Cầu Long Biên có "đáng" để bảo tồn?

(Dân trí) - Điểm nóng dư luận suốt tuần qua vẫn xoay quanh câu hỏi trên. Đa số khẳng định CÓ, nhưng cũng còn một số nói KHÔNG. Để rộng đường dư luận, Dân trí tiếp tục đưa ý kiến độc giả từ cả 2 chiều đối với phương án của Bộ GTVT "di dời" cầu Long Biên.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Những góc nhìn khác

 

Trả lời cho chính câu hỏi mình đã nêu ra ngay phần mở đầu ý kiến phản hồi, Cù Huy Tình  Tinhtinhtangus@yahoo.com diễn giải:  

 

“Cầu Long Biên có đáng để bảo tồn? Cầu được làm từ thời Pháp thuộc, có thể xem là biểu tượng của thuộc địa Pháp lúc bấy giờ. Theo tôi, đấy là lý do tại sao người Pháp ra sức thuyết phục VN bảo tồn cầu Long Biên. Bảo tồn cầu Long Biên để giữ lại di chứng lịch sử: VN từng là thuộc địa của Pháp. Vậy có đáng để bảo tồn? Bảo tồn cầu Long Biên hay là nhấn mạnh với thế hệ sau rằng: VN từng bị Pháp đánh chiếm và đô hộ? Hơn nữa tôi thấy cầu Long Biên phù hợp với kiến trúc HN xưa, còn với đô thị hiện đại ngày nay liệu có còn phù hợp?? Bảo tồn để hàng năm phải tốn tiền vô bổ cho việc bảo dưỡng cầu?? Bảo tồn cầu để làm cầu mới chỗ khác lại tốn tiền tỉ đôla cho giải phóng mặt bằng??? Vậy hỡi quý vị, bảo tồn cầu Long Biên có cần thiết không? Câu trả lời đã quá rõ ràng!!!”

 

Nguyễn Văn Chung nvchung1810@gmail.com nói cụ thể hơn:

 

“Tôi nghĩ cần dũng cảm để phá bỏ cầu Long Biên cũ và thay vào đấy một cây cầu hiện đại. Cảnh quan của sông Hồng đoạn qua Thủ đô HN sẽ rất xấu nếu có quá nhiều cây cầu liền nhau. Tôi nghĩ chừng ấy cầu là đủ rồi, mà nếu chưa đủ thì làm thêm mấy đường hầm qua sông xem ra còn đỡ phá vỡ không gian và cảnh quan của Thủ đô".

 

Nguyễn Thanh Tùng:  thanhtungnd2212@yahoo.co.uk kể một câu chuyện buồn:

 

“Tôi ngày nào cũng đi làm từ phía Long Biên sang nội thành HN, đi qua cây cầu Long Biên lịch sử ngày 2 lần. Nhiều lần đi trên cầu tôi thấy cây cầu gỉ sét, nham nhở, gỉ sắt chảy thành từng dòng ngoằn ngoèo như con rắn, tìm mãi không thấy một đoạn nào không bị gỉ, nhìn thật thê thảm. Không ngờ một biểu tượng của HN được giới thiệu trên từng trang du lịch thế giới lại bị…đối xử tàn tệ đến thế. Nhiều người nước ngoài du lịch đến cây cầu lịch sử là niềm tự hào của VN đều lắc đầu ngao ngán, chắc rằng họ sẽ 1 đến không trở lại. Việc này chắc lãnh đạo HN không biết, vì có bao giờ chịu đi qua cây cầu đó xem nó còn sống hay chết đâu?... Làm sao các vị để ý  đến một di tích sống của lịch sử đang chết dần theo thời gian…?”

 

Người Hà Nội phuongphulam@gmail.com nhìn cây cầu từ một góc khác:

 

“Tôi là người dân HN, cầu Long Biên cũng rất đỗi thân thuộc với đời tôi và gia đình tôi. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì tôi ủng hộ Phương án 2. Tôi nghĩ không có cái gì trường tồn với thời gian cả, cây cầu cũ thân thuộc với thế hệ chúng ta thì cây cầu mới rồi cũng sẽ thân thuộc với thế hệ con cháu chúng ta thôi. Việc xây lại cầu và vẫn đặt tên nó là Long Biên và vẫn gắn với mọi giai đoạn lịch sử, thì tôi nghĩ cũng chỉ có thêm một mốc lịch sử là đã được xây lại vào năm 201x nào đó thôi mà”.

