Sửa Hiến pháp: Cần “quy” được trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo

(Dân trí) – “Trước nay, vì quy định địa chỉ trách nhiệm không rõ ràng nên hiệu quả công việc chưa cao. Lãnh đạo có nhận lỗi cũng là kiểu “lỗi trách nhiệm chính trị”, lỗi tập thể mà không quy được đến cá nhân nào” – đại biểu Bùi Thị An nêu yêu cầu sửa Hiến pháp.

Ngày 6/11, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được tổ chức thảo luận, cho ý kiến ở các tổ đại biểu Quốc hội.

Tăng hơn nữa quyền lực của Chủ tịch nước

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo giải thích, Hiến pháp 1992 được sửa theo hướng, về bộ máy nhà nước, Quốc hội vẫn được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.

Chính phủ thay vì “định danh” là cơ quan hành pháp sẽ được quy định lại là cơ quan thực hành quyền hành pháp. Việc chỉnh quy định tạo ra địa vị pháp lý đặc trưng của cơ quan này, tạo ra thế chủ động trong hoạch định chính sách chứ không chỉ là hoạt động điều hành bị động như trước.
Sửa Hiến pháp: Sao “quy” được trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo
Đại biểu Bùi Thị An: "Vì quy định địa chỉ trách nhiệm không rõ ràng nên hiệu quả công việc không cao".

Về Chủ tịch nước, ông Thảo cho rằng, chế định này bao trùm lên cả 3 nhánh quyền lực. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, người đại diện tối cao của nhà nước về đối nội, đối ngoại, có 1 số quyền về hành pháp, tư pháp.

Những quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung để tăng quyền cho Chủ tịch nước, trước hết là thẩm quyền phong hàm sỹ quan cấp tướng, phó đô đốc, đô đốc hải quân… theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, nội hàm là để củng cố vị trí người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh quốc gia của Chủ tịch nước. Hiện tại, Chủ tịch nước chỉ phong hàm thượng tướng trở lên, hàm thiếu tướng, trung tướng vẫn do Thủ tướng thực hiện.

Trong quan hệ với Chính phủ, dự thảo bổ sung quy định Chủ tịch nước có quyền tham gia các phiên họp của Chính phủ, có quyền yêu cầu Thủ tướng triệu tập cuộc họp trong nội các về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước… “Điều này có nghĩa, Chủ tịch nước sẽ ngồi ghế chủ tọa, chủ trì phiên họp mà mình yêu cầu triệu tập đó. Việc này cụ thể, rõ ràng hơn hẳn quy định hiện hành” – ông Thảo giải thích. Theo hướng tổ chức mới này, việc phân công kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước ở TƯ đã thể hiện rõ hơn.

Đại biểu Bùi Thị An đặt vấn đề, dù thể chế chính trị không phải như mô hình “tam quyền phân lập” nhưng cũng phải làm sao phân công quyền lực rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng vị trí chức danh lãnh đạo để việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật cho tốt.

“Trước nay, vì quy định địa chỉ trách nhiệm không rõ ràng nên hiệu quả công việc chưa cao. Rồi khi lãnh đạo có nhận lỗi cũng là kiểu “lỗi trách nhiệm chính trị”, lỗi tập thể mà không quy được đến cá nhân nào” – bà An phân tích

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng băn khoăn về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác của nhà nước. Hiến pháp 1992 thể hiện nội dung này “mờ nhạt” hơn nhiều so với Hiến pháp 1946 (xác định Chủ tịch nước là người đứng đầu cơ quan hành pháp), Hiến pháp 1980 (Chủ tịch nước là Chủ tịch tập thể Hội đồng nhà nước). Ông Quyền khuyến cáo cần nghiên cứu lại chế định này một cách bài bản

Ông Quyền cũng chỉ ra về sự “chồng lấn” giữa thẩm quyền của Chủ tịch nước và Quốc hội, trong việc phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định quốc tế. Ông Quyền cho rằng hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng trường hợp phê chuẩn nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, trường hợp nào thuộc Chủ tịch nước. Việc này trước nay chỉ “phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chủ tịch nước”.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son tán thành nhận xét của ông Quyền. Ông Son phân tích, trong các nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua, ngoài Chủ tịch nước Lê Đức Anh, các Chủ tịch nước chỉ phụ trách lĩnh vực tư pháp. Đại biểu đề xuất tăng hơn nữa quyền lực cho Chủ tịch nước khi sửa Hiến pháp lần này.

Ghi nhận quyền con người sống ở Việt Nam
 
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Quyền con người sẽ mở rộng hơn.
 
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: "Quyền con người sẽ mở rộng hơn".

Một nội dung cũng được đánh giá là điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này là quy định về quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) trình bày, ở Hiến pháp 1992, quyền con người trùng với quyền công dân. Nhưng lần này đã có sự phân biệt rõ, ví dụ người nước ngoài sinh sống trên đất nước Việt Nam thì quyền con người của họ cũng được ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khái quát, chương về quyền và nghĩa vụ công dân được mở rộng hơn theo hướng tăng thêm và mở rộng thêm quyền con người. Đây là một chương quan trọng trong Hiến pháp. Trong dự thảo, chương được đổi tên thành: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và được đưa lên vị trí thứ hai, sau chương Chế độ chính trị.

Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cũng nhấn mạnh, Hiến pháp đã xác định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân. Dân ủy quyền cho Quốc hội, dân cũng đặt ra các định chế cho nhà nước nên tất cả đều phải chịu sự giám sát của dân, kể cả tổ chức Đảng và Đảng viên.

Ông Hùng khẳng định: “Bản Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ là cái khung cơ bản thể hiện rõ quyền lực của dân, của các định chế chính trị. Tiếp đó, những vấn đề cụ thể sẽ dần được luật hóa”.

Ngoài ra, theo Chủ tịch QH, Hiến pháp sửa đổi cũng bổ sung nhiều nội dung mới về vấn đề bảo vệ an ninh, chủ quyền, chẳng hạn các phần về nghĩa vụ quốc tế, hoặc góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lập luận, Hiến pháp nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ đều khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”, vấn đề là thể hiện dưới góc độ nào.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định thực hiện quyền của công dân thông qua chế độ dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, “nội hàm của dân chủ trực tiếp trong bản dự thảo còn nghèo nàn. Một hình thức thể hiện được quy định là thông qua trưng cầu dân ý nhưng lại không nêu trường hơp nào trưng cầu dân ý, rất khó đi vào thực tế” – ông Quyền phân tích.

Trong khi đó, một quyền cơ bản của người dân là quyền sở hữu tài sản, ông Quyền cho là vẫn chưa được đề cập thỏa đáng. Việc này liên quan đến quy định về quyền sử dụng đất đai, theo ông Quyền cũng là một quyền tài sản, bất khả xâm phạm và có ảnh hưởng, chi phối tới nhiều vấn đề khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cũng cho rằng quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn mờ nhạt, chưa rõ ràng. Để người dân thực sự làm chủ thì phải quy định rõ hơn nữa về quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân.

Cũng theo đại biểu, dự thảo quy định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa đủ, cần bổ sung thêm vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân, vốn đã được xác định tại Hiến pháp 1946.
 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.

Bên cạnh các quan điểm đồng tình, nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua kinh tế nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đã và đang phát triển mạnh đóng góp lớn cho nền kinh tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

P.Thảo