Số phận pháp lý kẻ đốt quán cà phê làm chết 11 người ở Hà Nội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nghi phạm có thể bị xem xét 2 tội danh là Giết người và Hủy hoại tài sản. Ngoài ra, cần đánh giá hành vi có thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không.

Như Dân trí thông tin, khuya 18/12, Công an Hà Nội tiếp nhận tin báo cháy quán cà phê tại địa chỉ 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bên trong có nhiều người mắc kẹt. Sau khoảng 40 phút, lực lượng chức năng khống chế được đám cháy, đưa 7 người ra ngoài và phát hiện 11 người tử vong. 

Trong đêm, Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan đã xác minh, xác định đối tượng gây án là C.V.H. (51 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội). Làm việc với công an, H. khai nhận do mâu thuẫn với nhân viên tại đây nên đã mua xăng về châm lửa đốt quán. Sau khi gây án, đối tượng tới Công an phường Cổ Nhuế 2 để đầu thú. 

Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can H. về tội Giết người. Trước khi bị bắt, H. có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và Trộm cắp tài sản. 

Với diễn biến hành vi cùng nhân thân xấu như trên, đối tượng có thể bị áp dụng chế tài xử lý ra sao theo quy định pháp luật là băn khoăn của nhiều độc giả.

Video người đàn ông phóng hỏa đốt nhà khiến 11 người chết ở Hà Nội

Dấu hiệu 2 tội danh

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đây là sự việc hết sức đau lòng, xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả rất lớn. Hành vi của đối tượng H. thể hiện sự bất chấp, coi thường pháp luật, nhỏ mọn, ích kỷ và đê hèn. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi làm chết 11 người và gây thiệt hại lớn về tài sản, nghi phạm cần bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi đã xâm phạm tới 2 khách thể được pháp luật bảo vệ, đó là quyền tài sản và sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó, có thể xem xét trách nhiệm của đối tượng về 2 tội danh khác nhau. 

Đối với khách thể thứ nhất bị xâm phạm là sức khỏe, tính mạng của người khác, luật sư đánh giá với một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi, H. phải biết được rằng trong một không gian kín, chật hẹp, ít lối thoát, nhiều vật liệu dễ cháy và có nhiều người bên trong như tại quán cafe, việc châm lửa đốt hoàn toàn có thể gây ra cháy lớn, dẫn tới hậu quả chết người. 

Bởi vậy, dù nghi phạm có chủ đích thực hiện hành vi nhằm tước đoạt mạng sống của người khác hay không, đây vẫn là hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội Giết người. Việc cơ quan điều tra nhanh chóng tống đạt các quyết định tố tụng để xử lý đối tượng theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở. 

Với hậu quả làm chết 11 người, đối tượng có thể đối diện khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Số phận pháp lý kẻ đốt quán cà phê làm chết 11 người ở Hà Nội - 1

Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân lên xe cấp cứu (Ảnh: Thành Đông).

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận việc Công an TP Hà Nội khởi tố bị can về tội Giết người là động thái hết sức kịp thời, thể hiện sự cứng rắn, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc trấn áp, xử lý những hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội. Ngoài tội danh đã bị khởi tố, luật sư cho rằng có thể xem xét thêm trách nhiệm hình sự của đối tượng về tội Hủy hoại tài sản. 

"Hành vi đã làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại, mất hoặc giảm giá trị sử dụng nên H. có thể bị xử lý về tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Do đây là tội phạm cấu thành vật chất, cơ quan chức năng sẽ cần giám định mức độ thiệt hại của khối tài sản bị đối tượng phóng hỏa để áp dụng tình tiết định khung phù hợp. 

Theo Điều 178 Bộ luật này, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 200 triệu tới dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt áp dụng là 5-10 năm tù còn nếu từ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt có thể áp dụng là 10-20 năm tù", luật sư Lực chỉ dẫn quy định của pháp luật. 

Dưới góc độ dân sự, tùy thuộc mức độ thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng của các nạn nhân, nghi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị thiệt hại. Đối với gia đình có người bị xâm phạm về tính mạng, các khoản bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người đó trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng cùng những chi phí khác theo luật định

Đối với những người có sức khỏe bị xâm phạm, khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị cùng các khoản chi phí phù hợp khác theo luật định.

Số phận pháp lý kẻ đốt quán cà phê làm chết 11 người ở Hà Nội - 2

Chiếc xô đựng xăng mà nghi phạm phóng hỏa đốt quán cà phê (Ảnh: Trần Thanh).

Từng có 2 tiền án, có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng?

Về tình tiết đối tượng từng có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và Trộm cắp tài sản, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được coi là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong đó, theo Điều 53 Bộ luật này, các khái niệm trên được giải thích như sau: 

Tái phạm là trường hợp người đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Về thời gian xóa án tích, khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong một thời gian nhất định. 

Cụ thể, với trường hợp bị phạt tù từ 5 đến 15 năm, thời gian để được mặc định xóa án tích là 3 năm. Trường hợp người phạm tội bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án, thời gian mặc định xóa án tích là 5 năm. 

Đối với trường hợp này, để xác định đối tượng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không, trước tiên cần làm rõ việc H. đã được xóa án tích hay chưa. Tiếp đó, cần xác định tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của H. đối với 2 tội danh từng bị xử lý, kết hợp với tội danh có thể bị xử lý theo vụ việc mới nhất để đánh giá đối tượng thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không, từ đó đưa ra chế tài xử lý phù hợp. 

Số phận pháp lý kẻ đốt quán cà phê làm chết 11 người ở Hà Nội - 3

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ hỏa hoạn (Ảnh: Trần Thanh).

Về tình tiết nghi phạm chủ động tới trụ sở công an để khai nhận hành vi phạm tội, cần xác định đây là trường hợp nghi phạm chủ động "tự thú" hay "đầu thú". Theo đó, tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện, còn đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Đối với trường hợp trên, cần xác định tại thời điểm H. tới trụ sở Công an phường Cổ Nhuế 2, hành vi của nghi phạm đã bị lực lượng chức năng phát hiện hay chưa. Nếu chưa bị phát hiện, đây có thể thuộc trường hợp người phạm tội tự thú và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm r, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. 

Trường hợp hành vi đã bị phát hiện và đối tượng chủ động tới cơ quan công an trình diện, đây thuộc trường hợp người phạm tội đầu thú. Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ đối với nghi phạm.