Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)

Kéo dài gần 5 năm, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, quá trình đàm phán hòa bình đưa đến việc ký Hiệp định Paris 27/1/1973 là một trong những cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới.

Kết quả của nó khẳng định chiến thắng tuyệt đối trên mặt trận ngoại giao (tiến hành song song mặt trận chiến tranh). Mỹ chấp nhận rút lui, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải chịu sự có mặt hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLTMNVN)… 

Bài 2: Chiến thắng ngoại giao lịch sử

Để có thể cùng thương lượng…

Trước hết, cần nói ngay, thắng lợi 27/1/1973 là một trong những hệ quả của Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Chính sự kiện Mậu Thân gây kinh hoàng Nhà Trắng đã khiến Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đi đến 3 quyết định then chốt cho sự nghiệp chính trị của ông nói riêng cũng như cho cuộc chiến Việt Nam nói chung: Mỹ đơn phương ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra (Bắc); Johnson không tranh cử nhiệm kỳ hai và Washington chấp nhận thương lượng hòa bình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). 3 tháng sau sự kiện Mậu Thân, Hà Nội tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ nhằm thiết lập quá trình đàm phán. Cuộc thương lượng hòa bình tại Việt Nam giữa Mỹ và VNDCCH bắt đầu từ lúc này.

Ngày 13/5/1968, đại diện hai bên gặp nhau. Cuộc chiến Việt Nam từ lúc đó tiến hành song song hai chiến tuyến: Trên mặt trận ngoại giao và trên mặt trận chiến trường. Với thái độ chấp nhận đàm phán, Mỹ đã gián tiếp thừa nhận họ thất bại trong cuộc chiến Việt Nam và đàm phán hòa bình chính là cuộc thoái bộ từng bước trong danh dự. Cuộc thoái bộ càng thể hiện rõ với chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống kế nhiệm Richard Nixon. Bởi tính chất quan trọng mang tính sống còn của “danh dự chính trị”, những hiệp đấu đầu tiên giữa Mỹ và VNDCCH đã căng thẳng ngay từ “vòng đấu loại”, từ vấn đề chọn địa điểm đến các tranh cãi quanh việc lựa kiểu bàn cho cuộc gặp 4 bên (VNDCCH, CPCMLTMNVN, Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), từ những điều khoản trong hiệp định đến cả cách thức ký…
Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)
Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973)
 
Đầu tiên, việc chọn địa điểm đã gây nhiều tranh luận. Ngày 4/4/1968, Tòa đại sứ Mỹ tại Lào thông báo với Tòa đại sứ Việt Nam về dự định tổ chức cuộc gặp đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, Hà Nội chọn Phnom Penh (do gần chiến trường Việt Nam, dễ phục vụ công tác tuyên truyền và cổ vũ tinh thần nhân dân 3 nước anh em Đông Dương). Mỹ không chịu và đưa ra 4 địa điểm khác: New Delhi, Jakarta, Vientiane và Ragoon. Hà Nội tiếp tục bác và lại đề xuất Warsaw (Ba Lan). Washington không đồng ý, đồng thời đưa ra một danh sách dài (Colombo, Kathmandu, Kuala Lumpur, Kabul, Tokyo, Helsinki, Rome…).

Cuối cùng, ngày 2/5/1968, Hà Nội đề nghị Paris. Lần này, Washington nhượng bộ. Ngoài địa điểm họp, hình dáng cái bàn cũng là đề tài tranh luận giữa các bên. Thoạt đầu, Mỹ đề nghị dùng bàn chữ nhật với Mỹ và VNCH ngồi một bên và bên kia là VNDCCH và CPCMLTMNVN. Do VNDCCH không đồng ý, Mỹ đưa tiếp 3 kiểu bàn khác (1. Hai bàn hình cung đối diện không tách nhau; 2. Hai bàn hình cung đối diện, tách nhau; 3. Hai bàn hình cung đối diện, tách nhau, hai đầu bàn hai bên có hai bàn nhỏ chữ nhật cho thư ký ngồi). VNDCCH đề nghị dùng kiểu bàn thứ hai (trong ba mẫu trên) nhưng ghép lại thành bàn tròn. Vài tháng liên tiếp, vụ cái bàn vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng, sau gần 3 tháng, ngày 15/1/1969, hai bên thống nhất dùng kiểu bàn do Liên Xô đề xuất: Chiếc bàn tròn cho 4 bên tham gia đàm phán, cùng hai bàn chữ nhật đặt cách bàn tròn 0,45m ở vị trí đối diện làm chỗ ngồi cho thư ký; trên bàn tròn không có cờ và biển.

Và cùng quyết đấu

Trong cuộc gặp đầu tiên, phía Mỹ được dẫn đầu bởi hai nhà ngoại giao tên tuổi Averell Harriman (mất năm 1986) và Cyrus Vance (mất năm 2002); trong khi đó, phía VNDCCH đến Paris dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. Trong những cuộc gặp đầu tiên (5/1968), Mỹ tập trung 3 vấn đề chính: Các cuộc thương lượng phải có tiếng nói tham gia của phe VNCH; Bắc Việt Nam không được vi phạm khu phi quân sự; Bắc Việt Nam không được tấn công các thành phố lớn tại miền Nam như Đà Nẵng, Huế và Sài Gòn.

Tháng 1/1969, phiên họp thứ nhất với sự tham gia của 4 bên được tổ chức, khi nước Mỹ bấy giờ được thay tổng thống bằng gương mặt mới Richard Nixon. Đầu năm 1970, quá trình thương lượng nhiều lần diễn ra trong bí mật, giữa hai nhân vật: Henry Kissinger (cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ) và cố vấn Chính phủ VNDCCH Lê Đức Thọ. Ngày 21/2/1970, tại căn nhà số 11 đường Darthé thuộc Choisy-Le-Roi (Paris), hai nhà đàm phán Kissinger - Lê Đức Thọ (mà sau này đều được trao Nobel hòa bình 1973 và ông Thọ không nhận) đã lần đầu gặp nhau.
Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)
Một trong những cuộc họp riêng cuối cùng giữa Henry Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ vào tháng 1/1973 tại Saint Nom la Breteche, Pháp

Sang năm 1972, một trong những vướng mắc chính của quá trình đàm phán là cuộc chiến ngôn ngữ ngoại giao giữa VNCH và CPCMLTMNVN. Trong khi chính quyền Sài Gòn một mực không công nhận tính hợp pháp chính trị của CPCMLTMNVN, ngày 2/2/1972, tại hội nghị 4 bên, Ngoại trưởng CPCMLTMNVN Nguyễn Thị Bình đưa ra hai yêu cầu: 1. Về quân sự, CPCMLTMNVN đòi Mỹ công bố thời hạn dứt khoát cho việc rút toàn bộ lính Mỹ tại Việt Nam và chấm dứt tấn công quân sự ở cả hai miền Việt Nam; 2. Về chính trị, CPCMLTMNVN yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chính quyền Sài Gòn chấm dứt chiến tranh, trả tự do tù nhân chính trị, hủy bỏ chính sách bình định…

Tại chiến trường Việt Nam, tình hình chiến sự chuyển sang giai đoạn căng thẳng, với những cuộc tấn công quy mô của bộ đội và lực lượng giải phóng quân cùng các cuộc dội bom trả đũa của Mỹ. Đây cũng là thời điểm Nixon triển khai mạnh chính sách Việt Nam hóa chiến tranh.

Sau vài tháng gián đoạn bởi các cuộc giao tranh quân sự tại chiến trường Việt Nam, tiến trình đàm phán giữa Henry Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ được nối lại, với 3 cuộc gặp chính: cuộc họp thứ nhất vào ngày 19/7/1972; cuộc họp thứ hai ngày 1/8/1972; và cuộc họp thứ ba ngày 14/8/1972. 3 cuộc họp là cơ sở cho văn bản thỏa thuận hiệp định hòa bình Việt Nam được hai bên Mỹ - VNDCCH gần như nhất trí vào vài tuần sau đó.

Đầu tháng 10/1972, VNDCCH đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Tuy nhiên, đúng lúc này, Nguyễn Văn Thiệu giãy nảy cho rằng, VNCH bị xử ép và phản đối nhiều điều khoản trong dự thảo. Ủng hộ Thiệu, Washington trở mặt, không những đòi VNDCCH chấp nhận hàng chục kiến nghị sửa đổi (trong dự thảo) của Thiệu mà còn tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền VNCH. Sự cản mũi của Thiệu khiến quá trình đàm phán bế tắc và Nixon đã dùng đến B-52 trong chiến dịch Linebacker II dội bom Hà Nội suốt 12 ngày đêm để buộc VNDCCH quay lại bàn thương lượng.

