Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Làm Bộ trưởng không thể… chần chừ”

(Dân trí) - “Người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm hành động. Trách nhiệm của tôi là làm sao kết nối các tư lệnh ngành cùng thực hiện tinh thần đó. Mình không thể nào chần chừ trước guồng máy, chần chừ trước yêu cầu của xã hội, người dân…” - tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dành cho báo chí một cuộc trao đổi cởi mở trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ.

Không chấp nhận cán bộ giỏi mà “đánh võng”, cửa quyền

Trước hết, xin chúc mừng thành công của Bộ trưởng. Tiếp quản một vị trí mà nhiều người tiền nhiệm của ông được đánh giá cao, ông suy nghĩ gì?

Việc các đồng chí tiền nhiệm làm tốt là áp lực rất lớn đối với tôi. Cái khó của tôi là quá trình công tác gắn liền với địa phương còn ở Văn phòng Chính phủ là tầm vĩ mô, liên quan đến các vấn đề quốc gia, quốc tế nên tôi thường nói về mình là "từ ngòi ra biển".

Tất nhiên, khó có thể tránh khỏi những vấp váp nhưng tôi chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, làm bằng cái tâm, bằng trách nhiệm.

Ông Mai Tiến Dũng vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông sinh năm 1959. Quê quán: Xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Là Thạc sỹ Kinh tế, Đại học Luật. Cao cấp lý luận chính trị.

Ông từng kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.

Ở địa phương, tôi cũng thường nói với anh em là đừng để bị chê trách là thiếu trách nhiệm. Mình chỉ có thể bị góp ý là hạn chế về năng lực chứ không thể có năng lực mà thiếu trách nhiệm. Bị phê bình thiếu trách nhiệm nghĩa là mình lỗi vì nếu có việc chưa biết, chưa hiểu, hoặc hiểu nhưng cách làm chưa đạt hiệu quả cao nhất thì còn thông cảm được chứ nếu giỏi mà “đánh võng”, cửa quyền, mặc cả là không chấp nhận được.

Nhắc đến tinh thần trách nhiệm, việc chuyển đổi từ vai trò một Bí thư tỉnh ủy, quyết định tập thể, chịu trách nhiệm tập thể, sang một tư lệnh ngành, chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi quyết định của mình, Bộ trưởng có thấy áp lực?

Đây đúng là tâm tư, băn khoăn lo lắng nhất của tôi. Nhận nhiệm vụ mới, được phê chuẩn vào chức vụ này này là một vinh dự lớn với tôi nhưng rõ ràng là luôn có những thách thức, khó khăn. Trước đây là Bí thư một tỉnh, hoạt động mang tính tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhưng trên cương vị mới, tôi phải làm việc với tinh thần trách nhiệm là của cá nhân người thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan.

Tuy nhiên, tôi có lòng tin hơn cả là tập thể lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng và các cộng sự sẽ giúp tôi và Văn phòng Chính phủ vượt qua, biến chúng thành cơ hội.

Tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Khó tránh khỏi vấp váp nhưng tôi sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ bằng cái tâm, bằng trách nhiệm của mình.
Tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Khó tránh khỏi vấp váp nhưng tôi sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ bằng cái tâm, bằng trách nhiệm của mình".

Nói về những kỳ vọng với các Bộ trưởng trước khi bỏ lá phiếu phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội đều chia sẻ sự trông đợi, yêu cầu cao về tư duy đổi mới và tinh thần hành động, vì dân. “Hành động”, “quyết đoán” cũng là những từ được tân Thủ tướng nhắc đến trong phát biểu sau khi nhậm chức. Là một tư lệnh ngành được Thủ tướng lựa chọn, Quốc hội chấp thuận, ông cảm nhận về đòi hỏi đó thế nào?

Điều đó thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao kết nối các tư lệnh ngành, các bộ, các địa phương, để thực hiện tinh thần đó. Mình không thể nào chần chừ trước guồng máy thời hội nhập quốc tế, chần chừ trước yêu cầu của xã hội, người dân mong muốn đất nước có sự tăng trưởng bền vững và nhanh chóng. Mình không thể nào ngồi chờ.

Chúng tôi sẽ phải tạo sự kết nối, cung cấp thông tin, thường xuyên báo cáo tiến độ công việc của bộ ngành địa phương để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công việc sát hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu tinh thần chỉ đạo rất rõ ràng, Chính phủ mới trước hết phải đoàn kết, nhất trí, hành động phải quyết liệt, lấy hiệu quả hiệu lực làm gốc, mục tiêu sau cùng là vì cuộc sống của người dân. Tất cả thống nhất tâm nguyện như thế nên tôi nghĩ đơn giản nhiệm vụ của mình là cần quy tụ sự đoàn kết trong tập thể văn phòng Chính phủ với tinh thần trung thành, tận tụy, cần mẫn, chịu khó, đoàn kết, kỷ cương.

Văn phòng Chính phủ không phải cơ quan “siêu bộ”

Việc chuyển giao sớm lần này được cho là một cơ hội để các Bộ trưởng nhanh chóng bắt tay vào công việc đồng thời tạo ra một bước thử thách. Trong ba tháng tới, khi bước vào nhiệm kỳ mới, Quốc hội khoá XIV sẽ bầu, phê chuẩn lại các chức danh. Trong 3 tháng thử thách này, Bộ trưởng muốn thể hiện hình ảnh của mình như thế nào để thuyết phục Quốc hội và cử tri?

Chủ trương kiện toàn sớm bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ được cử tri, nhân dân và đảng viên cả nước hoan nghênh và quan tâm. Đây là áp lực, thử thách của tất cả các thành viên Chính phủ nhưng cũng là cơ hội tốt nhất để được bắt tay, tiếp cận, nắm bắt và thực hiện công việc của mình.

Tôi chắc chắn là đồng chí nào cũng đều có chương trình hành động, có những suy nghĩ, tâm tư, lo lắng... Nhưng lo lắng mới là tốt. Nếu ai cũng bảo "cái này tôi làm ngon" thì không hẳn đã là tốt.

Cá nhân tôi chỉ đau đáu làm sao thực hiện tốt được chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ, gồm 3 việc: tham mưu, tổng hợp và cải cách thủ tục hành chính - làm sao đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Là cơ quan tham mưu tổng hợp, thực hiện làm nhiều việc giúp cho Chính phủ, có thể mọi người sẽ cảm thấy Văn phòng Chính phủ cũng như người đứng đầu đơn vị sẽ trầm lắng hơn các Bộ, các tư lệnh ngành phải va chạm thực địa nhiều hơn. Vậy ông chọn vấn đề gì để đột phá?

Sau khi được bầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 nhiệm vụ ưu tiên. Đó chính là chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên mà Thủ tướng đã đặt ra. Trách nhiệm của tôi là làm tốt việc đó.

Dư luận trước giờ cho Văn phòng Chính phủ là một cơ quan siêu bộ, là cửa khó qua đối với nhiều doanh nghiệp, địa phương và thậm chí là các bộ ngành khác. Bộ trưởng dự định thay đổi thế nào để gạt bỏ được suy nghĩ áp đặt đó?

Nhiều người lấy đó làm câu cửa miệng chứ thực ra không phải, cũng như ở địa phương, Văn phòng UBND tỉnh không phải là cơ quan “siêu sở”.

Nói như vậy là vì người ta chưa hiểu hết chức năng nhiệm của Văn phòng Chính phủ. Khi Thủ tướng giao cho các bộ chuyên ngành chuẩn bị các đề án, chương trình thì Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa các bộ, ngành chủ trì đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, "siêu bộ" nhưng bản chất vấn đề không phải như thế. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến kinh tế, xã hội. Đó là những vấn đề vĩ mô chứ không chỉ mang tầm một doanh nghiệp, một địa phương nên phải cân nhắc, xử lý một cách tổng thể để đưa ra tham mưu chính xác, không được để xảy ra sơ sảy. Vì thế phải làm theo quy trình, không thể làm tắt được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ trưởng thành công!

P.Thảo