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Quốc hồn, quốc túy

 

Bảo vệ quan điểm chung của đông đảo người dân muốn gìn giữ cầu Long Biên như nguyên trạng, Phú Đức HN ktsphuduc@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Với QUỐC HỒN -QUỐC TÚY của một dân tộc trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại trong lịch sử thế giới hiện đại mà lại nghĩ thế sao? Nó không phải là thanh thép - đinh tán… thô thiển, mà mỗi mm của cây cầu là 1 khúc ca khải hoàn của Chủ nghĩa Anh hùng Dân tộc. Tôi nghĩ có lẽ không đâu trên thế giới này có một công trình hội tụ mọi yếu tố: Kỹ thuật - Mĩ thuật - Công năng - Giá trị Lịch sử - Phong thủy - tính Thời đại… đặc biệt là tính Nhân văn như Cầu Long biên. Hãy dừng ngay ý định di dời này!”

 

Hãy xem tiếp những câu chuyện ngập tràn cảm xúc của lớp lớp fan hâm mộ một cây cầu chứng tích lịch sử, nhất là thế hệ những “người HN hôm nay ra đi, mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ…”

 

“Mỗi lần đi qua Cầu Long Biên lòng tôi lại rưng rưng niềm tự hào. Mặc dù cầu do Pháp xây dựng nhưng nó đã thành 1 phần của lịch sử VN chúng ta. Nó sẽ trường tồn sống mãi qua thời gian… Mong các nhà quản lí hãy nghĩ đến dân, do dân và vì dân một cách chân  chính!” -  Nguyễn Hữu Cương: huucuongqvbn1214@gmail.com

 

“Ngày xưa đi sơ tán, mỗi lần Bố tôi về thăm chúng tôi (Bố tôi làm ở đồn Hàng Đậu), bà tôi lại hỏi: Cầu Long biên có sao không? Biết được cầu không bị bom, khuôn mặt bà rạng rỡ hơn. Không chỉ bà tôi, hàng xóm cũng tranh thủ hỏi về cây cầu. Với mọi người, cầu Long Biên còn là HN còn, là còn niềm tin về chiến thắng của đất nước… Quả thực chỉ mới nghe tin cầu Long Biên có thể sẽ không còn nguyên bản ở đó nữa, tôi đã băn khoăn: thật hay là… ác mộng? (Tôi không đủ sức để diễn tả sự đau đớn trước tin này để mọi người hiểu. Xin cáo lỗi)” – Triệu Dung HN:  dungminhkhai@gmail.com

 

“Cả Trung Đoàn Thủ đô đã đi dưới cây cầu này thoát ra khỏi vòng vây của Pháp năm 1947, khi quân Pháp đóng quân trên cầu. Cầu phải giữ nguyên vị trí vì đã đánh dấu 1 phần lịch sử kháng chiến chống Pháp tại liên khu I” - Việt Dũng: bachcoc9@gmail.com

 

“Tôi là người dân miền Trung, nhưng với HN tôi vẫn luôn tâm niệm: đó là trái timVN. Tôi được biết cầu Long Biên là môt trong những cây cầu có ý nghĩa lịch sử gắn liền với dân tộc ta và nhất là với Thủ đô HN. Vì vậy việc giữ gìn nó với tư cách là một di tich lịch sử hết sức cần thiết. Bởi thế tôi đề xuất nên để nguyên vị trí và hiện trạng cây cầu Long Biên. Có 02 phương án đề xuất cá nhân: 1. Nâng cấp cầu nhưng phải giữ nguyên những nét gắn liền lịch sử; 2. Xây dựng cầu mới ở một vị trí không ảnh hưởng đển giá trị lịch sử của cầu cũ và cầu cũ vẫn giữ nguyên vị trí, hiện trạng” - Nguyễn Văn Vững:  vungtt1978@yahoo.com.vn

 

“Đây liệu đã là bài toán cho những người làm công tác đầu tàu!? Còn theo tôi - một người thuộc thế hệ trẻ 8X, cầu Long Biên không hề chịu áp lực về giao thông khi thành phố phát triển về phía tây. Sự tồn tại của nó hiện tại vẫn mang tính biểu trưng, nếu không tính tuyến đường sắt mà các nhà quy hoạch mấy cái cầu qua sông Hồng không tính tới,  nếu như di dời cầu, xây mới thì tôi thấy như… các "nghệ sỹ thoát xác" - Trần Yên:  Tranyennt@gmail.com

 

“Cầu Long Biên, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương và cầu Nhật Tân . 4 cây cầu đều hướng vào khu Phố Cổ của HN. Có thể trong tương lai, giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc của cầu Long Biên sẽ hơn gấp nhiều lần là giá trị sử dụng cho giao thông. Việc di dời hoặc phá dỡ cầu Long Biên để thay vào đó là một cây cầu mới sẽ làm mất đi một góc HN xưa và không thiết thực” - Lê Sự Thật:  Suthat100@gmail.com

 

Ý dân là vậy, nhưng với cách làm thông thường rất hay gây… bất ngờ của HN, dư luận không dè chừng thì có khi…chẳng biết đâu mà lần!

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm