Sự khác nhau giữa Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung

(Dân trí) - Đó là một hiện thực trong nhiều vụ án hiện nay, cụ thể là vụ án giết người liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn và vụ án nhà 194 Phố Huế liên quan đến ông Trịnh Ngọc Chung.

Sự khác nhau giữa Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung

 

 

Ông Chấn là thường dân, nghi can trong một vụ án giết người. Điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình để có kết luận điều tra. Viện kiểm sát, tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang không xem xét chứng cứ rõ ràng, buộc tội và tuyên án chung thân một công dân lương thiện.

 

Ngược lại, ông Chung là nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ-THA ngày 28/06/2011. Với hành vi “ra quyết định trái pháp luật”, khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam.

 

Ngược lại hành trình vụ án này, sẽ thấy Trịnh Ngọc Chung dù có hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, nhưng để khởi tố được vụ án, để có được cáo trạng, các cơ quan tố tụng đã vô cùng “nhọc nhằn” mới ban hành được. Để có được bản cáo trạng truy tố Trịnh Ngọc chung, Viện kiểm sát phải mất 280 ngày kể từ khi có kết luận điều tra, trong khi theo quy định của pháp luật, thời hạn truy tố đối với bị can Trịnh Ngọc Chung không quá 45 ngày.

 

Nhưng vụ án vẫn chưa được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử, mặc dù dã vượt quá thời hạn 4 tháng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

 

Có vẻ như cả hai cơ quan tố tụng đều muốn kéo dài thời gian truy tố cũng như xét xử, dành “đặc ân” cho bị can Trịnh Ngọc Chung tại ngoại.

 

Cả Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung đều rơi vào tình trạng bị kéo dài thân phận pháp lý của mình. Nhưng một bên là kéo dài trong lao lý, một bên kéo dài sự tự do. Liệu có hay không việc gọi là “chống lưng” cho Trịnh Ngọc Chung dùng kế hoãn binh để tìm cách gỡ tội.

 

Nguyễn Thanh Chấn viết nhiều đơn kêu oan nhưng không ai lắng nghe, vợ ông Chấn cũng 10 năm kêu oan cho chồng, nhưng tất cả rơi vào im lặng, ông Chấn vẫn phải bị ngồi tù cho đến khi hung thủ giết người trong vụ án 10 năm trước ra tự thú.

 

Còn đối với Trịnh Ngọc Chung, báo chí, dư luận công khai lên tiếng, hàng chục bài báo viết về vụ án 194 Phố Huế, phân tích rất có căn cứ, thực sự thuyết phục về bản chất của vụ án, về hành vi vi phạm của Trịnh Ngọc Chung, về hậu quả  mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Cả nước biết, thế giới biết sự thật khách quan của vụ án, nhưng Trịnh Ngọc Chung vẫn nhởn nhơ, phởn phơ nhìn các cơ tố tụng như… người nhà.

 

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng cả hai ông Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung đều không được bình đẳng trước pháp luật. Có điều, mỗi bên không “bình đẳng” theo cách khác nhau, một bên đã biến không thành có, còn một bên hình như đang muốn “câu giờ”, kéo dài thời gian để tìm cách biến có thành như không.

 

Trong một nhà nước pháp quyền, một xã hội công bằng, dân chủ thì thước đo của hai giá trị “pháp quyền” và “dân chủ” chính là sự thực thi pháp luật.

 

Nếu trong hoạt động tư pháp còn tồn tại những trường hợp như Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung, thì chúng ta mới chỉ “thực tập dân chủ” mà thôi.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

 

 

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau