Bạn đọc viết

Làm gì để có cuộc sống an lành

Trong khi vụ sát hại 6 người tại tỉnh Bình Phước chưa kịp lắng xuống, thì mới đây ngày 11/8, một vụ sát hại nạn nhân cũng hết sức dã man bằng vết chém gần đứt lìa cổ ông Nguyễn Văn Trốn trú tại thôn Xuân Hòa 2, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Một ngày sau đó, 12/8 lại tiếp theo vụ chém chết 4 người trong 1 gia đình ở thôn 16 xã Lâm giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên bái, thêm một tiếng chuông cảnh báo về sự gia tăng bạo lực.

 

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhanh chóng đưa những vụ án ra ánh sáng và những con quỷ dữ gây ra tội ác tày trời này sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Nhưng nỗi ám ảnh về hành động dã man của những kẻ mất hết nhân tính vẫn làm nhiều người rùng mình chưa thể nguôi ngoai.

Nhất là đối với các gia đình nạn nhân, đó không chỉ là nỗi đau tột cùng mất người thân mà còn là sự ám ảnh rùng rợn trước cái chết của họ. Nỗi ám ảnh có thể đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Đấy là vết thương lòng chẳng bao giờ liền sẹo, bất cứ lúc nào cũng làm rỉ máu con tim. Là nỗi bất an của toàn xã hội, bởi tội ác hoành hành, tai họa luôn rập rình trên đầu dân vô tội. Là nỗi sợ trước sự xuống cấp của đạo lý làm người ở một bộ phận dân cư đang tự đánh mất tính người, hành động như thú tính, coi tội ác là trò tiêu khiển…

Chính vì thế dư luận đặt ra một số câu hỏi: Tại sao những năm gần đây xảy ra không ít vụ giết người, cướp của dã man, tàn bạo? Làm thế nào để giảm bớt và đi đến chỗ triệt tiêu tội ác? Làm thế nào để con người không bị mất nhân tính? Làm thế nào để cuộc sống được yên bình?

Có thể nói nguyên nhân của các vụ giết người, cướp của có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đều là những vấn đề liên quan đến giáo dục đạo đức, ảnh hưởng từ môi trường của thời kỳ hội nhập. Nó thể hiện sự lỏng lẻo về thiết chế văn hóa, về phương pháp giáo dục trong nhà trường và gia đình, sự lệch chuẩn trong suy nghĩ của một bộ phận lớp trẻ.

Mặc dù trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều hình thức, cách làm kết hợp ba môi trường: nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên điều không thể phủ nhận là vẫn còn không ít nơi, việc phối hợp giữa: nhà trường- gia đình và xã hội vẫn còn bị buông lỏng. Về phía gia đình: Không ít bâc làm cha làm mẹ “khoán trắng” cho nhà trường, mải mê làm ăn không quan tâm đến con cái, không biết con mình học hành ra sao, chơi bời lêu lổng thế nào? Chính sự thiếu chăm sóc về mặt tình cảm của cha mẹ khiến trẻ có hành vi bạo lực để được cha mẹ quan tâm. Một số bậc phụ huynh thì chiều chuộng con cái quá đáng, cho con quá nhiều tiền tiêu sài, cho nên rất dễ hư hỏng, chơi nhiều hơn học. Về phía nhà trường: Lâu nay một số hầu như chỉ lo dạy chữ mà chưa làm tốt phần dạy người, dạy đạo đức, dạy kỹ năng sống…Không ít trường buông lỏng quản lý, chưa tạo được niềm tin cho học sinh để khi xảy ra mâu thuẫn thì báo cáo với giáo viên, nhà trường tìm cách giải quyết. Các hình phạt mà nhà trường thầy cô đưa ra lại không đủ sức răn đe nên trẻ càng có xu hướng xử sự theo bản năng. Một số giáo viên vẫn chưa gương mẫu, có những hành vi xúc phạm, xâm hại học sinh. Hiện tượng đối xử không công bằng làm các em bức xúc rồi trở nên quậy phá như một cách lấy lại cân bằng. Về phía xã hội: “Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của những trò chơi chém giết trong game, đồng thời cũng bị “nhiễm khuẩn” từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội. Phim ảnh thiếu lành mạnh, nhiều thói hư tật xấu của người lớn đã ảnh hưởng tới lớp trẻ…

Từ những vụ án rúng động xã hội vừa qua, rõ ràng đã đến lúc gióng lên hồi chuông mạnh mẽ, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để tránh những hậu quả nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần. Trong đó việc cần làm ngay là phải chú trọng nhiều hơn nữa tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, nhất là để mỗi người dân nêu cao tình thần cảnh giác, tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân trong gia đình.

Hiện, nhiều tỉnh, thành phố đã có các phong trào giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, chúng ta nên tổng kết, đánh giá, tiếp tục nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả. Với những mô hình hay phong trào chỉ cốt hô hào, “đánh trống, ghi tên” thì không nên duy trì. Đối với lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an cần tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội để mỗi cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ gìn an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Minh Tư