Bạn đọc viết:
Giảm 100.000 biên chế: Thà đau 1 lần hơn đau mãi
(Dân trí) - Theo tôi, đây là lúc sử dụng công cụ bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội mới làm thử năm ngoái. Nhưng nếu áp dụng để cắt giảm biên chế thì hãy bỏ phiếu theo những tiêu chí nhất định: ai điểm cao hơn, được mọi người tín nhiệm hơn thì ở lại làm việc…
Cũng có thể có câu hỏi thứ hai là tại sao phải tốn đến...8 ngàn tỷ đồng để giảm cho được 100.000 nhân viên? Tiền này lấy ở đâu? Tại sao lại phải lấy thêm tiền từ nhà nước thì mới giảm được biên chế? Luận điểm cần 8 ngàn tỷ để giảm 100.000 nhân viên còn chưa rõ ràng và khó hiểu.
Câu hỏi thứ 3 là tại sao không dùng phương án sử dụng lao động thời vụ/bán thời gian, thay vì tuyển dụng nhiều nhân viên chính thức? Thí dụ: lao công chỉ cần làm 2 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, thay vì quét xong nhà thì ngồi chơi hoặc làm việc riêng tốn điện/tốn nước của cơ quan. Hoặc chuyển công văn thì thuê luôn bên cơ quan bưu điện, hoặc cán bộ có thể được trả lương để tự túc phương tiện, thay vì phải nuôi xe và lái xe…
Cơ quan tôi đã từng làm như thế rồi. Lúc đầu cũng day dứt lắm, vì anh chị em làm cùng nhau bao nhiêu năm và thấy cũng toàn là người làm được việc, có người làm siêu nữa là khác. Nhưng khi cắt đi thì khối văn phòng gọn nhẹ hẳn và quỹ lương cũng giảm đáng kể.
Vấn đề là phải thật công tâm, mọi người trong cả cơ quan cùng nhìn lại các vị trí công việc và trả lời câu hỏi rằng: nếu thiếu vị trí nào đó thì toàn cảnh cơ quan sẽ ra sao?
Tôi cũng cảm ơn ông Sếp công ty tôi, vì thấy với cách làm ấy ông giải quyết mọi việc có tình có lý. Đồng thời đã ngầm dạy cho chúng tôi bài học rằng: yêu quý nhau không có nghĩa là ôm lấy nhau cùng chết, mà hãy tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển và cùng tồn tại. Những ai ở các vị trí thừa....hãy dũng cảm đối mặt và tự thu xếp con đường sống cho mình.
Tôi cho rằng đây là lúc sử dụng công cụ bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội mới làm thử năm ngoái. Nhưng nếu áp dụng cho việc tinh giản công chức thì hãy bỏ phiếu tín nhiệm theo những tiêu chí nhất định: ai điểm cao hơn, được mọi người tín nhiệm hơn thì ở lại làm việc.
Thà đau 1 lần còn hơn đau mãi bởi cứ phải khu khư ôm “cái bọc” của nỗi nhọc nhằn dư thừa và lãng phí!
Văn Tân: quylam@gmail.com