Bạn đọc viết:
Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1: Mất nhiều hơn Được
(Dân trí) - 16/8 là ngày tựu trường của học sinh phổ thông để chuẩn bị bước vào năm học mới. Trẻ đi học lớp 1 là bước ngoặt đầu tiên rất quan trọng, nhiều bậc cha mẹ thường quá lo lắng nên cho con đi học trước chương trình lớp 1. Được/Mất ra sao?
+ Tâm lý phụ huynh:
Mấy năm gần đây, việc bố mẹ đưa con mình đến các cơ sở dạy chữ trước khi vào lớp 1 ngày càng nhiều. Xuất phát từ tâm lý: Trẻ con, bé bỏng thế kia, bây giờ phải học chữ thì biết làm thế nào? Vậy phải dạy trước kiến thức cho khỏi bỡ ngỡ.... Và thế là người nọ nhìn người kia, cứ thế mà theo nhau.
Có những phụ huynh cho con đi học chữ ngay từ sau Tết âm lịch. Mỗi tuần 4 buổi (2 buổi tối và 2 buổi dạy vào thứ 7, chủ nhật). Đáng trách hơn, có những bậc phụ huynh cho con nghỉ học lớp mầm non 5 tuổi để đi ... học chữ trước. Mặc dù trường mầm non đã giải thích cặn kẽ nhưng họ vẫn cho con mình đi học như vậy. Chỉ khổ cho những đứa trẻ non nớt đã phải oằn lưng cõng gánh nặng học hành, đi học vì áp lực bố mẹ. Tình trạng “sáng mầm non, chiều tiểu học” khiến nhiều em rơi vào tâm lý sợ học, ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình học sau này.
+ Tác hại với trẻ:
Về sinh lý: Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụn cổ tay của trẻ 5 tuổi chưa sẵn sàng để viết và học chữ. Đây là lứa tuổi trẻ vẫn cần chơi hơn là học. Một đứa trẻ học sớm sẽ rất vất vả. Một buổi học của trẻ học non tuổi vất vả bằng trẻ đúng tuổi học cả tháng trời. Trẻ chưa vào lớp 1 nếu đã biết đọc, biết viết trước, đến lớp ít phải động não. Điều này rất có hại cho các em vì lớp 1 mà ít động não, thì lên lớp 2 và các lớp khác rất khó bắt kịp chương trình. Học trò đến lớp không động não thì tư duy chậm phát triển hơn các bạn khác.
Trẻ 5 tuổi xương sống chưa phát triển hoàn thiện để thích ứng với việc ngồi viết. Nếu tư thế ngồi học của trẻ phải gò bó quá lâu, dẫn đến các bệnh học đường như cong vẹo cột sống, bệnh về mắt…. là điều khó tránh khỏi.
Về tâm lý: Trẻ được học trước hay nảy sinh tâm lý chủ quan, tưởng cái gì mình cũng biết nhưng thực ra chưa biết được nhiều. Chỉ 2 tháng đầu là tiếp thu nhanh, một thời gian sau có thể sức học sẽ đuối hẳn so với những đứa trẻ khác.
Trẻ 5 tuổi đang ở giai đoạn phát triển, bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên trước khi học chữ. Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận cuộc sống tốt hơn, có thái độ thân thiện với thiên nhiên, với mọi người xung quanh. Trẻ học sớm lúc đầu có thể học tốt hơn những trẻ khác, nhưng càng về sau sức học của những trẻ này càng yếu dần cũng là do khả năng giao tiếp, tiếp nhận kém.
+ Phụ huynh cần chuẩn bị:
Thực tế trong các trường mầm non, đối với trẻ 5 tuổi đã có chương trình hướng dẫn trẻ làm quen môi trường học tập một cách bài bản. Nên nếu các bậc phụ huynh cho con học chăm, đi học đều ở thời điểm này thì có thể yên tâm khi con vào học lớp 1… Nhà trường cũng đã rèn các cháu tư thế cầm bút, tư thế ngồi học, ngồi ăn, đi lại, tự khám phá những điều cần thiết, tự trả lời các câu hỏi có tính chất tìm tòi gợi mở, tự giải quyết những phần việc phù hợp.
Nên chăng gia đình tập rèn cho con thói quen sinh hoạt mới phù hợp với giờ giấc học của tiểu học. Cũng chỉ nên cho con mình làm quen với các chữ số, nhận mặt 24 chữ cái, một số vần đơn giản có 2 chữ cái. (Các kiến thức khác, khi vào lớp 1 các thầy cô giáo sẽ dạy các em đầy đủ, đúng phương pháp để trẻ tiếp thu nhẹ nhàng hiệu quả. Khi trẻ vào học lớp 1, cha mẹ hãy học cùng con để kèm cặp thêm là điều tốt nhất)…
Về phía nhà trường tiểu học, ngoài việc dạy chữ theo chương trình, cần chú ý dạy xen lẫn các trò chơi để trẻ tiếp thu nhẹ nhàng thoải mái, sao cho “học mà chơi, chơi mà học”. Nên đưa nhiều trò chơi vào các môn học như trò chơi âm nhạc, trò chơi toán học, kể chuyện sáng tạo, học múa, học vẽ, học hát trong các tiết tự chọn...
Đối với trẻ lớp 1, việc học chữ chưa gây được hứng thú, việc phải làm bài tập ở nhà là một gánh nặng, do vậy trẻ thường tìm cách lảng tránh. Người lớn phải làm sao để trẻ dần quen với sự thay đổi hình thức học tập (Ở mầm non: chơi là chính. Ở tiểu học: học là quan trọng). Tìm cách động viên các em, không yêu cầu làm quá nhiều bài tập. Cần xen kẽ những hình thức vận động, những trò chơi. Khi các em đã quen thì sẽ tự nguyện học và vui học chứ không sợ học, chán học…
Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ. Nhưng không vì thế mà các bậc cha mẹ quá lo lắng việc con mình tiếp thu được hay không, để đến mức phải cho con đi học trước… Tất nhiên cha mẹ cũng phải để ý xem con mình tiếp thu có chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi không, nhưng không có nghĩa là nhồi nhét cho trẻ học quá nhiều…