Tinh giản biên chế và bài toán "khắc nhập - khắc xuất"

(Dân trí) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến các bộ ngành và người dân. Theo đó, sẽ tinh giản 100 ngàn công chức.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước hết một lần nữa khẳng định đội ngũ công chức của ta rất và rất cồng kềnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính “tạo dựng” hình ảnh “hành dân là chính” của công chức hiện nay.

Thứ hai, việc này cho thấy con số 30% mà theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “có cũng được mà không cũng được” là có thật chứ không phải chí có 1% yếu kém như con số mà sở Nội vụ các tỉnh, thành báo cáo.

Thứ ba, nó thể hiện quyết tâm cải cách hành chính quyết liệt, thậm chí như một cuộc “cách mạng” nhân sự trong 6 năm tới (2014 - 2020). 

Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên đặt ra là giảm ai? Tất nhiên câu trả lời sẽ là giảm những người không đủ tiêu chuẩn. Song thế nào là đủ tiêu chuẩn và làm thế nào để chọn “đúng người, đúng tội” không phải dễ.

Rồi làm thế nào để không biến một chủ trương tốt đẹp thành cơ hội để thanh trừng lẫn nhau? Làm thế nào để những người có năng lực thực sự, trung thực, dám đấu tranh không bị “đánh hội đồng”. .. Đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Theo tinh thần dự thảo, sẽ có khoảng 80%  trong đó là đối tượng cho về hưu sớm (tuổi đời trên 55 với nam và 50 với nữ có thời gian công tác trên 20 năm), 20% còn lại sẽ giải quyết cho thôi việc.

Thế nhưng mục tiêu chính của việc tinh giản có lẽ nằm ở chỗ tìm cho ra những cán bộ công chức “cắp ô”, lười biếng, thiếu năng lực, đạo đức yếu kém làm cản trở công việc chứ không phải là nhằm vào những người “cận hưu” bởi thực tế, 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ hiện nay không thuộc “tuổi già”, không nói với nhiều người, đây là giai đoạn còn rất sung sức.

Nếu như mục đích cắt gỉảm biên chế để giảm ngân sách thì cũng thiếu thuyết phục bởi số “cận hưu” này sẽ tiếp tục hưởng lương từ quỹ lương hưu, một quỹ đang đứng trước nguy cơ bị vỡ.

Đó là chưa kể thực tế, từ khi các luật Công chức, Viên chức có hiệu lực quy định “hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra khỏi đội ngũ” thì đến thời điểm hiện nay hình như chưa có công chức nào bị rơi vào hoàn cảnh này.

Hiện nay cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức, viên chức nếu giảm 100 ngàn tức là mới giảm khoảng  hơn 3%. Nếu so với con số 30% “cắp ô” còn thiếu khoảng hơn 700 ngàn nữa.

Và giả sử giảm đi đủ 700 ngàn thì bộ máy công chức vẫn còn rất “khổng lồ” tới 2 triệu người. So sánh với nền hành chính của các nước tiên tiến, ví dụ như Mỹ chẳng hạn. Hiện tại dân số nước Mỹ là 315 triệu người và số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2,1 triệu người. Ở Việt Nam ta dân số hiện tại 90 triệu người, bằng 1/3 Mỹ nhưng số công chức vẫn ngang bằng với họ, khoảng là 2 triệu người (đã giảm 800 ngàn như… giả sử ở trên).

Một điều băn khoăn nữa là thời hạn thực hiện quá dài, tới 6 năm (2014 - 2020). Trong khi đó, việc cải cách hành chính đang cần nhanh chóng và quyết liệt bởi đây chính là một trong những rào cản lớn nhất làm trì trệ sự phát triển của đất nước.

Và cuối cùng, đó là phải tạo cơ chế để không “phình to” rồi lại “thu nhỏ”, kiểu “khắc nhập, khắc xuất” như hiện nay, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!