Bạn đọc viết:

Nơi gieo chữ cho những mảnh đời bất hạnh

(Dân trí) - Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km, chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) trở thành mái trường quen thuộc của 59 học sinh đến từ 8 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Đa số trò bị thiểu năng trí tuệ nên việc tiếp thu kiến thức vô cùng khó khăn
Đa số trò bị thiểu năng trí tuệ nên việc tiếp thu kiến thức vô cùng khó khăn
 
Trường không tiếng trống

 

Người khởi xướng lập lớp là cô Lê Thị Hòa, giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn. Năm 2007 cô lên chùa bái Phật, thấy chùa thanh tịnh, khuôn viên phù hợp cho học hành, cô liền đặt vấn đề với trụ trì Thích Đàm Tiền và được thầy đồng ý.

 

Lớp học bây giờ vốn là phòng ăn của nhà chùa cho mượn mở lớp. Toàn bộ chi phí học hành đều do chùa chi trả để các học sinh có chỗ chơi, chỗ học. Ban đầu lớp cô Hòa chỉ có 6 học sinh, rồi sĩ số cứ thể tăng dần và đến nay đã là 59 trò. Để những học sinh bất hạnh này được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác, cô Hòa đã phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Cũng bởi thế, cô từng bị nhiều người cho rằng… “dở hơi”.

 

Bỏ qua tất cả, cô Hòa vẫn quyết tâm mở lớp. Cô tâm sự: “Tôi không hi vọng các em thành tài, điều mà tôi mong muốn là làm sao các em có thể quên đi nỗi bất hạnh của bản thân mà hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Để các em biết được rằng còn có những người quan tâm tới mình, chứ không phải là bị bỏ quên”.

 

Cô cho biết, để có được nghị lực gắn bó với lớp, cô nhờ rất nhiều vào sự quan tâm của sư thầy, sư bác và từ chính các em học sinh "rất quý tôi, khi tôi đến đó các em coi mình như là mẹ”.

 

Vậy là cứ vào mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, ngôi chùa vốn yên tĩnh, thanh tịnh lại rộn rã tiếng cười. Nơi đây đã trở thành địa chỉ nuôi dưỡng ước mơ đi học cho hàng chục mảnh đời bất hạnh. Không cần có trống báo hiệu, cứ  đến giờ ra chơi, đa số học sinh lại chạy ùa ra sân nô  đùa, chạy nhảy hồn nhiên như bao đứa trẻ bình thường khác. Giữa các em không hề tồn tại cụm từ “trẻ em đặc biệt”…

 

Những năm đầu lớp còn được đón khai giảng, cứ đến đầu năm học, mỗi em lại  được tặng một kỉ vật nhỏ thay cho lời chào mừng năm học mới. Nhưng mấy năm trở lại đây, đến mùng 1/8 là các em lên lớp học luôn mà không được đón khai giảng. Cô Hòa giải thích: “Ban đầu học sinh ít, tôi còn có thể xin tài trợ để vào đầu năm học mới có thể may cho mỗi con một cái áo mới hay tặng một kỉ vật nho nhỏ nào đó. Nhưng bây giờ sĩ số lớp tăng lên, việc xin tài trợ khó khăn hơn. Nhà chùa đã cho các con rất nhiều rồi, mình không thể xin mãi được”.

 
Trên lớp các em học viết, học tính toán. Về nhà được kèm thêm nhưng tiến bộ vẫn rất chậm
Trên lớp các em học viết, học tính toán. Về nhà được kèm thêm nhưng tiến bộ vẫn rất chậm 

 

Nhọc nhằn gieo chữ

 

Lớp học có tất cả 9 giáo viên. Trong đó có 3 cô dạy chính, còn lại là các bạn tình nguyện viên đến từ một số trường Đại học tham gia giảng dạy thêm cho các em.

 

“Thời gian đầu mở lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn, may nhờ nhà chùa giúp đỡ. Nhưng hiện lớp vẫn còn thiếu giáo viên dạy các môn. Nhiều hôm không có ai trông con nhỏ, tôi phải mang cả bé đến lớp”. Cô Hòa chia sẻ.

 

Mỗi học sinh ở đây đều có hoàn cảnh riêng đặc biết, không thể đến với những ngôi trường bình thường thì  lớp học nơi cửa chùa này mở rộng đón các em, từng bước dẫu rất nhọc nhằn hướng dẫn các trò làm quen với cái chữ, con số.

 

Hoàng Thị Hà  (24 tuổi), bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam từ thời chiến tranh. Hà có 4 chị em thì 2 người bị nhiễm căn bệnh quái ác này. Trong lớp Hà là học sinh chăm chỉ nhất. Giờ ra chơi, mình Hà ở lại trong lớp, cặm cụi viết chữ. Hà tâm sự: “Em rất thích đi học, đến lớp cô dạy chữ cho em, ở nhà thì mẹ kèm thêm”.

 

Nguyễn Thuyết Trung (21 tuổi) đã gắn bó với lớp được 6 năm. Trung bị thiểu năng trí tuệ nặng, không biết đọc, không biết tính toán , chỉ biết viết những từ đơn giản. Nhưng đối với Trung đó đã là thành tích đạt được sau  6 năm ròng rã đến trường chỉ với những quyển sách giáo khoa lớp 1 và lớp 2. Trung không có bố, mẹ…bị dở người. Lớp học tình thương là ngôi nhà thứ 2 của Trung.

 

Trong lớp có nhiều trò không thể đi lại được. Giờ ra chơi thay vì được chạy nhảy, được reo hò nhập cuộc, các em chỉ có thể ngồi nhìn các bạn nô đùa… Trong lớp có duy nhất bé Nguyễn Thị Thúy Loan (8 tuổi) là thông minh, viết nhanh mà tính cũng nhanh, nhưng em lại bị  mắc bệnh máu trắng. Đến trường với em đã là một ước mơ xa xỉ.

 

Cô Hòa tâm sự : “Ban đầu dạy các em mình gặp nhiều khó khăn lắm, nhất là lúc giảng bài cho. Nhiều em không thể viết, các em có thể hiểu nhưng lại không nói được. Nhiều khi các em đánh nhau mình không ngăn được. Nhưng chính tình cảm các em dành cho cô giáo đã giúp mình có thêm động lực lên lớp”.
 
Học sinh Trần Thị Phượng đã 4  năm gắn bó với lớp học tình thương
Học sinh Trần Thị Phượng đã 4  năm gắn bó với lớp học tình thương

 

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em khuyết tật đã tìm đến lớp học tình thương để xin cho con em mình học tập. Lớp học ngày càng đông lên,  khó khăn cũng nhân lên gấp bội. Dẫu vậy, thầy trò vẫn rất mừng khi thấy những mảnh đời gương vỡ đang dần lành lặn lại ngay trong lớp học ấm áp nghĩa tình này...
 
Bài và ảnh: Nguyễn Tuyết
(Sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)