1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2013):

Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris

(Dân trí) - Trong cuộc hội thảo “Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói: “Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ".<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2137/40-nam-ky-Hiep-dinh-Paris.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;40 năm ký Hiệp định Paris</b></a>

Ông Nguyễn Dy Niên nói tiếp: "Ông ấy khổng lồ ở chỗ đối phương đối thoại với ông là Kissinger - một nhân vật rất lớn của Mỹ thời đó. (Kissinger lúc ấy là cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Nixon, Kissinger đã từng bí mật gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và sau đó là Brezhenev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũ để nhờ ba vị này ép ta ký kết hiệp định hòa bình theo các điều kiện của Mỹ - Tác giả). Kissinger rất ngạo mạn, tưởng có thể đè bẹp được ta. Nhưng Kissinger đã không thể làm được vì Lê Đức Thọ đại diện cho chính nghĩa. Điều làm nên thành công của Lê Đức Thọ là ông đã nhuần nhuyễn, có trí tuệ để thực hiện điều mình cần và mục tiêu đề ra. Chẳng hạn vấn đề Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Kissinger đòi nếu Mỹ rút thì miền Bắc Việt Nam cũng phải rút quân khỏi miền Nam. Ông Lê Đức Thọ cho rằng Mỹ đánh đồng như thế là không được. Với trí tuệ của mình, ông đã tìm ra giải pháp như sau: Vấn đề quân đội Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam thì do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Còn việc Mỹ phải rút quân là bắt buộc. Trí tuệ của ông là tìm ra được một giải pháp mà giải pháp đó lại đúng với lợi ích của ta… Cái khó trong ngoại giao đối với nhà đàm phán là lúc nào thì “nhu”, lúc nào thì “cương”, thậm chí lúc nào thì nặng lời với đối phương. Ông Lê Đức Thọ đã thành công trong việc ứng xử linh hoạt này, khiến Kissinger phải nể phục…”.

 

Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trao tặng bút cho tiến sĩ Kissinger sau khi hai bên ký tắt "Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" ngày 23/1/1973. Ảnh: Văn Lượng-TTXVN

 

Khi thương lượng bí mật với Kissinger tại Paris, ông Lê Đức Thọ đã ở tuổi 60, trong khi Kissinger mới ngót 50 tuổi lại rất khỏe mạnh. Kissinger lúc nào cũng muốn gặp ông Lê Đức Thọ vào buổi tối và cố tình kéo dài tới thật khuya, thậm chí tới tảng sáng hôm sau, nhằm làm cho ông Thọ mệt mỏi, thiếu minh mẫn hòng tìm cách lừa ông có những đối sách không có lợi cho ta.

 

Nhưng ông Lê Đức Thọ lúc nào cũng tỉnh táo, vững như bàn thạch, và khi nào mệt mỏi quá thì ông đề nghị phía Mỹ nghỉ giải lao để giải khát và đi bách bộ ra vườn quanh biệt thự để bàn bạc với các thành viên khác trong đoàn ta.

 

Sau hơn bốn năm đàm phán, ngày 8/10/1972 ta chủ động đưa ra dự thảo hiệp định và sau hơn 10 ngày bàn bạc và bổ sung, Kissinger báo cáo về Mỹ và Nixon đã nói hiệp định xem như đã hoàn thành. Kissinger tuyên bố “Hòa bình đã ở trong tầm tay”. Phía ta muốn có được hiệp định trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và dự định ký hiệp định vào tuần cuối cùng của tháng 10/1972. Nhưng ngày 23/10/1972, Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thông báo rằng, do chính quyền Sài Gòn ngăn cản nên Mỹ đề nghị có thêm một cuộc gặp bí mật nữa. Chính phủ ta đã vạch mặt sự tráo trở của Mỹ và công bố nội dung Hiệp định hòa bình đã được ta và Mỹ thỏa thuận cùng hai bức điện của Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

 

Mỹ bị dồn vào chân tường. Mãi đến ngày 20/11/1972 ta và Mỹ mới gặp lại nhau. Và tại cuộc gặp này, Lê Đức Thọ đã lên án Kissinger và chính quyền Mỹ lật lọng. Kissinger nhũn như con chi chi ngồi chịu trận, và chiều hôm đó ông ta đòi sửa tới hơn 60 câu chữ trong hiệp định đã thỏa thuận. Ta chỉ đồng ý sửa một vài chi tiết không thực chất, không chấp nhận sửa những vấn đề thuộc về nguyên tắc và cuộc họp đi vào bế tắc.

 

Ngày 14/12 Kissinger về Mỹ bàn bạc thêm, ngày hôm sau Lê Đức Thọ rời Paris về nước để báo cáo với Bộ Chính trị chuẩn bị tình huống xấu nhất. Chiều 18/12, Lê Đức Thọ vừa từ sân bay Gia Lâm về đến nhà ở phố Nguyễn Cảnh Chân thì đêm 18/12/1972 Mỹ cho B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Chúng ta đã giáng trả đích đáng, hạ 81 máy bay Mỹ trong 12 ngày này, trong đó tiêu diệt 34 chiếc B.52 như mọi người đã biết.

 

Ngay trong ngày 18/12, Mỹ gửi thư yêu cầu ta quay lại bàn đàm phán vào ngày 26/12, nhưng ta từ chối. Và sau chiến thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội, nghe nói trên đường trở lại Paris Lê Đức Thọ mang theo một mảnh xác máy bay B.52 để “tặng” Kissinger trong cuộc gặp ngày 8/1/1973.

 

Buổi gặp hôm đó, Lê Đức Thọ đến địa điểm trước và đoàn ta không ra cổng đón Kissinger như mọi khi, chỉ có người bảo vệ Pháp ra mở cổng cho đoàn xe của Kissinger vào. Chắc đoàn Mỹ cũng hiểu ý nghĩa sự lạnh nhạt đó của phía ta.

 

Lê Đức Thọ mở màn cuộc gặp như sau: ”Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để ném bom lại miền Bắc Việt Nam giữa lúc tôi vừa về đến Hà Nội có thể nói là rất “lịch sự”! Tôi có thể nói rằng hành động của các ông rất trắng trợn và thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi, nhưng các ông đã nhầm… Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn, chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố!”.

 

Lê Đức Thọ đòi Mỹ chấm dứt thủ đoạn thương lượng trên thế mạnh và đi vào đàm phán nghiêm chỉnh. Kissinger không hăng hái bào chữa như những lần trước, chỉ thanh minh rằng sở dĩ có những việc vừa qua là vì cách đàm phán của Việt Nam trong tháng 12 làm cho Mỹ và Việt Nam kéo dài đàm phán, không muốn giải quyết…

 

Sau mấy ngày đàm phán, ngày 20/1/1973 kết thúc. Ngày 23/1 các bên ký tắt hiệp định, ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh được 4 bên chính thức ký kết. Hòa bình được lập lại ở Việt Nam, tiếp đó là ở Lào và cuối cùng là ở Campuchia. Hai ngày sau Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Xuân Thủy về đến Hà Nội trong niềm vui khôn tả của nhân dân cả nước.

 

Đầu tháng 2/1973, Kissinger đến Hà Nội, Lê Đức Thọ đón và đưa ông ta tới thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ông dẫn Kissinger tới chỗ văn bia của Lý Thường Kiệt và nói bài “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” chính là lời tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam cũng giống như bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi vậy. Ai không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam thì đều bị Việt Nam chống lại và đánh cho thất bại.

 

Theo Nguyễn Như Kim
 Báo Tin tức