Bạn đọc viết:
Bốc thuốc chữa bệnh "chặt chém"
(Dân trí) - Tình trạng "chặt chém" du khách mỗi dịp lễ, hội ở VN có thể nói nó là căn bệnh nan y và chưa có thuốc chữa. Nhưng theo tôi, để chấn chỉnh tình trạng này không khó nếu chúng ta chịu làm và làm quyết liệt, nghiêm túc. Tôi đề xuất các giải pháp sau:
1/. Đối với người mua bán lẻ:
Bắt buộc công khai thông tin đơn giá hàng hóa (mà người bán cần bán) cho khách biết, xem đây là điều kiện bắt buộc khi hành nghề. Người bán phải đeo thẻ, trong đó ghi đầy đủ các thông tin về tên tuổi, phạm vi hành nghề...
+ Nếu vi phạm lần đầu (thiếu các quy định trên) hoặc bán hàng không đúng giá niêm yết ("chặt chém"), thì cơ quan quản lý du lịch (hay cơ quan cấp thẻ hành nghề cho người bán) có quyền nhắc nhở hoặc phạt cảnh cáo người bán.
+ Nếu vi phạm lần thứ 2 thì cơ quan quản lý du lịch (hay cơ quan cấp thẻ hành nghề cho người bán) có thể tước thẻ hành nghề đối với người bán trong thời hạn nhất định, kèm theo hình phạt bổ sung như phạt tiền trị giá 20 lần số tiền “chặt chém” đó.
+ Nếu vi phạm lần thứ 3 thì bị tước thẻ hành nghề và phạt tiền trị giá 50 lần số tiền “chặt chém” đó, đồng thời thông báo về địa phương để bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
2/. Đối với cơ quan quản lý du lịch, cơ quan quản lý nhà nước (cấp thẻ hành nghề cho người dân):
+ Cần nắm bắt thông tin kịp thời của người dân có nhu cầu bán hàng để xem xét điều kiện cho họ hành nghề.
+ Giám sát, theo dõi các diễn biến, kịp thời can thiệp và xử lý các hành vi có dấu hiệu “chặt chém” khi du khách phản ánh.
+ Công khai các số điện thoại nóng cho du khách biết để kịp thời phản ánh (cần có người trực thường xuyên và phản hồi tức thì).
+ Cần tiến tới sớm thành lập Cảnh sát Du lịch chuyên nghiệp.
3/. Đối với các đơn vị, tổ chức bán hàng cho du khách:
Áp dụng tương tự như đối với người mua bán lẻ, nhưng mức độ chế tài cao hơn. Và người đứng đầu đơn vị, tổ chức bán hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chẳng hạn như về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác... nếu vi phạm.
Nguyễn Hồng Thời