Đốt nhà sau khi bị đánh, có thuộc trường hợp "tinh thần bị kích động mạnh"?
(Dân trí) - Theo luật sư, Hùng phạm tội khi đã có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị, không phải phản ứng bột phát nên không thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh.
Liên quan tới vụ án Giết người và Hủy hoại tài sản xảy ra khuya 18/12 tại quán cà phê số 258 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Cao Văn Hùng (51 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) là người thực hiện, đối tượng khai nhận lý do hất xăng, châm lửa đốt quán là do bị nhóm người tại quán tấn công, dẫn tới bực tức và phát sinh tâm lý muốn trả thù.
Với diễn biến sự việc như trên, có thể coi bị can Hùng thuộc trường hợp tinh thần bị kích động hoặc kích động mạnh hay không?
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định, tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng, dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Theo hướng dẫn lần đầu tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên.
Ngoài ra, có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm hành vi trái pháp luật lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Về phía nạn nhân, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng tuy làm người phạm tội bị kích động mạnh nhưng chưa đến mức phạm tội. Nếu hành vi trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, đã cấu thành tội phạm thì hành vi chống trả gây hậu quả chết người hoặc gây thương tích sẽ được xem xét có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.
Trong trường hợp cá biệt, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng cấu thành tội phạm ít nghiêm trọng (VD: Làm nhục người khác, Vu khống) thì người phạm tội khi thực hiện hành vi cũng được coi là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.
Bên cạnh đó, để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa "kích động" với "kích động mạnh", cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt như hoàn cảnh, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội; trình độ văn hóa của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.
"Để được coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần đáp ứng một trong 2 trường hợp: Hành vi phạm tội xảy ra bột phát, tức thời, ngay lập tức sau khi nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng hoặc Hành vi phạm tội xảy ra sau khi bị hại thực hiện hàng loạt các hành vi trái pháp luật có tính chất đè nén, áp bức nặng nề, lặp đi lặp lại, âm ỷ, kéo dài, đến một thời điểm khiến người phạm tội bị kích động, không thể tự kiềm chế bản thân", luật sư Trang phân tích.
Đối chiếu trường hợp trên, luật sư nhìn nhận việc nhóm người ở quán đánh bị can Hùng là hành vi trái pháp luật, song bước đầu có thể nhận thấy chưa tới mức trái pháp luật nghiêm trọng. Đồng thời, việc Hùng trả đũa bằng cách mua xăng đốt quán không phải hành động mang tính bột phát, tức thời mà xảy ra sau khi đối tượng đã có thời gian để suy nghĩ, chuẩn bị cho hành động của mình.
Do đó, dựa trên những thông tin hiện có, đây chưa thể coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Có chung quan điểm, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đối với sự việc trên, dù xuất phát từ mâu thuẫn và bị nhóm người ở quán tấn công song ngay sau đó, Hùng không có động thái chống trả. Việc đối tượng đốt quán là hành vi đã có sự chuẩn bị, có thời gian để suy nghĩ và hoàn toàn không phải là phản ứng có tính bột phát.
"Thứ nhất, việc nhóm người ở quán tấn công Hùng dù là sai nhưng chưa phải hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, dẫn tới việc đối tượng bị kích động mạnh. Thứ hai, sau khi bị tấn công, đối tượng không hoặc không thể phản kháng ngay lập tức mà đã có thời gian để suy nghĩ, chuẩn bị, thậm chí Hùng vẫn đủ tỉnh táo để đi mua xô nhựa, mua xăng. Do đó, đây là hành vi đã có sự tính toán và không thể coi là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.
Ngoài ra, mâu thuẫn của Hùng chỉ xảy ra với một nhóm người nhất định, không phải tất cả các nạn nhân trong quán. Do đó, việc đối tượng phóng hỏa khiến 11 người tử vong và nhiều người khác bị thương dù họ không có mâu thuẫn gì với đối tượng là hành vi cần bị xem xét về tội Giết người, không phải tội Giết người trong trạng tình trạng tinh thần bị kích động mạnh", luật sư Linh bình luận.
Trong quá trình giải quyết, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét các tài liệu, chứng cứ một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nhằm đảm bảo áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phù hợp quy định của pháp luật. Về việc Hùng bị đánh, dù có thể không thuộc trường hợp "tinh thần bị kích động mạnh" nhưng có thể xem xét tình tiết đối tượng phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động, tùy thuộc các tài liệu, hồ sơ vụ án.