Bạn đọc viết:

Giúp trẻ học hè hợp lý

(Dân trí) - Mấy năm trở lại đây, do yêu cầu của chương trình học cải cách: biên chế năm học 35 tuần văn hoá thay vì 33 tuần như trước, các cơ sở giáo dục thường triển khai học chính khoá trước khai giảng (khoảng trung tuần tháng 8). Vậy là thời gian nghỉ hè ngắn hơn.

Học mà chơi, chơi mà học (ảnh minh họa: Hoài Nam)
Học mà chơi, chơi mà học (ảnh minh họa: Hoài Nam)
 
Nhiều bậc phụ huynh đến hết tháng 6 đã lo việc học hè cho con để khỏi quên kiến thức trước khi bước vào năm học mới. Nhưng học hè như thế nào, học ở đâu thì hầu hết các bậc cha mẹ không nắm được.

 

Ngàn lẻ một kiểu học hè

 

Trước đây vào dịp nghỉ hè, các trường học thường tổ chức dạy thêm để học sinh khỏi quên kiến thức. Từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” với mục tiêu chống dạy thêm, học thêm tràn lan, việc học thêm có tổ chức này không diễn ra nữa. Các cơ sở giáo dục thường cho học trò nghỉ trọn  vẹn 2 tháng, còn lại tập trung để chuẩn bị cho công việc của năm học mới. Nếu có tổ chức học thì chỉ các học sinh phải thi lại đến ôn tập và làm bài thi, để xem có đủ điều kiện được xét lên lớp hay không mà thôi.

 

Nhưng một số đông các bậc cha mẹ học sinh thấy con em mình không được ôn tập lại lo lắng, sợ con quên kiến thức nên tự phát tổ chức cho con học thêm tại nhà. Việc học thêm này muôn màu muôn vẻ: có phụ huynh cho con học  để ôn tập lại kiến thức lớp cũ, cũng có những bậc cha mẹ lại yêu cầu nâng cao, cá biệt có những ông bố bà mẹ yêu cầu người dạy phải... dạy trước kiến thức “để khi vào năm học con mình biết nhiều hơn các bạn khác” (???) 

 

Có cầu ắt có cung. Đội ngũ gia sư đáp ứng nguồn cầu này phần lớn là sinh viên đại học về nghỉ hè. Họ có kiến thức nhưng thường là không có trình độ sư phạm. Việc dạy kèm để ôn lại kiến thức năm học trước thì có thể làm được, chứ học nâng cao thì làm sao có thể? Việc “dạy trước kiến thức” lại càng không làm được.

 

Có những bậc cha mẹ “sáng kiến” hơn thì tổ chức nhóm học tại nhà, rồi mời một số thầy cô giáo đến dạy kèm cho con em mình. Việc mời các thầy cô giáo như thế này có thể yên tâm hơn về chất lượng, nhưng lại nảy sinh một bất lợi khác: bàn ghế, bảng không đủ tiêu chuẩn.… Tóm lại là nhiều thứ bất tiện.

 

Ở một số nơi, hội phụ huynh đứng ra làm đơn đề nghị nhà trường tổ chức dạy ôn tập hè cho con em mình. Việc này được các phụ huynh đồng lòng nhất trí bằng cách ký vào đơn xin học và tha thiết mời các thầy cô giáo tổ chức cho các cháu ôn tập hè tại trường. Như thế có vẻ khả thi hơn cả, nhưng họ đâu có hiểu rằng các thầy cô giáo sau một năm học cũng cần nghỉ ngơi thư giãn, đi nghỉ cùng gia đình đây đó, về quê thăm thú cha mẹ họ hàng... Ngoài ra, các thầy cô cũng chỉ được nghỉ trọn vẹn có 1 tháng rưỡi, còn lại là tham dự các lớp học tập bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tập huấn các chuyên đề liên quan đến công tác giảng dạy…

 

Học mà chơi, chơi mà học

 

Ngành giáo dục đã nghiên cứ rất kỹ: 9 tháng học tập và 3 tháng nghỉ ngơi là phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh phổ thông. Các bậc cha mẹ lo lắng cho con cũng là điều dễ hiểu, nhưng đầu óc trẻ em đâu phải là một cỗ máy để nhồi nhét?

 

Theo tôi (cũng là một nhà giáo), cha mẹ có thể đề ra thời gian biểu cụ thể cuả các em trong ngày, phân bố hợp lý giữa chơi và học. Cần xen kẽ học ngoại ngữ, học đàn, học vẽ, học võ thuật, học bơi để nâng cao kiến thức và rèn luyện sức khoẻ với việc ôn tập kiến thức văn hoá.

 

Việc ôn tập văn hoá cũng cần thiết nhưng nên mỗi ngày ôn khoảng 1 tiếng, trong đó có yêu cầu rèn chữ, làm lại các dạng toán đã học trong năm. Tuỳ theo khả năng, các em có thể đến các trung tâm ngoại ngữ để học thêm bổ sung cho kiến thức cho mình. Nhưng nhất thiết trước khi biết ngoại ngữ phải nắm vững “nội ngữ”- nghĩa là phần Tiếng Việt cơ bản. (Về câu chữ, cách dùng từ, chú ý lỗi chính tả, cách hành văn...)

 

Các nhà trường cũng nên giúp phụ huynh bằng cách ra đề cương ôn tập hè cho các em. Và trong buổi họp phụ huynh cuối năm, bên cạnh việc thông báo kết quả học tập của con em họ, cần bàn bạc và tư vấn về biện pháp quản lý con em họ trong dịp hè.

 

Vẫn biết học văn hoá là quan trọng, nhưng học các môn năng khiếu  để  phát triển tâm hồn cũng là điều rất cần thiết. Vì thông qua các môn này, ngoài việc để phát huy năng khiếu sẵn có, còn giúp các em có được cái nhìn đẹp hơn về cuộc sống, thân thiện cởi mở với mọi người. Và sâu xa hơn là góp phần giảm bớt nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng.

 

Trong gia đình, cha mẹ cần “học cùng con” - đó là điều căn bản. Có thể học cùng con ngay từ khi  bắt đầu khai giảng, vừa quản lý con, vừa tạo sự thân thiện giữa cha mẹ và con cái, như vai trò một người bạn lớn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của con mình. Tuyệt đối không được dạy trước kiến thức cho con, dù bằng hình thức nào (kể cả gia sư).

 

Mong rằng các bậc cha mẹ học sinh hãy lưu tâm đến con em mình hơn, nhất là trong dịp hè vốn là khi các em có nhiều thời gian rảnh rỗi. Còn làm như thế nào, quan tâm ra sao thì đòi hỏi sự “mềm hoá” vận dụng từng hoàn cảnh cụ thể của các gia đình. Miễn sao trẻ thấy được kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích, lý thú mà vẫn không quên kiến thức, chuẩn bị tốt tâm thế để tự tin bước vào năm học mới.

 

Nguyễn Thị Diệp
 (trường THCS Cát Quế B,  Hoài Đức,  Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm