Về những cung đường sắt "mềm mại" trên cao

(Dân trí) - Chùm ảnh phóng viên Dân trí ghi lại về các cung đường uốn lượn như “rồng bay phượng múa” của công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông làm cho bạn đọc ngạc nhiên thú vị.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sau khi ngạc nhiên là cảm giác sợ hãi. Ừ nhỉ, nếu tàu chạy trên những cung đường “lãng mạn” này thì cũng có khi toi mạng. Đường sắt mà thiết kế cong mềm mại như thế này có lẽ là hơi lạ. Mắt vào đúng là sợ thật, nhiều đoạn đường giống như đường tàu lượn trong các trò tìm cảm giác mạnh ở những khu vui chơi. Mà uốn lượn để chơi thì được, chứ thật thì quá nguy hiểm.

Tất nhiên, dân thường cũng như nhà báo chưa thể tỏ tường vì sao đường sắt Cát Linh – Hà Đông có nhiều đoạn nhấp nhô sóng vỗ như vậy. Về mặt khoa học, ắt phải có lý do chính đáng các kỹ sư mới thiết kế uốn lượn, không phải là uốn lượn cho đẹp mắt hay thử thách cảm giác mạnh của hành khách đi tàu, mà phải có mục đích kỹ thuật.

Bạn đọc Minh Tuấn gửi comment về Dân trí, giải thích rằng: “Đường sắt đô thị thì khoảng cách giữa các ga không dài, trung bình khoảng 1 km, mới xuất phát ra khỏi ga thì cần xuống dốc để tăng tốc, giảm tiêu hao điện năng và giữ tuổi thọ động cơ dài. Khi vào ga thì cần làm dốc để giảm tốc độ giảm làm mòn hệ thống phanh. Đề nghị mọi người tìm hiểu trước khi phê phán”.

Ngược lại ý kiến của bạn Minh Tuấn, bạn Lê Dũng phân tích theo trực giác: “Các bạn hãy thử nhìn kỹ và nhắm mắt lại tưởng tượng mà xem. Một đoàn tàu chạy với tốc độ cao hàng trăm km/h, mà lại chạy qua những đoạn đường gồ ghề cao thấp như vậy liệu có an toàn không, liệu có gây ra tai nạn không?”.

Tất nhiên, giữa an toàn và giảm tiêu hao điện năng thì ai cũng sẽ chọn an toàn.

Thế nhưng theo giải thích từ Ban quản lý dự án, khi vào ga đoàn tàu phải giảm tốc độ; do đó thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng. Khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế; do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.

Thế nhưng vẫn còn rất nhiều bạn đọc Dân trí không đồng tình với kết luận này.

Bạn Vũ Hùng (onggiatuyet2002@yahoo.com) lý giải: “Đây là một tuyến đường dành cho hai đoàn tàu, đọc lý giải của các vị tôi hơi hiểu nhưng xin hỏi các vị: Nếu tàu chạy một chiều (không quay lại) thì giải thích này hợp lý nhưng nếu nó quay đầu chạy tuyến ngược lại thì hoàn toàn ngược với giải thích: Vào ga xuống dốc, xuất phát lên dốc?”.

Còn bạn Phú Thành (Pth1996@gmail.com) thì cho rằng: “Mình thì vẫn cảm thấy cách lý giải này nghe thì hợp lý nhưng thực tế chưa thỏa đáng. Và đi tàu ở nước khác không thấy vụ này. Tuy nhiên mặt khác mình cảm thấy buồn cười vì nhiều người không đồng tình vì cho rằng đường chạy 2 chiều lý giải theo cách đó thì tàu chạy ngược lại sẽ không đúng. Xin thưa với các bác là hoàn toàn đúng cho cả hai chiều. Một tàu ra ga thì đi xuống còn tàu vào ga thì đương nhiên là đi lên ở cùng con dốc đó. Làm gì có 1 con dốc vừa lên vừa xuống ở cùng một mặt cắt”.

Hình như độc giả vẫn còn chờ đợi ở Ban quản lý những trả lời thỏa đáng hơn?

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!