Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 1)
87 chiếc pháo đài bay Boeing B-52 Stratofortress từ căn cứ không quân Andersen (Guam) cùng 42 B-52 từ căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan U-Tapao gần Sattihip (Thái Lan) đã kéo vào bầu trời Hà Nội đêm 18/12/1972, mở đầu chiến dịch oanh kích kinh hoàng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Trận chiến 12 ngày đêm khốc liệt nhất chiến tranh Việt Nam - “Điện Biên Phủ trên không” - bắt đầu.
Bài 1: Thế trận của hai bên
Ngay trong trận đầu tiên, chiếc B-52 số 8201 đã bị tên lửa SAM bắn rơi và 3 trong 6 phi công phi hành đoàn nhảy dù bị bắt. Chiến dịch “Linebacker II”, mà quân đội Mỹ gọi là “món quà Giáng sinh” cho Hà Nội, được thiết kế để có thể làm thay đổi thế trận xuống dốc và cục diện bất lợi của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
sau loạt thất bại trên mặt trận ngoại giao - cuối cùng cũng không cứu nổi sự nghiệp chính trị hết thời của Tổng thống Nixon và chính “Điện Biên Phủ trên không” đã mở màn cho sự đổ vỡ của một cuộc chiến dài hơi. Chúng ta nhìn lại nguyên nhân chính đưa đến sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” và kết quả của nó…
Đàm phán
Từ tháng 5/1968, cuộc chiến Việt Nam bắt đầu tiến hành song song hai mặt trận: mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. Ngày 13/5/1968, phái đoàn đàm phán Mỹ và Bắc Việt Nam gặp nhau lần đầu tiên tại Pháp, mở đầu cuộc thương lượng marathon kéo dài hơn 4 năm.
Từ Hà Nội, chỉ thị được gửi đến phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) với nội dung: 1. Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện; 2. VNDCCH ngừng tấn công các khu phi quân sự; 3. VNDCCH đồng ý cuộc họp bốn bên về giải pháp chính trị cho tình hình Nam Việt Nam nhưng chính quyền Sài Gòn phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP).
Tháng 6/1969, trong khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu gặp Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại đảo Midway để bàn chương trình Việt Nam hóa chiến tranh (kế hoạch rút quân từng bước của quân đội Mỹ khỏi chiến trường Việt Nam) thì tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, MTDTGP cùng nhiều tổ chức yêu nước cũng tổ chức bầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu.
Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời - như một đối tác chính trị chính thức đại diện cho miền Nam Việt Nam - đã gây thêm áp lực trong vòng đàm phán Paris…
Từ đầu năm 1970, cuộc đấu tranh ngoại giao xảy ra chủ yếu giữa hai đối thủ: Henry Kissinger và ông cố vấn Lê Đức Thọ (hai người gặp nhau lần đầu tiên trong cuộc họp vào ngày 21/2/1970 tại Pháp). Đầu năm 1972, khi cuộc đấu trí căng thẳng Kissinger và ông Thọ tại Pháp chưa ngã ngũ, Hà Nội đánh giá: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ quân sự cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận, phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam… đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ…”.
Ngày 30/3/1972, bộ đội tổ chức tấn công quy mô vào Quảng Trị, Thừa Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Một tuần sau, ngày 6/4/1972, Mỹ phản hồi bằng cuộc không kích ác liệt (chiến dịch Linebacker I). Mùa hè đỏ lửa 1972 bắt đầu. Ngày 2/5/1972, trong khi tiếng súng chưa ngưng tại Việt Nam, ở Paris, cuộc họp giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn Lê Đức Thọ được tái lập.
Ngày 18/10/1972, Kissinger sang Sài Gòn, đưa Chính quyền VNCH bản dự thảo kế hoạch hòa bình. Nguyễn Văn Thiệu bất mãn, cho rằng mình bị xử ép vì Mỹ chỉ tìm tiếng nói từ phía Hà Nội chứ không phải Sài Gòn. Trong hồi ký Our endless war, Trần Văn Đôn (Tổng tư lệnh Quân lực VNCH kiêm Tổng trưởng Quốc phòng) kể rằng, Thiệu chỉ đồng ý với dự thảo hiệp định hòa bình với bốn điều kiện: 1. Không có chính phủ liên hiệp; 2. Quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam; 3. Tôn trọng tính trung lập của khu phi quân sự; 4. Giải quyết những bất đồng chính trị còn lại giữa hai miền mà không có sự can thiệp nước ngoài.
Tại sao bế tắc?
Với chính quyền Sài Gòn, sự rút lui quân đội miền Bắc khỏi miền Nam là yếu tố quan trọng mang tầm chiến lược lâu dài. Điều này có thể thấy rõ trong báo cáo của Bùi Diễm (Đại sứ VNCH tại Mỹ từ 1962-1972): “Tôi vẫn còn nhớ những gì Tổng thống Thiệu nói, khi tôi gặp ông ấy vài tuần trước khi ký hiệp định Paris: “Hãy đến gấp Washington và Paris và ráng cố hết sức. Đặt vấn đề quân đội miền Bắc rút khỏi lãnh thổ chúng ta vào lúc này có lẽ quá muộn nhưng còn cơ hội thì chúng ta cứ thử. Nếu không thể đạt được những đòi hỏi cơ bản cho sự tồn tại của chúng ta, chúng ta sẽ gặp rắc rối về lâu dài…”.
