Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện mang tính nhân dân

(Dân trí) - Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định giám sát của Mặt trận là “mang tính Nhân dân” nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, nhân rộng những nhân tố mới; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Dự án Luật Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo tại nghị trường Quốc hội hôm nay 21/5 đã thu hút sự quan tâm và góp ý của rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Nhìn chung, ý kiến của các vị ĐBQH đều tán thành sự cần thiết phải quy định trong Dự thảo Luật về hoạt động giám sát của MTTQVN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ tính đặc thù trong hoạt động giám sát của Mặt trận; làm rõ tính chất giám sát của MTTQVN là “mang tính Nhân dân”; quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện giám sát, giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị giám sát; trách nhiệm, chế tài đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ủy ban MTTQVN sau giám sát.

Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, Dự thảo Luật đã xác định giám sát của Mặt trận “mang tính nhân dân” nhằm góp phần kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm; phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

“Do hoạt động giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận không mang tính quyền lực nhà nước, kết quả giám sát của Mặt trận được thể hiện thông qua kiến nghị với cơ quan nhà nước để xử lý sai phạm, khuyết điểm, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống” - UBTVQH nêu rõ.

Dự án Luật MTTQVN được báo cáo tại nghị trường Quốc hội ngày 21/5 (Ảnh: Việt Hưng)

Dự án Luật MTTQVN được báo cáo tại nghị trường Quốc hội ngày 21/5 (Ảnh: Việt Hưng)

Với tính chất như vậy, UBTVQH đã cho chỉnh lý Dự thảo Luật để quy định rõ hơn về chủ thể, phạm vi giám sát, đối tượng, nội dung giám sát; chỉnh lý các quy định về hình thức giám sát cho phù hợp với vị trí, vai trò của Mặt trận; quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của MTTQVN trong hoạt động giám sát cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giám sát (từ Điều 25 đến Điều 29) để tránh trùng lặp với giám sát của cơ quan dân cử.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN, một số ý kiến đề nghị MTTQVN cần phản biện cả chủ trương, chính sách hiện hành, các chương trình, kế hoạch, đề án… ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng phản biện của Mặt trận quá rộng và không khả thi. Cần quy định theo hướng đối tượng, phạm vi phản biện của Mặt trận là các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có quy mô lớn, có tính chất quan trọng. Đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN; phân biệt phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật với việc Mặt trận góp ý tham gia xây dựng pháp luật.

Phản hồi về những ý kiến nói trên, UBTVQH cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy định như vậy là phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua, bảo đảm mục đích của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, giá trị pháp lý, trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội. Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý và trả lời sau phản biện; không nên quy định “khi có yêu cầu” thì MTTQVN mới thực hiện phản biện xã hội.

Theo UBTVQH, MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQVN đã là tổ chức đại diện rộng rãi cho các tầng lớp Nhân dân.

Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: MTTQVN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân của MTTQVN được thể hiện rõ nét hơn.

Vai trò đại diện của MTTQVN là đại diện mang tính Nhân dân, trực tiếp, khác với vai trò đại diện của cơ quan dân cử mang tính quyền lực Nhà nước. Chức năng đại diện cho Nhân dân của Mặt trận và cơ quan dân cử là khác nhau, không chồng chéo, mâu thuẫn nhau mà đều hướng tới mục tiêu chung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Châu Như Quỳnh