Tham nhũng nhà công vụ và “tài sản quốc gia”

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 31.10, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng cần đưa thêm vào Bộ luật hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đại biểu Lê Như Tiến nêu ra một ý kiến rất đáng để suy nghĩ, đó là tham nhũng vặt vài chục triệu đồng cũng bị xử lý, nhưng tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỉ đồng lại chưa ai bị xử lý. Phân tích về loại tham nhũng này, ông Tiến nói rõ từng mẹo chiếm đoạt nhà công vụ: “Có người tuy không ở nhưng lại… lỡ mang cả chìa khoá nhà công vụ về quê để ở biệt thự, nhà lầu mà đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn để cho con cháu họ hàng ở nhờvà nhiều người thông minh hơn thì thậm chí cho thuê để hưởng thêm mỗi tháng một khoản tiền lớn hơn nhiều khoản phải bỏ ra thuê căn nhà đó của nhà nước”.

Quỹ nhà công vụ rất lớn, trong đó có nhiều tòa nhà, biệt thự ở những vị trí đất vàng, rất có giá trị. Cán bộ cao cấp ở những căn biệt thự này, có người gương mẫu trả lại cho nhà nước, nhưng cũng có nhiều người muốn giữ làm của riêng. Lòng tham của con người quả không đáy.

Có quan điểm cho rằng cán bộ cao cấp là “tài sản quốc gia”, cho nên phải dành ưu tiên cho những người này. Đồng ý cán bộ cao cấp là phải có chính sách, nhưng phải phù hợp, đúng quy định. Nếu cán bộ cao cấp mà không chấp hành quy định thì nói ai nghe.

Không phải cán bộ nào cũng là “tài sản quốc gia”. Có chức vụ nhưng không làm được gì cho đất nước thì còn thua một công dân bình thường nhưng có đóng góp thực sự cho xã hội. Nếu như cán bộ cao cấp nào cũng ưu tiên một căn biệt thự sang trọng thì tài sản quốc gia thật sẽ vào tay cán bộ “tài sản quốc gia” ảo hết. Không công bằng.

Khi đương chức, được cấp nhà công vụ. Khi về hưu, phải trả lại nhà. Việc như vậy mà không làm, còn tham lam, vậy thì sao gọi là “tài sản quốc gia” được.

Cũng từ vấn đề này để có cái nhìn mới hơn về nhà công vụ. Đó là, cần nghiên cứu, tính đến bán hết nhà công vụ để lấy tiền phục vụ cho các yêu cầu vốn để phát triển kinh tế. Chỉ để lại một ít dành cho các trường hợp đặc biệt. Đối với cán bộ được điều về trung ương công tác, có thể thuê căn hộ, tùy theo chức vụ để phân tiêu chuẩn sử dụng. Hết công tác, trả lại nhà, làm hư hỏng, bỏ tiền ra đền. Thế mới công bằng, văn minh.

Hãy nhìn vào thực tế đất nước, nhiều nơi dân phải đu dây qua sông, giáo viên đến trường bằng túi nilong trong dòng nước dữ, trẻ em ngồi học trong phòng tranh nứa. Nhà công vụ cao sang để làm gì, ngủ sao yên giấc khi nghĩ về đất nước còn nghèo, dân còn khổ như vậy.

Cán bộ cao cấp chỉ là “tài sản quốc gia” khi làm ra được những việc lớn mang lại giá trị cho đất nước.

Nếu không làm được gì, thì chí ít cũng phải làm gương, khi về hưu cố gắng bớt đi lòng tham, đem nhà công vụ trả cho nhà nước.


Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!