TPP hay câu chuyện "cầu ở người không bằng cầu ở mình"

(Dân trí) - Như đã được dự báo từ trước, cuối tuần qua, sau khi chính thức nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói "không" với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nước trong đó có Việt Nam và cả Mỹ đã hoàn tất đàm phán, ký kết tham gia.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Việc Mỹ rút khỏi TPP, tất nhiên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thất vọng, nhiều người có thể cho rằng, Việt Nam mất đi một sức ép từ bên ngoài để đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế. Nhưng có lẽ, cũng không nên nuốí tiếc, bởi cầu ở người chẳng bằng cầu ở mình.

Việc tân Tổng thống Mỹ ngay trong ngày đầu chính thức nhậm chức, đã tuyên bố rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc đổ vỡ toàn bộ quá trình đàm phán Hiệp định mà Việt Nam cũng như nhiều nước thành viên đàm phán rất trông đợi điều này vì Mỹ là một đối tác quan trọng nhất. Tuy nhiên, đáng lo hơn nữa là cùng với việc Mỹ rút khỏi TPP, xu hướng thắt chặt, bảo hộ mậu dịch của Mỹ đã khá rõ ràng trong các tuyên bố của ông Trump.

Các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị áp đặt các mức thuế có tính bảo hộ cao hơn để tiếp tục xuất khẩu hay đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trên vào thị trường này. Nếu thuế xuất nhập khẩu vào Mỹ tăng lên, xuất hiện những rào cản về thuế quan mới cho hàng hoá của Việt Nam, thì không chỉ là các doanh nghiệp, hàng vạn người dân nuôi thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long và hàng vạn hộ ngư dân các vùng miền khác khó khăn hơn. Hàng vạn công nhân các nhà máy về may mặc, làm hàng thủ công, giày dép... xuất khẩu vào Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi thị trường Mỹ bị thu hẹp lại.

Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích, đó là những khó khăn, những nguy cơ dự báo. Nguy cơ đó cho dù hoàn toàn có thể xảy ra, khó khăn là có thật với những tuyên bố còn nóng hổi của Tổng thổng Donald Trump thì cũng không có nghĩa là "hết cửa" cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Bởi vì, trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việt Nam cũng đã tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Ngay cả với Mỹ, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định thương mại song phương. Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN- một cộng đồng trên 500 triệu dân. Những Hiệp định quan trọng này đều có những cam kết mở cửa thị trường cho Việt Nam với thuế suất nhập khẩu rất thấp, phổ biến ở mức 0-5%. Việc tham gia, thực hiện các Hiệp định, thoả thuận với các tổ chức quốc tế, các Hiệp định song phương và đa phương đã giúp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, phục vụ phát triển kinh tế đạt hiệu quả nhất định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các lợi thế, các chính sách ưu đãi thuế ở nhiều Hiệp định thương mại, kinh tế mà Việt Nam đã tham gia. Theo kết quả khảo sát của Trường doanh nhân PACE, doanh nghiệp Việt Nam rất ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện quả tỷ lệ phần trăm các DN chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến AEC (56,8%), TPP (40,9%) và WTO (33,4%). Cụ thể hơn, có 85,5% DN không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, tỷ lệ này đối với TPP là 77,8% và đối với WTO là 66,3%.

Như vậy, nếu có thêm một TPP mà không nắm được các điều khoản đã ký kết với TPP, không hiểu rõ các chính sách thuế cho từng lĩnh vực cụ thể, thì có thêm một Hiệp định nữa, liệu có đem lại sự thay đổi gì hay chỉ có các doanh nghiệp các nước tận dụng được các cam kết về độ mở của thị trường Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào Việt Nam, làm hàng Việt Nam mất chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa của mình. Mà thực tế, hiện đã xảy ra câu chuyện ấy, thấy rõ từ hàng hoá ở các nước ASEAN đang tràn ngập thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.

Cũng có nhiều người nói rằng, điều trông đợi nhất ở việc tham gia TPP là Hiệp định này có những yêu cầu, sức ép buộc các nước thành viên phải thay đổi luật pháp, thể chế kinh tế cho phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập. Điều này là rất cần thiết cho Việt Nam. Nhưng nếu như chỉ trông đợi vào sức ép bên ngoài mà bên trong không có động lực cải cách, liệu có ích gì và liệu có thực sự thay đổi được không, nếu chỉ có sức ép bên ngoài.

Do đó, Hiệp định TPP nếu được thực hiện là điều quý cho Việt Nam. Nhưng nay, nguy cơ đổ vỡ của Hiệp định này là có thì điều đó cũng không có nghĩa là đen tối cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi cơ hội mở rộng, phát triển thị trường vẫn còn nguyên đó với các Hiệp định đã ký kết, với các thị trường truyền thống hay thị trường mới đã mở cửa cho Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có biết tận dụng hay không mà thôi.

Mạnh Quân