nhẹ…để rồi “trái bóng” cuối cùng lại được chuyền về phía các quan tòa với lời nhắn gửi: án cần có sức thuyết phục!

 

“Tôi thấy mức án đối với ông Nguyễn Đức Kiên là quá nhẹ vì ông đã phạm nhiều tội (theo pháp luật) để  thu lợi cho gia đình và nhóm. Đặc biệt nếu không bắt giam sớm, ông Kiên có lẽ sẽ còn thao túng, lũng đoạn nền kinh tế VN và hậu quả thật khôn lường. Mánh lới kinh doanh cổ phiếu, vàng của “bầu” Kiên chẳng khác gì mánh lới của các thương lái  Trung Quốc thu mua nông sản, lâm sản ... tại VN”- Lê Dân: danledan@yahoo.com.vn

 

 “Mức án là xứng đáng! Nếu không bị phanh phui, vụ việc sẽ đẩy hàng triệu người lao động (những người làm công ăn lương) vào cảnh bần cùng, nền kinh tế tăng trưởng bong bóng do lạm phát không kiểm soát được vì những tội phạm như “bầu” Kiên...” - TĐT:  thichduthu@gmail.com

 

“Có chút cảm tình với “bầu” Kiên vì ông tỏ ra am hiểu luật, am hiểu thị trường, quản lý các công ty, vốn liếng một cách thông minh. Tuy nhiên hậu quả gây ra cho Nhà nước, cho ngân hàng ACB, lạm phát… cho dù luật không rõ ràng để kết tội thì ai cũng biết người chịu trách nhiệm chính là “bầu” Kiên (chứ không lẽ là… lỗi tập thể?) Hành vi “mỡ nó rán nó”, “tay không bắt giặc” của “bầu” Kiên gây hại cho thị trường tiền tệ, tăng lạm phát. Nếu có vài người như ông Kiên này thì lạm phát hàng năm tăng chóng mặt mất.  Tài mà không có đức thật đáng tiếc!” - Vuong:  bomtt@yahoo.com

 

“Nặng quá. Thực ra con người này không nguy hiểm đến mức phải cách li khỏi xã hội 30 năm. Nghĩ 1 đêm đã là quá nhiều, huống hồ là dài như vậy. Hãy phạt nặng về tài chính và mở cho “bầu” Kiên một con đường cống hiến bằng chính năng lực của ông ta  (nhưng không phải là lĩnh vực tài chính ngân hàng)” - Đình Tùng:  dinhtung2003@gmail.com

 

“Mức án 30 năm với “bầu” Kiên quá nặng. Ông ấy là một nhà kinh doanh giỏi, nắm luật chắc... Tôi thấy tất cả là do luật của ta không chặt chẽ, không hoàn chỉnh mới tạo cơ hội để người tài lách luật chứ cũng không phạm luật. Đề nghị giảm án cho ông Kiên xuống 15 năm tù là hợp lòng dân, dù ngồi tù với ông Kiên tôi thấy cũng là quá lãng phí người có tài...”- Tran Thi Dung:  thewall178@yahoo.com

 

“Theo tôi, “bầu” Kiên có thể coi là một nhân tài… Nhưng người xưa có câu: Ngồi trên đống cát ai cũng là hiền nhân quân tử, nhưng khi ngồi trên đống vàng mới biết thế nào là quân tử hiền nhân. “Bầu” Kiên kiếm nhiều tiền nhưng thấy toàn đầu tư nhiều cho nước nhà chứ có phải mang gửi ngân hàng Thụy Sỹ đâu? Nói cho đúng thì cái gì cũng có hai mặt, ông ấy có giỏi thì mới có được sự nghiệp lớn đến vậy, đề nghị HĐXX xem lại bản án” - Lê Sơn:  lesonvnnp@gmail.com

 

“Công tâm mà nói, nếu tất cả các doanh nghiệp VN đều đưa ra ánh sánh mổ xẻ, thì chắc ai cũng có lỗi hết!? Trong vụ án này, theo tôi, cái sai lớn nhất là chính sách pháp luật của ta còn tạo kẽ hở để bị lợi dụng, do vậy việc ghép tội là khó thuyết phục…Trong kinh doanh chúng tôi được dạy: Không được làm những gì pháp luật cấm…" - Nguyen Thanh Chien: chienmay277@gmail.com

 

Nói chung có khá nhiều ý kiến nghiêng theo quan điểm:

 

“Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Nếu VKS không đưa ra các luận chứng sắc bén dựa trên quy định cụ thể của Luật thì không thể kết tội “bầu” Kiên, cái này là do pháp luật còn có kẽ hở thì đương nhiên người ta lách. Đúng là kinh doanh như “bầu” Kiên thì gây nguy cơ lớn cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhưng do pháp luật chưa chặt chẽ thì cũng khó kết tội được” - Nguyen Chung:  nguyenchung@sasco.com.vn

 

Kiều Anh