Nâng cao tính chuyên nghiệp, đẩy lùi tệ “chặt chém” du khách
(Dân trí) - Làm thế nào để xóa bỏ tệ nạn “chặt chém” du khách vẫn là một trong những chủ đề thu hút phản hồi nhiều nhất ngày đầu tuần 6/5. Đặc biệt, bạn đọc góp thêm nhiều ý kiến xoay quanh kinh nghiệm về “nụ cười thân thiện” của Đà Nẵng và mô hình Hội An.
Bình luận về thực trạng đáng buồn và đáng lo ngại này, một mặt bạn đọc phân tích sâu thêm về bản chất của hiện tượng có lẽ lại… chỉ có ở VN này:
“Đọc mà cảm thấy xấu hổ quá! Dù có ra luật thì tôi nghĩ cũng chỉ có thể giảm phần nào tình trạng này mà thôi, còn chủ yếu là tăng cường giáo dục ý thức của người dân đối với khách du lịch. Mấy nước láng giềng tôi thấy ý thức người dân đối với khách du lịch khá cao, hầu n hư luôn gây ấn tượng tốt khi khách ra về. Còn ở nước ta thì sao? Đa phần người ta luôn coi khách đi du lịch chỉ xuất hiện vài ngày nên tha hồ chặt chém, ngay cả người trong nước còn bị huống hồ chi người nước ngoài. Hiện giờ chuyện đó hầu như ở tỉnh nào cũng đều thấy có mà. Mong quyết liệt bài trừ ngay đi, các vị ơi” - Nguyễn Văn An: annguyenvn991@yahoo.com.vn
“Thật đáng xấu hổ! Tôi là một người rất đam mê du lịch, nên nhìn thấy thực trạng này càng lúc càng tệ hơn. Tôi cảm thấy rất buồn cho ngành du lịch của VN, cũng cảm thấy rất khó chịu khi chính bản thân mình nhiều lần là nạn nhân của vấn nạn này. Khi ấy tôi cũng không biết xử lý thế nào và chẳng biết khiếu nại cùng ai. Có lẽ vì hệ thống luật pháp của ta chưa có được một chế tài đủ sức giải quyết triệt để vấn đề này, nên khách du lịch chỉ biết trông mong vào… sự may rủi. Tôi thấy tương lai du lịch VN vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc” – PN Thuong: pnthuong@outlook.com
Và thêm nhiều đáp án được tiếp tục đề xuất, nhất là kiến nghị nên học hỏi kinh nghiệm cả từ gần tới xa:
“Tôi nghĩ ngành du lịch cần thành lập một bộ phận tiếp nhận những thông tin tiêu cực được phản ánh từ du khách. Cũng cần có số hotline được in trên các cẩm nang du lịch và công khai trên các website của các công ty lữ hành cũng như các nhà hàng, khách sạn... Bộ phận tiếp nhận thông tin sẽ chuyển phản ánh về những đơn vị cấp sở của các tỉnh thành, để được nhanh chóng giải quyết. Nếu thực hiện được, rất mong Bộ VHTTDL chỉ đạo thực thi thật sự nghiêm túc, chứ không phải làm cho có rồi gọi hotline lại… không ai nghe máy hoặc không có phản ứng ngay” - CG Trần: chicuong03@gmail.com
“Mọi thứ như vậy tôi thấy đều có ở HN. Cần có biện pháp mạnh để chấm dứt những hiện tượng chặt chém khách du lịch. Hãy học tập Thái Lan về tổ chức du lịch” - Nguyen Minh Hoang: abc1@gmail.com
“Nên có chế tài sử phạt nặng với hành vi chặt chém giá cả với khách.Các địa phương nên có đường dây nóng để khách phản ánh và phải được xử lý ngay. Các nhà hàng khách sạn phải niêm yết giá và phải thực hiện đúng giá, nếu không sẽ bị phạt nặng. Khách hàng trước khi ăn nên hỏi giá cả trước, để khỏi bị bắt chẹt. Nếu không mạnh tay và kiên quyết, tôi e Năm du lịch Việt Nam sẽ có nguy cơ phá sản” – Ha Nam: namha3054@yaoo.com
“Tôi chưa được đi Đà Nẵng, nhưng nghe bạn bè đã đi đều khen người dân thân thiện, không chèo kéo khách, để khách thử đồ ăn miễn phí mà không phàn nàn gì.Trong khi ở Hà Nội bao năm nhưng cũng không dám lang thang dòm ngó hàng quán ở phố Cổ nói chung hoặc tại 1 số chợ, khu mua sắm. Vì không mua thường là bị họ khinh ra mặt, thậm chí quát luôn vì tội không trả giá, không mua. Chợt nghĩ tri thức của chúng ta sao tới giờ vẫn còn kém như vậy chứ? Đa số người bán hàng cũng là dân tỉnh lẻ chứ mấy ai là Hà Nội gốc 3 đời, vậy mà khinh nhau quá thế??? Bên cạnh quản lý thì cần giáo dục để thay đổi tư duy, cùng là người Việt với nhau kia mà” - Thùy Dung: namlunkut3@gmail.com
“Không phải chúng ta không làm được mà có lẽ là vì chúng ta không muốn làm và nghĩ là chưa cần làm chăng? Giống như một người muốn bơi qua sông khi nước thủy triều chưa dâng, nghĩ trong bụng đợi tý nữa chắng sao, nhưng kết quả là không sao sang được nữa. Tôi nói thẳng là không thiếu cách để làm tốt vấn đề này, ví dụ như chỉ cần có đường dây nóng kết hơp với các thanh tra mặc thường phục kiểu như khách hàng bí mật điều ta thì chắc không một nơi nào dám làm ăn như kiểu chộp giật đó nữa” - Shopla: shopla@gmail.com
Vâng không có việc gì khó, và ở đây rõ ràng điều chúng ta còn rất thiếu và yếu chính là tính chuyên nghiệp. Mà cũng không riêng gì trong lĩnh vực du lịch thôi đâu.
Khánh Tùng