Đi lễ với tâm thiện

(Dân trí) - Những điều được các nhà chuyên môn phân tích về hiện tượng thể hiện sự cuồng tín, mê tín thái quá và xuống cấp tinh thần của một số người đi lễ chùa, nhận được nhiều phản hồi chia sẻ. Ống kính bạn đọc còn soi vào cả các góc khuất khá “tế nhị” khác.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thiện căn ở tại lòng ta…

 

… Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài… Triết lý về cuộc sống đó có lẽ ai trong chúng ta cũng hoặc là từng nghe, hoặc từng tự mình chiêm nghiệm…Nhưng nói về đức tin vẫn  thật là khó, bởi rất dễ động chạm khi ai cũng có cái lý của mình để bảo vệ cho những gì mình tin tưởng, mình đổ công đổ sức và nhiệt huyết vào đó vì cho rằng đó là biểu hiện của cái Tâm, của lòng thành. Xã hội càng phát triển, nhiều khi con người càng cảm thấy mất đi những điểm tựa niềm tin vào thực tế, để phải đi tìm kiếm hoặc gửi gắm niềm tin vào những gì đó còn mơ hồ, chưa lý giải được rõ ràng…

 

“.. Không hiểu gì về tâm linh thì đừng nói vậy. Người ta đi lễ, đi chùa, khi về thì làm ăn thuận lợi hơn không đi. Như vậy đương nhiên người ta càng tin thôi…” - Đinh Bá Hùng: thienthanbinhan90@gmail.com

 

“Tôi thấy dùng từ “đút lót” thánh thần là hơi quá…. vì nếu ai có có tâm thật sự đến chùa, họ đều không nghĩ vậy. Nhưng không phải ai đến chùa cũng vì cái Tâm muốn đến lễ Phật, mà nhiều người chỉ tham quan và đi theo phong trào mà chưa thực sự hiểu về lễ giáo. Vậy tại sao chúng ta không tổ chức các buổi giảng đạo cho lớp trẻ để họ hiểu hơn?’ – Thuy Hong:  anhhongvico@gmail.com

 

“Phú quý sinh lễ nghĩa mà. Đến đi lấy kinh ở tây phương cực lạc cũng phải “hối lộ”…  Còn ở đây chỉ là dâng tiền công đức giúp những người quản lý di tích, quản lý đền chùa có một nguồn thu nho nhỏ để phục dựng và sửa sang lại đền chùa, phục vụ cho lễ hội. Nếu không có những đồng tiền mà dân công đức thì lấy tiền đâu ra mà tổ chức lễ hội, hay nhà nước lại phải bỏ tiền ra?” - Trần Huy Hoàng:  tuanthanh_822004@yahoo.com

 

“Các vị muốn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội dân gian thì phải chấp nhận việc đó đi. Chính vì cái trang trọng, linh thiêng của lễ hội "đẻ" ra cái việc ném tiền, cướp lộc đó chứ không phải ý thức của người dân "đẻ" ra đâu. Nếu người dân không tin vào sự linh thiêng, trang trọng của lễ hội thì người ta đến hội để làm gì ??? Lúc đấy ai mở hội thì tự đi mà xem, không ai đến xem đâu. (P/S: Đôi chút suy nghĩ cá nhân mình nhé, không có ý đả kích lễ hội và tổ chức nào cả)”- Hoàng Đức Huân:  hoanghuan222@gmail.com

 

 “Tôi cũng thấy phản cảm và bức xúc từ lâu lắm rồi. Đó là những suy nghĩ, những niềm tin thiếu hiểu biết và thực dụng. Họ cứ nghĩ rằng bỏ ra vài đồng lẻ vào bất kỳ chỗ nào ở chốn linh thiêng là có Tâm, có lòng thành... để mưu lợi, hưởng phúc lộc đằng sau việc làm ấy? Nhưng đâu phải vậy, hãy làm thế nào đó để việc làm ấy là tâm linh, là văn hóa mới là nét đẹp…” - Nguyễn Văn Bằng:  bangvannguyen@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Truyền thống và sự biến tướng

 

Những nét đẹp truyền thống càng được gìn giữ và phát huy khi xã hội phát triển đi lên theo hướng tích cực. Nhưng truyền thống cũng rất dễ bị biến tướng bởi nhiều nguyên do mà suy cho cùng cũng xoay quanh tiền và lợi. Từ phản hồi của nhiều bạn đọc có thể thấy rõ sự bất bình chung của dư luận với những biểu hiện biến tướng làm xấu đi những nét đẹp truyền thống hiện nay, kể cả ở các chốn tâm linh: 

