Bạn đọc viết:

Bất hợp lý đèn tín hiệu và bùng binh

(Dân trí) - Đường Hà Nội xung đột quá nhiều… Các bùng binh và hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhìn chung giờ đây không còn hợp lý, khi các phương tiện giao thông bùng nổ quá nhanh. Nhiều bùng binh là rào cản gây ách tắc, xung đột. Đèn tín hiệu cần phải chuẩn, nhịp nhàng…

Hiện có nhiều người HN cho rằng: nhiều đoạn nếu cứ để người dân đi tự do không có đèn xanh đèn đỏ, thì lại có thể thoát đường nhanh hơn là có đèn tín hiệu... Theo tôi, điều đó chứng tỏ ý thức người dân không phải là kém đến mức không biết đâu là đúng sai của luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên qua thực tế, từ một vài ngã tư có đèn tín hiệu trong 36 phố cổ (vì cố đường thoát bàn cờ) so với các con đường mà chúng ta làm mới thời gian gần đây, thì có thể thấy việc sử dụng đèn tín hiệu và đặt thời gian của các hệ thống đèn này hoàn toàn chưa hợp lý, thậm chí có thể nói là không khoa học.

 

Chúng ta vẫn theo đuổi tư duy cứ ngã ba, ngã tư nào hơi rộng một tý là phải có bùng binh hoặc vòng xuyến, để buộc các phương tiện phải đi vòng qua vòng xuyến mới được trở về hướng mình muốn đi. Chính vì các phương tiện qua vòng xuyến rất mất nhiều thời gian, nên không những không thoát mà thậm chí còn làm ách tắc xung đột ngay trong lòng vòng xuyến.

 

Trước đây khi dân số và phương tiện còn ít, thì việc đặt vòng xuyến không những làm đẹp ngã tư và những ngày lễ tết có thể kết hợp làm trang trí đèn hoa. Tuy nhiên khi giờ đây các phương tiện giao thông bùng nổ quá nhiều, thì chính những bùng binh này lại là rào cản và là một nguyên nhân gây ách tắc và xung đột tại ngã tư. Vì các phương tiện phải đi vòng úp trái vào nhau rồi mới thoát được về hướng mình định đi.

 

Vậy qua đây tôi xin góp một vài ý kiến để nhằm góp phần giải tỏa phương tiện ở ngã tư và hạn chế xung đột tại đây. Một thành phố văn minh thì tất cả các phương tiện lưu thông trên đường đều được điều chỉnh bằng hệ thống đèn tín hiệu, mọi người tuân thủ theo tín hiệu giao thông để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, hệ thống đèn tín hiệu giao thông phải cực kỳ chuẩn và nhịp nhàng theo đúng quy luật của nó. Cụ thể:

 

1/.  Đã là đèn tìn hiêu phải có đầy đủ ba loại đèn: Xanh để đi - Vàng để báo - Đỏ để dừng.  Phần lớn đèn của HN thường chỉ dùng Xanh rồi Đỏ ngay hoặc Đỏ rồi Xanh tức thì mà ít khi dùng đèn Vàng. Do vậy, các phương tiện đang đi cuối cùng của đèn Xanh thường chưa thoát ra hết trung tâm ngã tư, đã bị luồng xe của hướng khác cắt ngang - đó chính là xung đột.

 

Vì vậy yêu cầu ở đây là phải duy trì đèn Vàng để cắt hết đuôi, rồi mới bật đèn Xanh của dòng tiếp theo. Điều kiện tiên quyết ở đây là phải duy trì bằng được hệ thống đèn VÀNG - nó chính là tác nhân rất quan trọng để tránh xung đột thường xảy ra khi phương tiện đã hết đèn xanh và phương tiện nhập mới vào ngã tư.

 
Bất hợp lý đèn tín hiệu và bùng binh - 1
Kẹt xe kéo dài tại bùng binh Khuất Duy Tiến, HN (ảnh: oto.com.vn)
 

2/. Tuyệt đối không bố trí 2 hệ thống đèn Xanh ngược nhau được đi thẳng và rẽ trái cùng một lúc. Mà phải bố trí một trong ba tình huống sau:

 

a -  Đèn Xanh duy nhất: Phương tiện cùng một lúc ở hướng đèn Xanh này được chạy thẳng và được phép rẽ trái (tức là lúc này ở ngã tư chỉ có một hướng đèn được đi, còn lại 3 hướng kia phải chờ - như ở Ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh - Daewoo vừa mới chỉnh thế là phù hợp).

 

b - Đèn Xanh 2 hướng ngược chiều nhau: Chỉ để phục vụ cho một làn phương tiên ngược chiều cùng được đi, nhưng chỉ được đi thẳng hoặc rẽ phải - Phương tiện muốn rẽ trái, phải đợi, chưa được đi.

 

c- Đèn Xanh 2 hướng ngược chiều nhau: Chỉ để cho phương tiện 2 hướng ngược nhau được rẽ trái - nhưng lưu ý ở đây khi phương tiện rẽ trái thì tránh nhau phía tay phải (nếu có bùng binh, nên bỏ bùng binh đi để phương tiện có thể cắt ngang mặt ngã tư mà không phải đi vòng qua bùng binh này). Như vậy sẽ không tạo xung đột giữa ngã ba, ngã tư.

Với kiểu bố trí đèn tín hiệu thế này, tôi tin chắc rằng có những cái lợi sau:

 

+ Chắc chắn giảm tối đa xung đột ở ngã ba, ngã tư. Người tham gia giao thông sẽ phải đi và đứng đợi đúng làn đường của mình, nếu đứng sai sẽ không đi được. Giảm thời gian các phương tiện khi vượt qua ngã tư, giảm bớt lực lượng CSGT phải trực tiếp điều hành giao thông. Mà lúc này chức năng của CSGT sẽ là duy trì và tìm bắt phạt những người đứng hoặc đi sai làn đường gây ra.

 

+ Với kiểu bố trí đèn tín hiệu như thế này,  nhiều nước trên thế giới đã áp dụng ngay ở các quảng trường rộng lớn hơn bùng binh Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến của chúng ta rất nhiều, mà các phương tiện vẫn không bị xung đột gây ách tắc.

 

Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên mạnh dạn xóa bỏ những bùng binh không những gây rối mắt trong TP mà còn tại ở các ngã tư, để có được không gian thoáng đãng. Như vậy,  không những tạo ra không gian rộng mà hiệu quả hơn là các phương tiện không phải bò như rùa quanh quẩn qua bùng bình, vừa mất thời gian thoát ra lại vừa gây ùn tắc, xung đột.

 

Tôi xin đóng góp sự hiểu biết nhỏ bé của mình, mong các vị quan tâm và hầu mong HN chúng ta sẽ giảm bớt được những điểm nóng về giao thông. Xin cảm ơn.

 

Trường Huy 

email:  truonghuy61@yahoo.com