Hồ Chủ tịch nhận nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội

(Dân trí) - 69 năm trước, chỉ 1 ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất quyết yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước, bầu ra Quốc hội khoá I. Và tại phiên chất vấn đầu tiên của quốc dân đại hội, Bác Hồ đăng đàn trả lời hàng loạt chất vấn của các đại biểu đại diện cho nhiều lực lượng khác nhau…

Trở lại bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 (ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công), PGS.TS Bùi Xuân Đức nhấn mạnh, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 để bầu Quốc dân đại hội. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, theo đó, đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.

Tính chung cả nước, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 89% vượt xa quy định trong thể lệ đề ra trước đó là phải có ít nhất ¼ số cử tri đi bầu. Quốc hội hình thành với 333 đại biểu, trong đó 57% đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái.

Ông Bùi Xuân Đức phân tích, cuộc tổng tuyển cử này, tuy là lần đầu tiên nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới:  tự do bầu cử, ứng cử của công dân (tượng tự bầu cử phổ thông), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất cứ một nước dân chủ nào cũng có thể làm được ngay từ đầu.

Để cuộc bầu cử thực sự dân chủ, PGS.TS Đức nhắc đến quy định để cho các ứng viên được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình thể hiện trong Sắc lệnh số 72 về quy chế cuộc bầu cử. Cụ thể, từ Điều 3 đến Điều 6 của Sắc lệnh quy định: được tự do vận động những cuộc vận động không trái với nền cộng hoà; Những cuộc hội họp để vận động tuyển cử (diễn thuyết, giới thiệu những người ứng cử) chỉ phải khai cho các UBND trước 24 giờ nói rõ địa điểm cuộc họp ở đâu, mục đích làm gì và tên người chịu trách nhiệm về cuộc họp đó.

Ông Đức cho biết, tư liệu lưu lại trên các báo Cứu Quốc, Sự Thật… cho thấy những các vận động bầu cử rất độc đáo, sáng tạo. Có nơi, cán bộ, ứng cử viên phải ở với dân cả khi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ… cả ngày cũng như đêm. Mỗi ứng viên cũng có những hình thức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử khác nhau. Một số người nghĩ ra thơ ca, hò vè, câu đối… để giới thiệu tên ứng viên cho dễ nhớ.

 

Hồ Chủ tịch nhận nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội - 1

Ngày 5/1/1946 (trước tổng tuyển cử 1 ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong 1 buổi lễ ra mắt ứng cử viên: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”.

PGS.TS Bùi Xuân Đức cho rằng, bảo đảm quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất chính là một bài học kinh nghiệm cần rút ra cho hoạt động bầu cử Quốc hội hiện nay. “Thực tế, cơ chế vận động bầu cử hiện đã có nhưng so với vận động trong tổng tuyển cử năm 1946 thì không được rộng rãi và phong phú bằng” – ông Đức nói.

Theo quy định hiện hành, người ứng cử viên có tên trong danh sách ứng cử đã công bố được thực hiện việc vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu nếu được bầu… Kinh phí vận động bầu cử lấy từ nguồn kinh phí phục vụ công tác bầu cử. Việc vận động bầu cử phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu 24 tiếng. Không được tuyên truyền, vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu.

Ông Đức đặt vấn đề: “Có lẽ cần nghiên cứu để vận dụng trở lại những hình thức vận động bầu cử phong phú và dân chủ của tổng tuyển cử đầu tiên như tự do vận động, có các hình thức cổ động, yết thị, biểu ngữ, truyền đơn, hò vè, cho phép diễn thuyết, tranh luận…”.

Cũng từ góc nhìn so sánh các yếu tố lịch sử của khoá Quốc hội đầu tiên với hoạt động của cơ quan lập Hiến, lập pháp hiện nay, nhà sử học Dương Trung Quốc (một đại biểu Quốc hội đương nhiệm) trong bài viết “Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của cách mạng Việt Nam” phân tích từ nội dung cụ thể về phiên chất vấn đầu tiên.

Tháng 3/1946, cách đây 69 năm, tại một kỳ họp của Quốc dân đại hội (Quốc hội khoá I), không khí sôi nổi hơn nằm ở phiên họp các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Thông tin Tuyên Truyền Trần Huy Liệu trả lời các câu chất vấn về việc một số đại biểu nêu việc thay đổi Quốc kỳ. Về câu hỏi của một đại biểu thắc mắc vì sao Uỷ ban Thường trực lại xếp khối đại biểu của Việt Quốc sang phía cực hữu, Trần Huy Liệu cho biết: Vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi trong Quốc hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc trích tư liệu lịch sử thể hiện, ngay tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng phải trả lởi các câu hỏi của đại biểu. Biên bản kỳ họp cho biết danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó có ông Trần Đình Tri (thuộc nhóm Xã hội), Lê Huy Vân (trung lập), Khuất Duy Tiến, Nguyễn Văn Tạo (macxit), Nguyễn Đình Thi, Xuân Thuỷ (Việt Minh), Huỳnh Văn Tiểng (Dân chủ)…

Ghi nhận chất vấn là một hình thức quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trong bài viết “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” nhấn mạnh, thông qua việc trả lời của người bị chất vấn, Quốc hội có thể giám sát được hoạt động của các cơ quan thừa hành. Hình thức chất vấn thể hiện quyền giám sát của đại biểu một cách trực tiếp, có tính chất công khai, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội nên rất có ý nghĩa rất quan trọng.

Nâng cao hơn vai trò của hoạt động chất vấn, Hiến pháp 2013 bổ sung thêm quyền chất vấn đối với Tổng kiểm toán nhà nước của Quốc hội, bên cạnh các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các thành viên Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao như đã duy trì trước nay.

TS.Bùi Sỹ Lợi đánh giá, trong những năm gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần và trách nhiệm cao của các đại biểu, của Chính phủ trước nhân dân. Thông qua hoạt động này, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã được làm sáng tỏ, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của Quốc hội.

P.Thảo