Bạn đọc viết:

Lo thay cho cư dân "áp sát" đường tàu

(Dân trí) - Nhìn cảnh tàu chạy qua sát qua hai bên dãy nhà dân như thế, người lạ chắc ai cũng “thót tim”. Nhưng đối với người dân đã gắn bó với nơi đây từ lâu thì điều đó hoàn toàn bình thường. Ngày nào họ chẳng chứng kiến vài lần như thế, lâu dần thành quen.

Mỗi khi nghe tiếng tàu chạy qua, người dân vội vàng thu dọn  đồ đạc bày ngổn ngang trên đường tàu. Tàu đi khuất, mọi sinh hoạt lại trở về bình thường. Đó là cuộc sống của các cư dân sống cạnh đường tàu đoạn Trần Phú, qua Lê Duẩn kéo về Cửa Nam, Hà Nội mà tôi được chứng kiến trong nỗi phập phồng lo sợ thay...
 

Trung bình mỗi ngày có vài ba chuyến tàu chạy qua đây. Các ngày lễ, ngày nghỉ thì tần suất tàu chạy qua nhiều hơn. Hai bên đường tàu là nhà dân sinh sống, từ cửa nhà bước ra đường ray chưa đầy 2 bước chân, chỉ cần vô tình lao ra ngoài là có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Khiếp vía!

 

Xóm đường tàu vừa nhỏ, vừa hẹp. Hai bên mép đường tàu là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân. Nhà cửa chật chội, người dân tranh thủ trồng rau trong hộp xốp để cải thiện đời sống. Đồ đạc nhiều, không có chỗ để nên nhiều khi họ tiện tay vứt luôn vào trong đường ray tàu hỏa. Chỉ khi tàu đến mới chịu thu dọn vào.

 

Mọi sinh hoạt dường như đều diễn ra trên đường tàu. Từ ngồi tán chuyện, tắm giặt, gội đầu…đến kinh doanh. Mỗi lúc có tàu đến, người dân lại chạy vào nhà hoặc nép vào sát tường. Thế là… an toàn!

 

Một người dân sống ở đây tâm sự: “Người lạ đến thì sợ chứ chúng tôi sống ở đây mấy chục năm nay, quen rồi. Nắm rõ lịch tàu chạy thì làm sao xảy ra tai nạn được”. Nhưng khi được hỏi họ có lo sợ khi con nít còn chưa đủ “kinh nghiệm” để tránh tai nạn rủi ro, bác thoáng lo lắng:“Thì mình bắt buộc phải trông tụi trẻ, sắp có tàu chạy qua thì cấm không cho chúng ra ngoài” (!?)

 

Cảnh người dân sống nguy hiểm ngay bên cạnh đường tàu như thế hiện nay có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi hơn trên địa bàn Thủ đô bởi Hà Nội đã được mở rộng. Ví dụ dọc đường tàu từ khu vực huyện Thanh Trì đến thị trấn Thường Tín có hàng trăm cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, nhựa, nhà nghỉ… kết hợp với các hộ dân sinh sống đều nằm cạnh đường tàu. Nhiều đoạn không hề có rào ngăn, thậm chí một số tuyến đường dân sinh vắt qua đường tàu cũng không có rào chắn hay nhân viên cảnh báo (!?)

 

Vẫn biết cư dân nơi đây vì cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận cuộc sống mà rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, song cứ nhìn thấy cảnh sống "mạo hiểm" ấy, chúng tôi lại nổi da gà… 
 
Những dãy nhà san sát nhau, cách đường tàu chưa đầy 2m
Những dãy nhà san sát nhau, cách đường tàu chưa đầy 2m
 
Những dãy nhà san sát nhau, cách đường tàu chưa đầy 2m
Con đường chật hẹp, lổn nhổn đá khiến các phương tiện di chuyển khó khăn trong xóm đường tàu
 
Chuyện vãn ngay trên đường ray
Chuyện vãn ngay bên đường ray
 
Đủ các loại đồ dùng, vật dụng, rác thải bày la liệt lên đường tàu
Đủ các loại đồ dùng, vật dụng, rác thải bày la liệt lên đường tàu
 
Mọi việc đều có thể làm ngay sát đường tàu
Mọi việc đều có thể làm ngay sát đường tàu
 
Kể cả tập kết hàng hóa và buôn bán...
Kể cả tập kết hàng hóa và buôn bán...

 

Nguyễn Tuyết