Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền

(Dân trí) - “Hồ Chí Minh là người cha của nền dân chủ mới. Người quan niệm, cốt lõi của nền dân chủ là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính vì thế, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã chỉ đạo phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của đất nước”.

Là người có nhiều năm công tác ở Quốc hội, ông Vũ Mão có điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu về cơ quan lập pháp và cũng có nhiều cơ hội làm việc cùng nhiều đại biểu Quốc hội. Qua đó, ông Vũ Mão đã thu thập nhiều bài học quý báu được ghi chép trong cuốn sách Dấn son Nghị trường. Thông qua những nhân vật, sự việc, tác giả muốn khắc họa công lao của những vị đại biểu Quốc hội tiêu biểu của Nhà nước ta, đồng thời góp phần phác họa quá trình xây dựng, phát triển Quốc hội nước ta theo tinh thần “nhà nước là của dân, do dân và vì dân”.

Hoãn Tổng tuyển cử tạo điều kiện cho nhân sĩ

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, tình hình đất nước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nghìn cân treo sợi tóc. Nhân dân ta luôn thiết tha mong muốn được sống trong độc lập, tự do, được quyền làm chủ trên đất nước của mình. Dân chủ là bản chất của chế độ mới, là mục tiêu cao cả và là động lực của sự nghiệp cách mạng nhân dân ta mong ước.

Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. (Ảnh tư liệu)
Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. (Ảnh tư liệu)

Thông qua các tài liệu, ông Vũ Mão nhận thấy: "Hồ Chí Minh là người cha của nền dân chủ mới. Người quan niệm, cốt lõi của nền dân chủ là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính vì thế, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã chỉ đạo phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của đất nước".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành những sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để làm cơ sở pháp lý mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, thực sự dân chủ.

Đặc biệt, khi thấy có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thì giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, thì ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 của Chính phủ lâm thời quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 và quy định hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến ngày 27/12/1945 để những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử đủ thời gian nộp đơn và vận động tranh cử.

Nguyên tắc bầu cử tự do còn thể hiện trong các quy định về tự do vận động tranh cử. Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử quy định về vận động tuyển cử, trong đó xác định: Mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Hòa nhịp cùng với bước tiến của thời đại, sự hi sinh xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, suốt gần một thế kỷ đấu tranh giải phóng đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945.

Vận động toàn dân đồng lòng tham gia cuộc Tổng tuyển cử

Cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946 được Hồ Chí Minh chỉ đạo sát sao, hình ảnh giản dị và thân thương của Người đã đi vào lòng dân. Toàn dân Việt Nam đã vượt lên muôn vàn khó khăn để đi bầu, biến ngày bầu cử trở thành Ngày hội toàn dân, tạo không khí náo nức trong cả nước.

Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi hằng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội diễn ra tràn đầy phấn khởi và được chuẩn bị chu đáo. Hàng chục vạn cử tri Thủ đô hăng hái đi làm nghĩa vụ công dân. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh, tấp nập nhất là từ 7 giờ đến 10 giờ sáng. Có nơi mới 11 giờ trưa đã có gần 80% cử tri đi bỏ phiếu.

Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lúc này là thể hiện ý chí kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổ cả xương máu để thực hiện tự do, dân chủ của mình.

Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tiếng súng kháng chiến vẫn tiếp tục nổ ra dưới nhiều hình thức như diệt tề trừ gian, tập kích, đột phá kho tàng của định… Tổng tuyển cử ở đây diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù.

Tại Tây Nguyên, ngay trước ngày Tổng tuyển cử, ngày 4/1/1946, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom lửa xuống 3 làng của người Ê Đe để khủng bố dân chúng. Hôm sau, chúng lại tấn công vào làng khác, chỉ cách Buôn Ma Thuột 19 km, nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành. Trong số 71 tỉnh, thành của cả nước, có tới 89% tổng cử tri đi bỏ phiếu.

Theo ông Vũ Mão từ trước đến nay, thật hiếm có cuộc bầu cử nào lại diễn ra như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ở nước ta. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành chủ nhân của một nước tự do độc lập và khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyến định vận mệnh của mình.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, được tổ chức vào ngày 2/3/1946. Tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người, gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách). Việc này thể hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là cách xử lý khôn ngoan của Bác Hồ.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, hai Phó Trưởng ban là ông Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ. Việc cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực Quốc hội thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc trọng dụng các nhà trí thức tài ba.

Đánh giá về Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12 – kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.

Lược ghi Theo Dấu son Nghị trường của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc - Vũ Mão