 

“Mấy bài viết trên rất đúng. Bản thân tôi đi đền Trần 1 lần là thấy việc mình "xin" như nhiều người là sai. Lâu nay tôi luôn nghĩ và thực hiện đến thăm, ngắm cảnh và mong bình an là chính trong đi Lễ, Hội ở các chốn linh thiêng. Thực tế, có một số chức sắc luôn khuyên nên "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" bằng việc lễ, cầu... Tiến sỹ Đức và các bạn bình rất đúng, nhưng có lẽ những vị khác chẳng mấy khi  xem mọi người bình thế nào, vậy làm thế nào để tới được các vị hay cầu cạnh kia? Nghị quyết cũng không tác động đâu... bao nhiêu lần, bao nhiêu việc có Nghị quyết rồi” – Nguyen Hong:  Nguyenhongborder@gmail.com

 

“Tôi thấy ý thức của người dân ta ngày càng kém hơn. Ngày xưa vào chùa rất nghiêm túc, đi nhẹ nói khẽ. Đồng tiền người dân kiếm được rất khó khăn vất vả, nên rất được tôn trọng về giá trị, chứ không có cảnh vứt tiền trong chùa như bây giờ. Mà không khí nhà chùa xưa trang nghiêm lắm… Các cấp quản lý giờ mới nhìn thấy và lên tiếng thì có lẽ đã quá muộn!” - Kim Dan:  kimdan209@yahoo.com

 

“Theo tôi, thứ nhất do ý thức của người dân ta còn quá thấp, chưa thể văn minh lên được. Thứ hai là do người dân quá tín ngưỡng, có thể là do lịch sử, truyền thống để lại. Thứ ba cũng là do công tác tuyên truyền, cách thức tổ chức lễ hội nói chung còn kém. Thứ tư là công tác quản lý về mặt nhà nước cũng kém. Cho nên mới có tình trạng như trên, nhưng tôi tin nếu giải quyết được các khâu trên thì tình trạng đó sẽ hết, người dân VN sẽ đến chùa theo đúng truyền thống như ở Nhật Bản hay một số nước phát triển đạo Phật” - Vũ Trung:  duytrungorg@gmail.com

 

“Một quan chức cấp dưới cầm lá đơn trình lên Bộ VHTTDL để được đăng cai tổ chức lễ hội cho cái nơi được gọi là tâm linh, thì sếp nào mà không ký vì đó là nơi chốn linh thiêng?... Nhưng tôi thấy thực chất  của không ít lễ hội hiện nay thường cho thấy lòng tham, sự xuống cấp về đạo đức nhiều hơn - nghĩa là tâm ác nhiều hơn tâm thiện… Không biết những người hiền thục giàu thiện có đến những nơi lộn xộn đó không? Vì tu là ở tâm, tâm tốt thì luôn làm việc thiện. Và tôi tin "ác giả thì ác báo" chứ chẳng có thánh thần nào đi cứu giúp những con người vô đạo đức, lợi dụng lễ hội để mưu cầu danh lợi... cả đâu” - Nguyễn Hương Ngọc:  datrang2799@yahoo.com.vn

 

Và để đi lễ chỉ với tâm thiện, Vũ Anh Tuấn Anhtuanhp85@gmail.com nhắc nhở:

 

“Ở đâu cũng có đền chùa tại sao đầu năm mọi người không đi cầu mong Bình an tại chùa nơi mình sống, mà vẫn kiểu “bụt chùa nhà không thiêng”? Đi chùa là để vãn cảnh chùa, tìm mong sự yên bình, chứ đi chùa mà chen lấn xô đẩy chen chúc nhau khấn vái còn gọi là gì vãn cảnh nữa? Chưa tính chuyện các dịch vụ ăn theo tăng vọt, không biết tốn bao tiền của nhân dân. Mong nhà nước sớm vào cuộc để tránh lãng phí. Tiền đó để làm đường sá, xây dựng trường học... Người dân cũng nên có ý thức: nếu các bạn đi xa để vãn cảnh hãy tránh những lúc cao điểm, như vậy các bạn mới có được cảm giác thư thái, yên bình thực sự tại những nơi chốn linh thiêng”…

 

Kiều Anh