Bạn đọc viết:

Điều ước về một cách ứng xử bình thường

(Dân trí) - Tin Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won bất ngờ tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol, làm cho nhiều người VN không chỉ ngạc nhiên, kính phục mà còn trăn trở với bao nghĩ suy dù biết so sánh rất có thể là khập khiễng…

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 27/4 (ảnh: Yonhap)
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 27/4 (ảnh: Yonhap)

 

Thật ra ở các nước, việc từ chức của các quan chức và chính khách đã từ đâu được coi như một nét văn hoá - văn hoá từ chức. Với họ, một khi cảm thấy không còn đóng góp gì tốt được cho xã hội, hay tự lương tâm cảm thấy cắn rứt trước những sự việc nghiêm trọng nào đó (trong vụ chìm phà Sewol là cái chết oan uổng của hàng trăm người dân, đa số là học sinh) thì họ tự thấy cần từ chức.
 
Có lẽ cũng là bởi vị thế lãnh đạo được định hình từ chính việc làm của những người được dân bầu, dân cử ra. Mà dân tín nhiệm vì thấy không chỉ lời nói của họ thuyết phục được người dân, mà còn luôn được chứng minh bằng những hành động thực tế. Với người dân, quan chức cấp càng cao thì yêu cầu về trách nhiệm đầu tiên và trước hết càng phải được thể hiện rõ trước cộng đồng, trước người dân và theo sự uỷ thác của dân. Một khi thấy mình không làm tròn trách nhiệm, quan chức cần tự nguyện rút lui.

 

Trở lại trường hợp ông Chung Hong-won Thủ tướng Hàn Quốc từ chức khiến nhiều người thán phục, bởi cho rằng thảm họa chìm phà không liên quan trực tiếp đến ông, nhưng ông vẫn tự nhận đó là trách nhiệm quản lý của mình. Càng thán phục hơn khi thấy ông Chung Hong-won không ngần ngại hy sinh sự nghiệp chính trị để góp phần chứng tỏ một điều rất quan trọng. Đó là Chính phủ Hàn Quốc luôn thể hiện rõ trách nhiệm về an sinh của người dân.

 

Trước đó, thầy Kang Min – kyu, Hiệu phó trường trung học Danwon, người dẫn đầu đoàn 325 học sinh trong chuyến tham quan đảo Jeju, đã tự vẫn. Trong thư tuyệt mệnh để lại, ông viết: “Sống sót một mình thật quá đau đớn trong khi 200 người vẫn đang mất tích. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc này. Một lần nữa, tôi sẽ lại trở thành thầy giáo của những học sinh đã mất tích ở thế giới bên kia”… Thật đau xót nhưng cũng đáng cảm phục biết bao khí phách người thầy Hàn Quốc!

 

Dù không muốn chắc cũng khó có người VN nào lại không nghĩ sang những chuyện ở xứ ta, để mà không khỏi trăn trở suy nghĩ. Bởi hầu như ngày nào cũng có thông tin về những  sự cố xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Nào tai nạn giao thông, tai biến y khoa bất thường, tai nạn lao động… chưa kể tới những hệ lụy của tệ tham ô, tham nhũng…

 

Vậy nhưng cách chịu trách nhiệm hoặc giải trình trước công chúng đa phần đều hoặc là gây thêm phản ứng, hoặc khó thoát vòng luẩn quẩn để rồi cuối cùng lại rơi vào "im lặng đáng sợ"... Có lẽ cũng bởi vậy, nhiều người cho rằng chính những sự việc như thế đã góp phần làm cho cảm xúc của người Việt nói chung bị chai lì dần đi, khiến trong xã hội ta giờ tồn tại cái có thể gọi là “hội chứng mệt mỏi cảm xúc”...?

 

Đúng là nói về “văn hóa từ chức” ở ta vẫn luôn là một chủ đề “tế nhị”… Thế nhưng phải chăng cũng đã đến lúc không thể không nói…Chí ít cũng là để mỗi người được giao chức vụ, khi thấy trong lĩnh vực của mình có những thiếu sót, khuyết điểm… mà nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ đó nữa, thì nên rời vị trí. Đó là hành động được đánh giá cao vì nó thể hiện tự trọng cá nhân, sự tự ý thức về trách nhiệm cá nhân của những người có chức trách.

 

Tôi cũng như rất nhiều người VN chắc đều có chung mong muốn rằng các giới chức của ta đều là những cán bộ tốt, hết lòng vì nước vì dân. Nhưng sông có lúc người có khúc, khi cần thiết thì việc từ chức cũng rất nên sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong mọi hoạt động công vụ của nước nhà. 
 
Các nước khác làm được, tôi tin VN mình cũng sẽ làm tốt được nếu quyết tâm bởi không có việc gì khó...  

 

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn