“Muốn bảo tồn cầu Long Biên phải xây cầu mới vượt sông Hồng”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 3 phương án về cầu Long Biên mới đưa ra được xây dựng theo đề nghị của Hà Nội. Bộ đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu mới song song với cầu cũ để hài hòa giữa bảo tồn và đảm bảo giao thông.

Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên và xây dựng cầu mới vượt sông Hồng mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Trước hết phải xác định nhu cầu giao thông ở đây là hết sức cần thiết và phù hợp với quy hoạch trong nhiều thập kỷ rồi chứ không phải bây giờ mới có, vì vậy chắc chắn phải có vị trí để vượt sông Hồng.

Bộ GTVT cho rằng điều quan trọng nhất trong vấn đề này là một tuyến hành lang vận tải quan trọng, thứ 2 là Bộ GTVT rất tôn trọng ý kiến bảo tồn một công trình mang nhiều dấu ấn văn hóa và lịch sử nên phải bảo tồn cầu Long Biên trong bất kỳ phương án nào.

Giới sử học, văn hóa, kiến trúc đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau đứng về quan điểm lợi ích của lĩnh vực đó, nhưng với giao thông thì phải có cách nhìn khác hơn, vậy ông nghĩ sao?

Họ nêu ý kiến rất đúng và mình phải tôn trọng, vì cầu Long Biên là hình ảnh đã đi vào lòng người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Trong các phương án đưa ra chúng tôi đều phải nghĩ tới chuyện bảo tồn cầu Long Biên. Tuy nhiên, để đi đến kết luận cho vấn đề này thì phải lấy ý kiến đa chiều và hướng tới mục tiêu chung là giao thông thông suốt, giữ được hình ảnh cầu Long Biên nhưng giữ được ở mức độ nào thì phải nghiên cữu kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Để không đụng đến cầu Long Biên thì Bộ GTVT nghiêng về phương án trước kia đã xây dựng là dịch xa ra 30m và kiến trúc xây dựng cầu mới làm sao phải hài hòa và không làm ảnh hưởng tới kiến trúc của cầu cũ, và cầu cũ vấn tiếp tục khôi phục để bảo tồn. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần phương án này nhưng Hà Nội và các cơ quan đơn vị khác đều cho rằng cần nghiên cứu thêm về phương án trùng tim với cầu cũ, đó là lí do có 3 phương án như vừa rồi.

Được biết Bộ GTVT đã từng kiến nghị những phương án khác và Chính phủ từng duyệt dự án khả thi trong vấn đề cầu Long Biên, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy. Để vượt sông Hồng thì Bộ GTVT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, trước kia có quan điểm là xây dựng trùng vào cầu cũ, nhưng sau đó có ý kiến giữ lại để bảo tồn, Bộ GTVT đã nghiên cứu ý kiến đó và nghiên cứu tuyến tránh 30m, 50m, 100m và trong vòng 200m trở lại nhưng tách ra khỏi cầu cũ và giữ lại cầu cũ để Hà Nội có các phương án nâng cấp, bảo tồn. Khi đó, phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m đã được Hà Nội đồng ý rồi trình Chính phủ và Chính phủ đã duyệt dự án khả thi.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau khi xây dựng cầu mới song song sẽ làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu cũ nên đề nghị nghiên cứu dịch ra khoảng 200m và cuối cùng phương án dịch ra khoảng 186m là hợp lí, thế nhưng do vấn đề xã hội về giải phóng mặt bằng nên Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án trùng tim của tuyến cũ.

Với 3 phương án mới đưa ra, vừa phải bảo tồn vừa phải phục vụ khai thác theo mong muốn Hà Nội thì điều này có phải là khó?

Không phải là khó mà là rất khó. Vì trước hết phải đặt vấn đề là cầu cũ đã rất cũ nên phải có gia cố, tăng cường; thứ 2 là công năng cũng phải thay đổi để thông thủy đảm bảo an toàn. Ở đây nếu vừa xây dựng vừa bảo tồn thì phải có sự tôn tạo nhất định để đảm bảo công năng khai thác, còn nếu muốn trùng tim mà lại không cho làm gì để bảo tồn y nguyên như ngày xưa thì không được vì nó phải đảm bảo giao thông (đường sắt đôi).

Theo Bộ GTVT, phải có cầu Long Biên mới thì mới giải quyết được bài toán
Theo Bộ GTVT, phải có cầu Long Biên mới thì mới giải quyết được bài toán bảo tồn và đảm bảo giao thông

Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng nghiêng về bảo tồn hay quan tâm hơn tới việc tổ chức giao thông tại đây?

Phải nói rằng cần đảm bảo hài hòa giữa 2 yếu tố bảo tồn và đảm bảo giao thông. Nhưng với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội thì việc tổ chức giao thông tại đây là rất cần thiết. Dân số Hà Nội quá đông nên nếu không làm tuyến giao thông thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại. Tại đây, giao thông đã được hoạch định từ rất lâu, nên để giải quyết được vấn đề này thì cần phải tìm được vị trí cầu phù hợp. Đây là vấn đề cấp bách trong nhiều năm qua.

Tức là Bộ GTVT muốn xây một cầu đường sắt mới vượt sông Hồng?

Bộ GTVT vẫn kiến nghị xây dựng cầu mới cạnh cầu cũ. Chắc chắn phải xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng nhưng xây dựng ở vị trí nào thì phải nghiên cứu để có câu trả lời. Là tuyến đường sắt số 1, tức là tuyến quan trọng số 1 của Hà Nội nên việc dịch chuyển và tìm vị trí xây dựng cũng không thể quá xa so với cầu cũ để đảm bảo việc đi lại thuận lợi và phạm vi ảnh hưởng.

Nhật Bản đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam vay một khoản tiền để làm tuyến này, phía Nhật cũng đề nghị chúng ta phải xác định nhanh vị trí xây cầu để thực hiện dự án.

Nhưng nếu Hà Nội vẫn quyết một trong các phương án trùng với tim cầu cũ thì sao thưa Thứ trưởng?

Về quyết định cho vấn đề cầu Long Biên, Bộ GTVT là đơn vị nghiên cứu phương án nhưng phải có ý kiến thống nhất của Hà Nội, sau đó trình Chính phủ quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 
 
Các phương án di dời, bảo tồn cầu Long Biên do Bộ Giao thông vận tải đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Vậy theo bạn:
Tháo dỡ, di dời cầu Long Biên là làm biến mất giá trị lịch sử
Nên tháo dỡ, di dời cầu nếu điều này mang lại nhiều lợi ích thực tế
Ý kiến khác
  

Châu Như Quỳnh