Nỗi lo thêm "siêu" Ủy ban, siêu quyền lực
(Dân trí) - Nhiều tờ báo trong những ngày qua đã đăng tải một dự thảo nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập một Uỷ ban quản lý, giám sát tài sản vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây được hiểu như một cơ quan cấp bộ mới, một "siêu" Ủy ban có thẩm quyền lớn hơn rất nhiều Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay.
Gọi là "siêu" Ủy ban hay "siêu" bộ mới vì cơ quan này nếu được thành lập sẽ trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước như các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính-Viễn thông, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm: Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Thép, Dược, Sabeco…
Vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các DN, tính đến cuối năm 2015 đã lên tới khoảng 5,4 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, SCIC trước đây, cũng gọi là một "siêu" Tổng công ty, quản lý hàng ngàn doanh nghiệp nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, qui mô quản lý còn thua xa qui mô của cơ quan quản lý dự kiến được thành lập này.
Thực ra đây là một kế hoạch có từ lâu, khi Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN vào tháng 11/2014. Khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cần thiết phải có một cơ quan quản lý vốn đầu tư, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để tách chức năng đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN ra khỏi các bộ, tránh được xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, từ đó tách các chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường.
Đã có rất nhiều ý kiến tranh luận trước đây về việc này. Có ý kiến thì cho rằng, khi thành lập một cơ quan nói trên thì toàn bộ nguồn vốn nhà nước sẽ tập trung ở một chỗ và dễ thấy nó sẽ được thống kê đầy đủ, bao quát và có thể dễ kiểm soát hơn. Việc đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu, bán vốn nhà nước, cổ phần hoá...ở các DNNN cũng có thể sẽ được điều hành hiệu quả, nhanh hơn là để tản mạn ở nhiều bộ, ngành, vốn có cung cách chậm chạp, lề mề như đã thấy trong nhiều năm qua theo cơ chế "bộ chủ quản".
Nhưng chính vì xuất hiện một siêu Uỷ ban như vậy lại đặt ra nhiều nỗi lo mới. Với một số lượng DN lớn và qui mô quá lớn như vậy, năng lực, cơ chế điều hành quản lý Ủy ban này, cách thức nào giám sát, quản lý chính bộ máy uỷ ban...thực sự là những vấn đề lớn.
Nhìn vào mô hình SCIC hiện nay đã thấy trước đây người ta từng kỳ vọng nó hệt có chức năng, nhiệm vụ khá giống với chức năng của Ủy ban mà hiện nay dự kiến thành lập, kỳ vọng nó giống như Tập đoàn Temasek của Singapore...Nhưng thực tế đã không làm được như vậy. Có nhiều năm SCIC còn lấy hàng ngàn tỷ đồng, có năm lên tới trên 10.000 ngàn tỷ đồng (như các năm 2010,2011) gửi ngân hàng thu lãi và coi đó như kết quả sản xuất, kinh doanh.
Có những DN nhà nước lớn được đưa về SCIC đã than phiền, tổng công ty này một chiếc "vòng kim cô", mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh cần được phê duyệt gấp thì khi chuyển lên SCIC, đều bị làm chậm và khiến DN lỡ cơ hội đầu tư.
Thì với mô hình mới, ngoài việc kỳ vọng và kỳ vong mới, người ta chưa thấy rõ, cách thức nào mới để "siêu" Ủy ban này có thể làm được những điều hợp lý, sáng sủa hơn SCIC để đồng vốn từ ngân sách được đầu tư hiệu quả và quản lý chặt chẽ hơn. Trong khi chưa định hình được phương thức hoạt động, chưa rõ cơ chế giám sát, thậm chí việc phản biện đề án chưa có thì mối lo lại xảy ra tình trạng lạm quyền, ngân sách lại phải gánh thêm bộ máy lớn...lại xuất hiện và đó là nguy cơ có thực khi tác giả của đề án- Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn dự kiến có cơ chế lương, thưởng rất cao cho những người điều hành ở "siêu" Ủy ban này.
Chỉ có một hướng sáng hơn mà người ta còn tránh né bàn tới là điều cần thiết nhất để bộ máy đỡ cồng kềnh, để Chính phủ, Quốc hội đỡ mất công bàn tính chính là theo nhiều chuyên gia kinh tế, nên đẩy mạnh cổ phần hoá hơn nữa, giảm số lượng qui mô DN nhà nước xuống thấp nhất. Nhà nước chỉ duy trì vốn đầu tư ngân sách vào một số loại hình doah nghiệp ở một vài ngành mà Nhà nước buộc phải nắm giữ: Sản xuất, chế biến vật liệu nổ, năng lượng, truyền tải điện...Để người dân tự do kinh doanh, để tất cả các DN hoạt động theo cơ chế thị trường thì tự khắc, không cần một "siêu" bộ, "siêu" Ủy ban nào, nền kinh tế vẫn vận hành trơn tru, hiệu quả.
Mạnh Quân