Hiệp định ra đời và một cuộc chiến chuẩn bị bế mạc

Ngày 6/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ đến Paris. Tất cả những gì từng nêu trong văn bản thỏa thuận hiệp định về tái lập hòa bình Việt Nam (tháng 10/1972) lần này được bàn lại và Mỹ gần như chấp nhận hầu hết các điểm chính. Những kiến nghị sửa đổi của phe VNCH đều bị phớt lờ. Sau chiến dịch Linebacker II, Washington không còn tinh thần để tiếp tục gây khó dễ VNDCCH. Ngày 27/1/1973, lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được thực hiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris).

Bản Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chính nêu: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ngưng viện trợ hay dính líu vào nội bộ Nam Việt Nam; nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Với kết quả Hiệp định Paris 27/1/1973, cục diện chiến trường Nam Việt Nam thay đổi nhanh từng ngày và kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ chỉ đào sâu thêm huyệt mộ cho chính quyền Sài Gòn…
 

Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris 27/1/1973

- Ngày 13/5/1968: Hội nghị 2 bên Mỹ - VNDCCH khai mạc tại Paris.

- Ngày 25/1/1969: Hội nghị 4 bên Mỹ - VNCH và VNDCCH - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) khai mạc tại Paris.

- Ngày 8/6/1969: Tổng thống Richard Nixon tuyên bố rút quân đợt đầu tiên gồm 25.000 lính khỏi miền Nam Việt Nam.

- Ngày 10/6/1969: CPCMLTMNVN quyết định đoàn đại biểu MTDTGPMNVN tham gia tiến trình đàm phán hòa bình tại Paris được chính thức gọi là đoàn đại biểu CPCMLTMNVN, do bà Nguyễn Thị Bình, với cương vị Ngoại trưởng, làm trưởng đoàn.

- Ngày 25/8/1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư Tổng thống Richard Nixon. Bác Hồ nêu rõ: Muốn có hòa bình, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

- Ngày 17/9/1970: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 84 Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra đề nghị tám điểm.

- Ngày 18/10/1970: Tổng thống Nixon đưa đề nghị năm điểm.

- Ngày 26/6/1971: VNDCCH đưa đề nghị chín điểm.

- Ngày 8/10/1972: VNDCCH chủ động đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

- Ngày 22/10/1972: VNDCCH và Mỹ hoàn thành văn bản Hiệp định nhưng sau đó Mỹ lập cầu hàng không tiếp tế mạnh cho ngụy quyền Sài Gòn.

- Ngày 18/12/1972: Tổng thống Nixon ra lệnh thực hiện chiến dịch Linbebacker II đánh phá Hà Nội và Hải Phòng.

- Ngày 23/1/1973: VNDCCH - Mỹ ký tắt Hiệp định Paris.

- Ngày 27/1/1973: Lễ ký chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được tiến hành tại Trung tâm Kléber (Paris).

- Ngày 29/1/1973: Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Nam Việt Nam.

- Ngày 30/1/1973: Đoàn đại biểu quân sự VNDCCH do Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm trưởng đoàn bắt đầu vào Sài Gòn tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên và giám sát sự rút quân của Mỹ.

- Từ ngày 10 đến 13/2/1973: Cố vấn Chính phủ Mỹ Henry Kissinger đến Hà Nội để thảo luận việc thi hành Hiệp định.

- Từ ngày 12/2 đến 27/3/1973: CPCMLTMNVN trao trả nhân viên quân sự và dân sự Mỹ.

- Từ ngày 12/2 đến 24/7/1973: CPCMLTMNVN trao trả nhân viên quân sự và dân sự thuộc chính quyền Sài Gòn.

(Nguồn: Chính phủ Việt Nam 1945-1998, NXB Chính trị Quốc gia 1999; Việt Nam - những sự kiện lịch sử 1945-1975, Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, NXB Giáo dục 2002).

 
Theo Cao Minh (Tổng hợp)
Petrotimes