Cùng lúc, chính quyền Thiệu nhận ra rằng, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh là đòn thoái bộ trong danh dự của Mỹ.
Chính sách thế giới của Mỹ cho thấy các ngài đang nhảy nhót với Moscow và Bắc Kinh và các ngài tạo ra những chọn lựa khác nhau để đáp ứng chính sách mới. Nhưng với chúng tôi, sự chọn lựa chỉ là sự sống và cái chết. Với chúng tôi, việc ký vào hiệp định đồng nghĩa với đầu hàng để chấp nhận bản án tử hình. Cuộc sống không tự do tức là chết. Không, còn tệ hơn chết!”. Hai ngày sau, Thiệu đọc diễn văn trước Quốc hội, chỉ trích và bác bỏ Văn bản thỏa thuận ngày 20/10/1972; trong khi đó, bên Mỹ, khi trở về Washington, Kissinger công bố với giới báo chí: “Hòa bình đang trong tầm tay”…
Văn bản thỏa thuận ngày 20/10/1972 nói gì? Có thể điểm lại vài điểm chính:
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hiệp định này, Mỹ phải hoàn thành việc rút quân, bao gồm nhân viên quân đội và cố vấn quân sự; cùng lúc, hủy mọi căn cứ quân sự Mỹ trên đất Việt Nam.
2. Việc thống nhất hai miền Nam - Bắc sẽ thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và đặc biệt không có sự can thiệp nước ngoài; trong khi chờ đợi, miền Nam và miền Bắc không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự.
3. Chính phủ VNDCCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ VNCH cử đại diện thành lập Ban Liên hợp quân sự bốn bên để giám sát việc thực hiện ngừng bắn cũng như việc rút quân Mỹ khỏi Nam Việt Nam…
Tháng 11/1972, Thiệu cử đặc phái viên Nguyễn Phú Đức sang Mỹ, gõ cửa Nhà Trắng, thuyết phục Washington tìm cách “câu giờ” tiến trình đàm phán giữa Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ. Tiếp đó, Nguyễn Văn Thiệu đưa tướng Alexander Haig bức giác thư yêu cầu Washington giúp sửa 69 điểm trong Văn bản thỏa thuận (theo Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger; vài tài liệu khác ghi “96 điểm”). Tuy nhiên, dù muốn cứu Thiệu, Nixon cũng không còn cách vì chính ông cũng đang chết đuối trong chính trường Mỹ.
Trong 4 năm cuối cùng ở cương vị tổng thống, Nixon đã làm mất thêm 20.553 lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam, đối mặt làn sóng phản chiến bạo động lớn nhất và uy tín bị suy yếu bởi ảnh hưởng từ scandal “Bộ tài liệu Lầu Năm Góc” (toàn bộ kế hoạch chi tiết về cuộc chiến Việt Nam mà viên chức Lầu Năm Góc Daniel Ellsberg bí mật cung cấp cho tờ New York Times đăng tải vào tháng 6/1971).
Trong hồi ký, Tổng thống Nixon thú nhận rằng việc Quốc hội tước quyền hành động quân sự khiến ông chỉ có thể hù dọa VNDCCH bằng miệng. Thật không may, Hà Nội lại biết rõ điều này. Cuối năm 1972, các cuộc đàm phán nhằm thống nhất những bất đồng còn lại tiếp tục bế tắc, trong khi Hà Nội lợi dụng mùa tranh cử Tổng thống Mỹ để gây áp lực Washington - như kể trong quyển Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger. Khi Kissinger đưa kiến nghị sửa đổi gồm 69 điểm của Nguyễn Văn Thiệu cho cố vấn Lê Đức Thọ, phía VNDCCH bác bỏ.
Ngày 13/12/1972, khi quan điểm tiếp tục bất đồng và VNCH cương quyết không ngồi vào bàn thương lượng, hai bên Henry Kissinger - Lê Đức Thọ tạm ngưng làm việc. Hôm sau, Tổng thống Nixon gửi tối hậu thư, yêu cầu Hà Nội trở lại đàm phán trong vòng 72 giờ. Hà Nội từ chối. Ngày 15/12/1972, cố vấn Lê Đức Thọ lên đường về nước, tạt qua Bắc Kinh và Moscow. Ngày 18/12/1972, khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa từ sân bay Gia Lâm về tới nhà ở phố Nguyễn Cảnh Chân, chiến dịch “Linebacker II” cũng bắt đầu…
Trận chiến cuối cùng của sự nghiệp Nixon
Theo Trung tướng Lê Văn Tri (nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân), kế hoạch đánh B-52 được phác thảo từ tháng 2/1972 và hoàn thành vào tháng 5/1972. Như vậy, một trận chiến như “Điện Biên Phủ trên không” đã nằm trong thế chủ động trước.
