Lập "siêu" ủy ban quản lý vốn nhà nước: Lại đánh bùn sang ao?
(Dân trí) - "Cần xóa bỏ chức năng quản lý DNNN của các bộ và thành lập cơ quan chuyên trách điều này đã rõ như ban ngày. Tuy nhiên, chúng ta đang vướng mắc nhiều nơi, nhiều chỗ đặc biệt về chính sách và khả năng thực thi..."
Cho Vụ trưởng quản lý doanh nghiệp đều thất bại
Đó là khẳng định của T.s Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội nghị xây dựng chính sách tách quản lý Nhà nước khỏi vai trò sở hữu vốn Nhà nước vừa được diễn ra tại Hà Nội.
Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, Việt Nam có nhiều thứ làm hao mòn tài sản công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng quốc gia. "Nhưng chúng ta không tìm thấy ai chịu trách nhiệm cả như: Dự án xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, nhà máy ethanol…. mất vốn Nhà nước rất lớn. Tuy nhiên đến nay chưa ai bị xử lý", ông nói.
Theo báo cáo của Viện CIEM, hiện Nhà nước đang là chủ đầu tư lớn nhất vào DNNN với tổng tài sản của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt khoảng 147 tỷ USD, trong đó tập đoàn, tổng công ty mẹ - con chiếm 90%. Nếu tính toàn bộ các DN có 100% vè trên 50% sở hữu nhfa nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408.400 tỷ đồng (GSO2014)
Ông Cung khẳng định, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nhà nước là hoạt động kinh doanh nhưng cũng là hoạt động quản lý hành chính. "Việc sử dụng bộ máy quản lý hành chính Nhà nước không phù hợp hoạt động kinh doanh. Đa số trường hợp đưa cán bộ quản lý nhà nước giỏi cấp vụ trưởng, vụ phó sang quản lý nhà nước đa số thất bại. Không phải họ không giỏi mà kỹ năng quản lý hành chính và kinh doanh khác nhau", ông nêu ý kiến.
Về hoạt động giám sát Bộ quản lý ngành phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện giám sát, đánh giá, nhưng nội dung bị phân tách thành các mặt: tài chính, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, tuyển dụng lao động, thực hiện chế độ lương, thưởng.
Theo ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM): Thay đổi cơ quan chủ sở hữu ảnh hưởng trực tiếp đến các Bộ, ngành khi các nơi này có sự chiếm giữ nhiều của Bộ.
Theo báo cáo của CIEM, nếu muốn quản lý tốt sử dụng vốn trong DNNN, phải bắt buộc có số liệu cập nhật tình hình kinh doanh vốn nhà nước tại các DN hàng tháng để đưa ra cảnh báo rủi ro kịp thời.
Ông Cung khẳng định: “Đảo ngược xu thế này là một mệnh lệnh. Chừng nào chưa quy trách nhiệm cho ai chừng đó chưa đảo ngược được xu thế này. Cải thiện hiệu quả DNNN nói chúng, thực hiện quyền chủ sở hữu DNNN hiện nay không thể không làm. Chúng ta không chỉ ngồi bàn mà phải hành động vì chúng ta đã bàn nhiều năm”.
Một bộ quản lý 5 triệu tỷ đồng có nên không?
Theo các chuyên gia kinh tế, việc kiến nghị lập một bộ chủ quản, tách quyền sở hữu nhà nước khỏi DN cần phải cân nhắc rất kỹ về cách làm, nhân lực làm và cách đánh giá hiệu quả.
Một số chuyên gia đặt câu hỏi: Hiện nay, chúng ta đang mong muốn lập cơ quan ngang bộ để mong tách chức năng quản lý Nhà nước khỏi chủ sở hữu. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại: dồn quá nhiều nguồn lực Nhà nước vào một cơ quan có nên không? Thành lập cơ quan mới tăng biên chế trong bối cảnh tinh giảm biên chế hiện nay có phù hợp không? Quá trình cổ phần hóa các DNNN sẽ khiến cho lượng vốn Nhà nước tại DN giảm đi, thành lập cơ quan này có hiệu quả hay không? Chúng ta cần phải đặt hoài nghi về việc xây dựng bộ này bởi cổ phần hóa bao năm qua không làm được và nếu lập Bộ chủ quản vẫn không làm được thì xử lý thế nào?
Theo T.s Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyên tắc sử dụng nguồn lực cán bộ sẵn có, để giảm thiểu tối đa công chức trong cơ quan mới. Cơ quan mới sẽ phải sử dụng dịch vụ của các tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện cơ chế giám sát DNNN. Chúng ta đã lập rất nhiều UB cải cách kinh tế và phát triển doanh nghiệp tại Quốc Hội, Chính phủ và Bộ ngành, nhưng những năm qua kết quả chưa khả quan vì vướng quá nhiều chính sách, cách làm và người làm.
“Phải tập trung được nguồn lực để sử dụng nguồn lực này hiệu quả để phát triển quốc gia hơn là phân tán ở nhiều bộ. Phải làm vậy mới đảm bảo vị trí trung lập nhà nước trong điều hành thị trường. Không thể vừa quản lý DNNN vừa điều hành thị trường nó tạo ra sự bất công, méo mó sự phân bổ nguồn lực", ông Lưu Bích Hồ nói.
Về vấn đề này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói:"Nếu tăng một vài nghìn biên chế mà mang lại hiệu quả khối tài sản khổng lồ này thì cũng đáng nâng. Nên trả lương cho họ như những người đầu tư chứ không phải trả lương cho họ như công chức nhà nước”.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm cũng cho rằng, chức năng quản lý DNNN khác hẳn với quản lý hành chính nhà nước hiện nay. Ngoài khu vực tư nhân, khu vực DNNN hiện có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Sắp tới cph hết thì không cần thành lập cơ quan này thì là nhìn một chiều. Bởi sau CPH thì tiền đó để làm gì, phải đầu tư tiếp chứ? Phải kinh doanh vốn DNNN chứ? Như Thụy Điển họ thành lập các quỹ để quản lý vốn, tài sản DNNN, hay mô hình quản lý DNNN Temasec của Singapore, mô hình Sasat của Trung Quốc cũng là cơ sở mà Việt Nam nên học hỏi
TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM: Trước mắt phải thu hẹp tài sản thương mại của DNNN, làm cho nó phải bé đi. Việc lập một bộ để quản lý phần vốn Nhà nước tại DNNN với vốn 5 triệu tỷ đồng, theo ông, là phải cân nhắc thật kỹ.
“Thành lập cơ quan bộ, ban là hành chính là không ổn. Nếu không có cán bộ chuyên trách giỏi mà đưa mấy ông vụ trưởng, vụ phó sang làm thì không khác nào đánh bùn sang ao”, ông Bá nói.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cần một cơ sở pháp lý cụ thể hơn khi tập trung quyền lực vào một Bộ. Phải cân nhắc thời điểm hình thành, bởi làm ngay sẽ làm chững lại quá trình cổ phần hóa. Bộ Công Thương mất ít nhất 6 tháng để chuyển giao một DNNN về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong trường hợp tài sản minh bạch.
Nguyễn Tuyền