Nạn “chặt chém” du khách: “Chúng ta đừng xin lỗi mãi”
(Dân trí) - Nếu xảy ra tình huống làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan nhà nước mà công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi. Sau xin lỗi phải là trách nhiệm…
Chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, liên tiếp xuất hiện các vụ du khách nước ngoài điêu đứng vì kiểu kinh doanh dịch vụ chộp giật, “chặt chém” tại Việt Nam, mà điển hình là ở Hà Nội. Thực chất, đây chỉ là sự bộc lộ của hiện thực sẵn có tại Hà Nội lâu nay, đã được nhắc tới nhiều nhưng chưa bao giờ được xử lý triệt để.
Để phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói - Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của nhằm thực hiện các chiến dịch quảng bá, xây dựng thương hiệu. Nhờ thế, năm 2012, Hà Nội đã lọt danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, sánh vai cùng rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới như thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Geneva (Thụy Sỹ), Paris (Pháp), Washington D.C (Mỹ)…
Hai vị khách nước ngoài khó chịu vì bị làm phiền, chèo kéo (Ảnh: Hữu Nghị)
Thực tế, theo các chuyên gia du lịch, không phải nơi đâu cũng có nạn “chặt chém” du khách như Hà Nội. Ở Việt Nam, một số điểm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt, môi trường du lịch có nhiều ấn tượng và đang được xem là những điểm du lịch đáng đến.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết: “Ở Việt Nam chưa có nhiều lắm những môi trường du lịch tốt, một số điểm có thể kể đến là Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết - Mũi Né…”.
Đặc biệt ở Đà Nẵng, với các đối tượng là tiểu thương tại Chợ Hàn, Chợ Cồn, người bán hàng tại các bãi biển du lịch, nhân viên taxi, xích lô… thành phố này thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn “nụ cười thân thiện” , nâng cao kỹ năng bán hàng, chào hỏi, giao tiếp với khách nước ngoài.
Với lực lượng chức năng, Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn cho nhân viên hải quan, công an cửa khẩu cùng hỗ trợ trong công tác để du khách hài lòng, ấn tượng ngay từ khi đặt chân đến với Đà Nẵng. Trung tâm Hỗ trợ du khách đã được đưa vào hoạt động là nơi giải quyết, hỗ trợ, xử lý những tình huống cho du khách…
Lý giải cho sự khác biệt giữa những điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam này, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho rằng đó là do nhận thức của người dân địa phương và thái độ của chính quyền sở tại với sự việc.
Theo ông Cường, nhằm khuyến khích địa phương làm du lịch tốt, ngành du lịch đang đề nghị khen thưởng địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho khách; ngược lại sẽ phê bình những địa phương chưa làm tốt.
Châu Như Quỳnh