Xin đừng ban hành văn bản “viết cho sướng tay” mình, để khổ cho dân!

(Dân trí) - Đừng để người dân nghĩ rằng việc cấm này là để “giải cứu” cho tuyến đường sắt trên cao chưa biết hiệu quả thế nào nhưng đã có quá nhiều tai tiếng!

m_cam-xe-may.jpg

 

 

Một thông tin gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Ngày 11/3, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian tới thành phố sẽ cân nhắc dừng hoạt động xe máy ở một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm.

Theo ông Viện, với việc cấm xe máy hoạt động ở tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện thay thế.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến đã gửi về báo Dân trí bày tỏ sự thiếu đồng tình.

Lý do, đây được coi là hai con đường huyết mạch phía Nam Thủ đô, hàng ngày, trên các tuyến đường trên luôn đông nghẹt các phương tiện ô tô, xe máy…

Vì thế, câu hỏi đặt ra, đó là nếu cấm xe máy, người dân sẽ lưu thông bằng phương tiện gì?

Tất nhiên, như câu trả lời của ông Viện ở trên, sẽ là các phương tiện công cộng mà ở đây là ô tô cá nhân, xe buýt nhanh (BRT) và tuyến đường sắt trên cao sắp khai trương.

Nhìn lại các phương tiện trên, về hệ thống BRT, có lẽ khó nói khác, dự án đã không “đẹp” như đã nêu trong các bản báo cáo. Nhiều năm qua, để nuôi dưỡng loại hình vận tải này, Hà Nội đã ngăn hẳn một tuyến đường riêng, cấm các loại xe lưu thông mặc cho phần đường còn lại luôn trong tình trạng chen chúc.

Thế nhưng cái dự án nhiều ngàn tỉ này nếu nói là thành công, có lẽ chỉ trên giấy còn thực tế, nó như thế nào thì ai cũng rõ.

Về xe ô tô cá nhân, tất nhiên nó là niềm mơ ước của bất cứ người dân nào. Hãy thử tưởng tượng ngồi trong ô tô ngày nóng thì điều hòa mát rượu, lạnh thì bật hệ thống sưởi ấm, lại chìm trong tiếng nhạc du dương với độ an toàn cao, ai chả thích, chả muốn.

Vậy nhưng nó vẫn là niềm mơ ước của đa số người dân bởi không chỉ tiền mua xe ô tô mà hàng loạt các loại xăng dầu, thuế phí… ngày một tăng còn hệ thống đường sắt trên cao, hiệu quả thế nào, chưa ai biết chắc.

Cho nên sự lo ngại, phản ứng của người dân hoàn toàn có cơ sở.

Thấu hiểu điều này, theo báo Lao động, bài “Chuyện cấm xe máy và đặt mình làm người dân” liên quan đến xe máy và giao thông Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ:

“Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quan tâm đến đối tượng bị tác động. Nếu mình là người dân thì mình thấy quy định này có hợp lý hay không? Anh đã phải đương đầu với dư luận, báo chí, xã hội, anh sẽ thấy tôn trọng lợi ích của các bên liên quan chứ không có chuyện mình viết ra một văn bản mình cứ viết cho sướng tay”.

Điều Bí thư Hải nói rất đáng để suy nghĩ. Trước khi ban hành một quyết định, mong các vị hãy cân nhắc thật kỹ và luôn nhớ lời của Hồ Chủ tịch “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm…” và quan điểm “Đúng lý, đúng tình nhưng phải hợp lòng dân” của ông Phạm Thế Duyệt, người từng nhiều năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đặc biệt, đừng để người dân nghĩ rằng việc cấm này là để “giải cứu” cho tuyến đường sắt trên cao chưa biết hiệu quả thế nào nhưng đã có quá nhiều tai tiếng! 

Bùi Hoàng Tám