Chen lấn, xô đẩy mới thành...lễ hội?

(Dân trí) - Năm nào cũng thế, cảnh báo rất nhiều mà những điều tốt hơn làm được tại các lễ hội vẫn chẳng được bao nhiêu. Dư luận lại sôi sục, phê phán, lên án, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… Để rồi những nỗi buồn về “văn hóa lễ hội” vẫn… đến hẹn lại lên!

Cảnh chen chúc hỗn loạn sau thời điểm Khai ấn (ảnh: Thanh Thủy - Duy Tuyên)
Cảnh chen chúc hỗn loạn sau thời điểm Khai ấn (ảnh: Thanh Thủy - Duy Tuyên)
 
Tâm lý đám đông

 

Đây cũng là điều đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trên các diễn đàn dư luận mỗi khi nhận xét hay bình luận về những hiện tượng phản cảm nhưng lại kéo theo nhiều người tham gia ở nhiều lúc, nhiều nơi. Và lần này, khi cảnh chen lấn tại đêm khai ấn tại lễ hội đền Trần (ở cả Nam Định và Thanh Hóa) vẫn… bổn cũ soạn lại bất chấp những nỗ lực của ban tổ chức, Cao Phương Linh caokhao@gmail.com lại phải cay đắng thốt lên:

 

“Trước hay sau, sớm hay muộn, những người đã đến đền Trần đều xin được ấn cầu may mắn đem về trong đêm! Vậy việc gì phải chen lấn, xô đẩy để lấy? Tất cả đều xuất phát từ nhận thức của mỗi người và tâm lý đám đông mà thôi!”

 

Song xem ra cảnh chen lấn sẽ muôn đời vẫn như thế, một khi nhiều người còn có cách nghĩ về “văn hóa lễ hội” như Ha Thu hathu@gmail.com tổng kết:

 

“Tôi nghĩ, lễ hội ở VN không thể tránh được chen lấn, xô đẩy. Quan trọng là sự hỗn loạn đó vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát là được. Chẳng ở đâu có lễ hội mà du khách "hành quân" đi cả”.

 

Với những người luôn đưa ra lý lẽ để bảo vệ cho điều chỉ có thể lý giải bằng “tâm lý đám đông” đó, thì những chuyện “chỉ có ở VN” sẽ còn tiếp diễn bởi bất thường mãi rồi cũng trở thành bình thường. Nhưng đa số phản hồi của bạn đọc đều khẳng định điều ngược lại:

 

“Tôi là người Nam Định nhưng chưa 1 lần đến đền Trần vào dịp lễ Khai ấn, vì tôi thấy mọi người đến đây là để tranh cướp lộc, chứ chẳng có thành kính tổ tiên, anh hùng dân tộc gì hết. Xem cảnh họ chen nhau cướp lộc của thánh mà phát sợ! Những người này chắc ở cơ quan mà tranh cướp bổng lộc thật do sếp cho/tặng thì không biết còn khủng khiếp đến thế nào nhỉ?  Một kiểu thể hiện văn hóa rất đáng buồn!!!” - Người Nam Định:  nhaminh75@yahoo.com

 

“Tôi đã bị cảnh chen lấn một lần tại đền Trần cách đây mấy năm, thật kinh hãi! Từ đó không bao giờ đi đúng ngày khai ấn nữa, mà có đi thì lui về thời điểm sau ngày khai ấn, thấy thư thái hơn nhiều” - Linh: linh@ahoo.com

 

“Đọc bài viết mình cũng cảm thấy buồn vì cái cách xin lộc của những người đó! Thú thật mình là người Nam Định, rất yêu và kính nể triều đại nhà Trần, thậm chí mình còn là con rể của dòng họ Trần ở Mỹ Lộc - Nam Định, nhưng mình chưa bao giờ chọn ngày chính khai ấn hoặc những ngày quá đông để đi. Trái lại, mình chọn những ngày sau lễ, thưa thoáng mà đi. Vừa tạ công ơn các Vua Trần, đức Thánh Đức Hưng Đạo... vừa tìm hiểu lịch sử, chiêm nghiệm cuộc sống và chọn cho mình một dự cảm cho năm mới. Theo mình nghĩ, đó mới là xin lộc đền Trần - Đó là niềm tin, chứ không phải giành giật lấy một cái gì đó cầm về nhà bảo đó là Lộc???” - Rồng đất:  nguyetcagv@gmail.com

 

“Tôi chẳng hiểu các anh chị, cô dì chú bác… ở đây trong đầu nghĩ gì mà lại làm như vậy? Đành rằng có thờ có thiêng, nhưng không phải là kiểu như thế này, nó chẳng ra thể thống gì cả. Ở nước ngoài người ta có cần làm vậy đâu mà người ta vẫn giàu hơn mình? Mong những lần sau sẽ không còn tình trạng này nữa!” - Long LV: longlv.th@gmail.com

 

“Đi chùa để cầu lễ, cầu may. Chứ đâu phải đi chùa để chen lấn, xô đẩy nhau như vậy. Không biết tờ ấn giá trị thế nào mà năm nào cũng chen lấn để có được vậy? Nếu mà linh thiêng thế, rằng có ấn mà thăng quan tiến chức được thật thì nên chen. Đằng này nhiều người không làm gì cũng chen để kiếm một tờ ấn, không biết để làm gì mà khổ sở vậy?” - Nam Khanh:  hoangtungoc2010@gmail.com

 
Xếp hàng chờ xin ấn sáng hôm sau (ảnh: Thanh Thủy – Duy Tuyên) 
Xếp hàng chờ xin ấn sáng hôm sau (ảnh: Thanh Thủy – Duy Tuyên) 
 

Văn hóa xếp hàng

 

“Phật tại tâm” - điều đó có lẽ ai cũng hiểu. Nhưng từ cách thức tổ chức, quản lý… tới cách hành xử của không ít người khi tham dự các lễ hội năm này qua năm khác, vẫn luôn cho thấy khoảng cách giữa lời nói với việc làm là khá xa. Mà đây cũng là điều người dân thường phản ứng với các cơ quan chức năng, với các giới chức. Còn với chính bản thân thì họ lại luôn chặc lưỡi: Dân mà… để tự xuê xoa, dễ dãi với mình theo kiểu "túm người có tóc, không túm kẻ trọc đầu"?      

 

“Năm nào cũng thế, ai cũng nói Phật ở tâm, thế mà vẫn cứ tranh cướp ... Tất cả là do ý thức. Buồn!” - Hoàng Tùng:  containvn@yahoo.com

 

“Theo tôi, dân trí thấp kém + lòng tham mới đẻ ra những cảnh thế này. Tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc… Đi chùa đầu năm là nét văn hóa đẹp, đi để cầu an lành, để tâm thanh thản. Nhưng giờ thấy quá nhiều biến tướng “sặc mùi” mê tín dị đoan, mong nhà nước cho dừng ngay những lễ hội tổ chức kiểu vô bổ như thế này” – Phuong Viet:  dvphuong70@yahoo.com

 

“Đúng là ý thức quá kém + a dua đám đông. Nhiều người không thực sự hiểu được ý nghĩa của việc này nhưng cũng chen lấn, dẫm đạp lên nhau để cướp bằng được ấn? Haizzzzzzaaaa! Những năm gần đây lại càng quá đà, đúng là "phú quý sinh lễ nghĩa"!” - Do Hoi:  dohoi93@gmail.com

 

“Xã hội bây giờ lẽ nào chỉ còn có hai chữ QUYỀN và TIỀN mà thôi? Đó không phải là mê tín nữa mà là sùng bái việc thăng quan tiến chức và kiếm tiền bằng nhiều đường lắt léo chứ không phải thực lực, vì thế nên phải nhờ đến thần thánh?” - NĐT:  phongnc1911@yahoo.com

 

“Nếu người dân có ý thức xếp hàng theo thứ tự và cách tổ chức của Ban QL thì sẽ tốt hơn, chốn linh thiêng mà chen lấn như vậy thì còn gì linh thiêng nữa? Rất buồn cho ý thức nói chung của nhiều người Việt!” - Trần Duy:  tranduytcs@yahoo.com.vn

 

“Những “điểm nóng” lễ hội như thế này, hãy xếp hàng theo thứ tự, ai đến trước xếp trước ai đến sau xếp sau. 1 lần vào khoảng 50-100 người, tùy theo địa điểm xếp làm 2-3 hàng giống như vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như thế sẽ rất văn minh cho tất cả lễ hội và đỡ mệt mỏi cho chính những người thiếu ý thức như thế này” - Nguyễn Hữu Tình:  nguyenhuutinh86@gmail.com

 

“Tâm linh đến cuồng tín? Tôi thấy một bộ phận khá lớn dân ta hiện nay có lẽ đang sống thiếu niềm tin vào bản thân nên mê tín đến mê muội, hành xử thiếu văn hóa...” - Nam:  nam64@gmail.com

 

“Đây thực sự là cuồng tín và “cuồng Ấn” chứ không phải khai ấn theo đúng nghĩa của nó. Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta nên bỏ tục lệ này đi và thay bằng hình thức lời chúc năm mới thì hay hơn?” - Nguyễn:  ttcctd@yahoo.com

 

Mùa lễ hội nào cũng bao chuyện ì xèo, rồi còn kéo theo bao nhiêu sự lãng phí cả về nhân lực và vật lực… Đã rất muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, vẫn phải chấn chỉnh lại “văn hóa lễ hội” nói chung ở VN, như Thanh Khang thanhkhangtptn@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Đã đến lúc chúng ta cần giáo dục hay có các biện pháp hành chính khác hữu hiệu hơn để nâng cao ý thức trong văn hóa lễ hội. Ai cũng nói là đi lễ hội với cái TÂM, nhưng cần nhận thức được văn hóa tâm linh thế nào mới phải chứ!”

 

Kiều Anh