Cầu Long Biên - Có biểu đồ chịu lực nào uyển chuyển hơn thế?

(Dân trí) - Những nhịp cầu sắt kia duyên dáng khiến bao người thầm phục, có sáng tạo kỹ thuật nào hoà nhập với nhịp điệu không gian nhuần nhuyễn hơn thế? Có biểu đồ chịu lực nào được biểu diễn bằng chất liệu sắt thép uyển chuyển hơn thế?

Cái tên cầu Paul Doumer được lưu lại không lâu. Người Việt gọi cây cầu là Long Biên từ khi mé chân cầu bên Gia Lâm được đặt tên Long Biên thời thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai (1945)…
 
Cây cầu ra đời trong kỷ nguyên đường sắt lan tỏa khắp thế giới, kết nối những miền đất xa xôi trở nên gần gũi,… đánh dấu những bước tiến dài trong lịch sử tiến hóa. Cầu Long Biên là một tượng đài của kỷ nguyên ấy ở châu Á. Nhiều người liên tưởng hình dáng cây cầu giống như con rồng hùng dũng kiêu hãnh uốn mình vượt qua dòng sông mẹ mênh mông.

Năm 1903, việc xây dựng cầu hoàn thành với 19 nhịp - cầu Long Biên là một trong bốn cây cầu thép dài nhất châu Á . Cây cầu khi đó cũng là một thành tựu vượt trội  bởi dáng vẻ tao nhã, ngôn ngữ tạo hình hào hoa. Ngay thời điểm hiện tại, nếu còn giữ được dáng vẻ ban đầu thì cầu Long Biên vẫn là cây cầu thép đẹp nhất trong khu vực.

Trên tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam (Trung Quốc), có hai công trình kết cấu thép khổng lồ phải đối mặt với những điều kiện tự nhiên phức tạp đó là cầu Long Biên và cầu Faux Nam-Ti tại Vân Nam, nối hai hầm đường sắt vượt qua vách núi dựng đứng cao 270m.  Nếu như cầu Faux Nam-Ti tự hào  với công nghệ lắp dựng dàn thép nặng hàng trăm tấn thì cầu Long Biên đạt đồng thời nhiều kỷ lục về việc sử lý nền móng, độ chuẩn xác trong công nghệ chế tạo, lắp ráp và tối ưu hóa trong thiết kế/tạo hình (băng qua sông Hồng rộng1.682m).
 
Cầu Long Biên - Có biểu đồ chịu lực nào uyển chuyển hơn thế?
Cầu Faux Nam-Ti ( Vân Nam –TQ) hoàn thành 1908 và một biến thể nhỏ hơn tại Kuala Lumpur (Malaysia) hoàn thành 1998.

Thử làm phép so sánh, cầu Tolbiac (quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris – Orleans, Pháp) được coi là cùng họ kết cấu với cầu Long Biên nhưng đây mới chỉ là cây cầu có hai nhịp vòm thấp, đơn điệu hơn nhiều so với cầu Long Biên. Được xây dựng muộn hơn 20 năm, cầu Long Biên đã có những bước tiến quan trọng. 19 nhịp cầu bám sát biểu đô mô men của dầm liên tục, tạo thị cảm có nhịp điệu uyển chuyển với tiết tấu sinh động. Là một công trình giao thông , hiệu ứng cinétique (biến hình khi di chuyển) được cảm nhận rất rõ.

Tổ hợp những thanh giàn dọc, ngang và chéo, phối  hợp giữa khối lớn vững chãi với thanh giàn nhỏ hơn và những thanh liên kết theo chiều ngang và chéo góc đã để lại cho những ai đã từng nhìn cầu qua ô cửa sổ của tàu hỏa suốt một thế kỷ qua về một cuộc trình diễn không gian, một ấn tượng kỳ ảo đón chào du khách tới thăm Hà Nội, để rồi một hôm nào đó, sẽ thay lời chào hẹn ngày trở lại. Cảm xúc này có thể gặp lại trong chiếc thang máy chạy nghiêng theo chân đế choãi để lên tầng đế của tháp Eiffel. Đó là cảm thụ đường nét và hình khối kiến trúc không chỉ 3 chiều không gian mà có cả chiều thứ tư  - sự biến hình theo trục thời gian. Xét về hiệu ứng thị cảm, cầu Long Biên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với kích thước khổng lồ.

Dàn thép của tháp Eiffel được ví như đan dệt trên nền trời những diềm đăng ten mảnh mai tinh xảo để kết nối bộ khung vững chãi. Đó chính là thủ pháp tạo hình với  những khoảng đặc rỗng, nhịp điệu của nét khoan nhặt, tạo cảm nhận về sự thăng bằng, chắc chắn nhưng vẫn bay bổng nhẹ nhõm… Tuy vậy, vẫn có nhiều chi tiết diêm dúa  nặng về trang trí khiến đơn vị tiến hành đại tu tháp năm 1985 quyết định cắt bớt đến 1.340 tấn thép dư thừa từ công trình.

Xây dựng sau 10 năm, cầu Long Biên đã đạt tới sự hoàn thiện của cái đẹp kỹ thuật và mỹ thuật. Thật khó có thể tháo bớt đi bất cứ một thanh dàn thép nào, thậm chí bớt đi một chiếc đinh tán nào trên cầu.

Cầu Tolbiac xây dựng 1877 bị phá hủy 1943 và Tháp Eiffel hoàn thành 1889, sửa chữa lớn 1985.
Cầu Tolbiac xây dựng 1877 bị phá hủy 1943 và Tháp Eiffel hoàn thành 1889, sửa chữa lớn 1985.

Tại những vị trí khác để quan sát cầu Long Biên, đặt trong tương quan của cây cầu với khung cảnh đôi bờ sông Hồng, thụ cảm về cảnh quan khi di chuyển trên cầu, dù chỉ với những cảm nhận thông thường cũng thấy cầu Long Biệt đạt điểm cao hơn nhiều tất cả những cây cầu xây dựng sau này.

Cây cầu với đường sắt dẫn vào ga Hà Nội, vào nội thành, nơi có đủ bộ các công trình hành chính, thương mại, văn hóa, không gian công cộng cùng hàng trăm đường phố, hàng ngàn dinh thự lịch lãm ẩn hiện sau những tán cây xanh rợp… đã làm nên một Hà Nội khác biệt, một thành phố còn tồn giữ khá đồng bộ mẫu hình thiết kế đô thị - thành phố vườn đầu thế kỷ 20, điều mà Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Manila… không còn nữa.

Những nhịp cầu sắt kia duyên dáng khiến bao người thầm phục, có sáng tạo kỹ thuật nào hoà nhập với nhịp điệu không gian nhuần nhuyễn hơn thế? Có biểu đồ chịu lực nào được biểu diễn bằng chất liệu sắt thép uyển chuyển hơn thế?

Cầu Long Biên vượt lên chức năng giao thông trở thành kiệt tác điêu khắc – kiến trúc – kết cấu thép trong cùng một thứ gắn bó với Hà Nội cả trăm năm qua. Cây cầu xứng đáng được coi là một trong những biểu tượng của thành phố luôn dịch chuyển nhưng vẫn đọng lại, ngưng lại những ký ức không tên.

KTS Trần Huy Ánh