“Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao”

(Dân trí) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ngày 25/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris (ảnh VOV)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris (ảnh VOV)

Tới dự Lễ mít tinh có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Huỳnh Đảm - Chủ tịch UBTƯMTTQVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Trưởng ban Tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris.

Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo ban, ngành đoàn thể Trung ương và Thủ đô Hà Nội, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí trực tiếp tham gia và phục vụ cho cuộc đàm phán; đại diện gia đình một số đồng chí nguyên là cán bộ của hai đoàn đàm phán và bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris, các vị Đại sứ, đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân, dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris đều nhằm mục tiêu là buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

“Biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy. Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris (ảnh VOV)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại diện hai Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris

Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á, giai đoạn các nước Đông Nam Á hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ thù địch, xích lại gần nhau để sum họp trong cộng đồng ASEAN ngày nay.

Chủ tịch nước cho rằng, Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris.

Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công.

“Kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta bồi hồi xúc động, ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; chúng ta ghi nhớ công lao của biết bao đồng bào, đồng chí, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để làm nên những chiến công chói lọi; ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các thành viên: Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn, đặc biệt là vai trò và những cống hiến to lớn của đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý...”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Đó là, bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - cho biết, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình của đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bình cho biết.

Theo bà Bình, việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của tất cả những người có lương tri trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trúc Linh