Trước năm 1972, miền Bắc có hệ thống phòng không với 145 chiến đấu cơ MiG cùng 26 vị trí tên lửa đất đối không SAM-2 Guideline (21 vị trí tại Hà Nội và Hải Phòng) - theo sử gia quân sự Mỹ Walter J. Boyne. Đêm đầu tiên, Mỹ sử dụng 129 chiếc B-52. Hơn 200 tên lửa SAM được bắn trong đêm này và 3 chiếc B-52 bị trúng.
Hà Nội đáp trả với khoảng 1.240 tên lửa SAM. Theo Việt Nam - những sự kiện lịch sử 1945-1975, riêng tại Hà Nội, số nạn nhân thiệt mạng là 2.380 người; 1.355 người bị thương; 7 trong 9 ga xe lửa bị phá hủy; 4 trong 5 cầu; 4 trong 5 bến phà; 1/3 nhà máy; 5 bệnh viện; Đài Tiếng nói Việt Nam và phố cổ Khâm Thiên cũng như nhiều tài sản - di tích văn hóa khác bị hỏng nặng…
Theo Thiếu tướng Trần Văn Giang, nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội, số máy bay Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời Việt Nam trong 12 ngày đêm kinh hoàng tháng 12/1972 là 81 chiếc trong đó có 34 B-52 và 47 máy bay chiến thuật, 47 phi công bị bắt sống. Theo sử gia quân sự Mỹ Walter J. Boyne, số máy bay B-52 bị bắn rơi là 15 chiếc, cùng 13 máy bay chiến thuật và có tổng cộng 92 phi công B-52 bị bắn rơi (59 người bị bắt sống, số còn lại chết hoặc mất tích). Số phi công bị bắn rơi từ các máy bay Mỹ khác là 29 người, với 17 người bị bắt sống và phần còn lại chết hoặc mất tích...
Giá trị lịch sử của “Điện Biên Phủ trên không” như thế nào? Washington còn cố vớt vát danh dự để nói rằng: “Chiến dịch “Linebacker II” là chiến thắng, một chiến thắng kinh điển của chiến thuật dùng quân sự gây áp lực ngoại giao. Hà Nội chấp nhận tái đàm phán và không còn yêu sách”. Đúng là Hà Nội đồng ý thương lượng sau khi nhận “món quà Giáng sinh” của Nixon nhưng để đánh giá chiến thắng thuộc phe nào thì chỉ cần xem kết quả chung cuộc từ Hiệp định Paris 27/1/1973.
Hiệp định này gần như không khác mấy bản dự thảo tháng 10/1972 và như vậy bên thật sự thắng lại chính là Hà Nội và kẻ thua nặng nhất là chính quyền Sài Gòn. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu không còn chọn lựa nào khác hơn là ký vào Hiệp định Paris 27/1/1973, dù trong thâm tâm bất mãn tột độ. Tại sao Thiệu chịu ký?
11 ngày trước khi các bên ngồi quanh chiếc bàn tròn tại Paris để ký Hiệp định 27/1/1973, ngày 16/1/1973, Nixon phái tướng Alexander Haig sang Sài Gòn thuyết phục Thiệu (chính xác hơn là gây sức ép).
Bùi Diễm đã thuật lại vài chi tiết từ cuộc gặp này (dẫn lại từ www.ehistory.com): “Quyết định cuối cùng của Sài Gòn trong việc ký Hiệp định chỉ ra đời sau loạt thông điệp đau đớn giữa hai tổng thống Nixon và Thiệu mà trong vài thông điệp, Tổng thống Nixon đã dùng thứ ngôn ngữ ngoại giao cứng rắn nhất ít thấy trong hoạt động ngoại giao, chẳng hạn nếu Thiệu ngoan cố không ký vào Hiệp định, viện trợ của Mỹ sẽ “cắt hoàn toàn… và nếu ông (Thiệu) từ chối không tham gia với chúng tôi, Chính phủ VNCH sẽ gánh toàn bộ trách nhiệm các hậu quả…
Nếu ông không đưa câu trả lời tích cực vào trước 12 giờ trưa, theo giờ Washington, vào ngày 21/1/1973, tôi sẽ cho phép Tiến sĩ Kissinger tham gia tiến trình ký Hiệp định mà không cần có mặt chính phủ ông”.
Đúng là Nguyễn Văn Thiệu không còn chọn lựa nào khác và chấp nhận nhiều điều kiện khó chịu, kể cả yêu cầu về sự có mặt của quân đội miền Bắc tại miền Nam và việc đòi hỏi nhìn nhận sự tồn tại hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam! Như ông từng nói, về số phận mình cũng như nền “Đệ nhị Cộng hòa”: “Với chúng tôi, việc ký vào hiệp định đồng nghĩa với đầu hàng để chấp nhận bản án tử hình…”.
Theo Cao Minh
Petrotimes