Những ý nghĩa, giá trị lớn lao không chỉ là tiền!
(Dân trí) - Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.
Con số này đồng nghĩa với việc, 8.000 tỷ đồng có thể đã được sử dụng phục vụ những nhu cầu cấp thiết khác trong xã hội. Là cơm ăn, áo mặc, là đi lại, là học hành… Nhưng tôi chắc rằng, con số mà dịch vụ công trực tuyến mang lại cho xã hội không chỉ là 8.000 tỷ đồng mỗi năm như vậy, lợi ích còn lớn hơn thế nhiều.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, sau 1 năm vận hành (từ 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã trở thành địa chỉ cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ giám sát, đánh giá khả năng vận hành, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân cả nước.
Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%)
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý, mới đây có thêm 4 dịch vụ công tiếp tục được tích hợp trên Cổng gồm dịch vụ thanh toán thuế giao dịch đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; cấp giấy phép xây dựng nhà ở và kê khai, nộp lệ phí trước bạ, cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu.
Người dân trực tiếp thao tác, thực hiện các thủ tục hành chính này trên môi trường mạng, ngay tại nhà mình. Mỗi thủ tục, như việc khai, nộp lệ phí trước bạ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công giúp người dân tiết kiệm ít nhất nửa ngày công và 2 luợt đi lại để làm thủ tục.
Theo tính toán, việc tích hợp, công bố 4 dịch vụ nói trên có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm.
Nhu cầu của người dân với dịch vụ công là rất lớn và rất thường xuyên. Thuộc diện "cung cấp dịch vụ", tuy nhiên, trải nghiệm của người dân trước đây với mảng này lại thường chỉ mang tính chất một chiều, rất miễn cưỡng và không mấy đạt được sự thoải mái.
Nói cách khác không phải là "được phục vụ" mà là "xin - cho". Đi xin giấy, xin xác nhận, xin hồ sơ, xin phê duyệt…
Thói đời phàm thứ gì có được từ "xin" thì phải mang ơn. Thế nên mới hình thành "văn hóa cảm ơn", "văn hóa phong bì". Ngược lại bên "cho" cũng hình thành phản xạ có điều kiện, trong một số trường hợp còn là "vòi vĩnh".
Mối quan hệ giữa người dân và các đơn vị cung cấp dịch vụ công khi tiếp xúc trực tiếp, nói thẳng ra, dù có nỗ lực đến mấy cũng khó mà tránh tiêu cực, "bằng mặt không bằng lòng".
Độc giả ở đây chắc không ít người đã phải trầy trật mang giấy đến cơ quan công quyền rồi lại phải thất vọng trở về. Mất mấy lần đi đi, về về bổ sung giấy tờ như vậy, chẳng những tốn kém thời gian mà có khi còn mang thêm tâm trạng ức chế, bực bội trong lòng.
Thế nên, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu vì điều này xuất phát từ chính nhu cầu cấp thiết của xã hội. Ở vào bối cảnh cần hạn chế tiếp xúc do Covid-19 như hiện nay thì lại càng khó đo đếm nổi lợi ích của việc "ngồi nhà thao tác".
Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ của Liên hợp quốc, công bố tháng 7/2020 cho thấy, trong 3 năm từ tháng 8/2017-7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á.
Với kết quả này thấy rằng, chúng ta đã có những nỗ lực và cố gắng lớn trong phát triển Chính phủ điện tử, mang lại lợi ích cho không chỉ chính quyền các cấp mà người dân chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.
Tuy nhiên, khoảng cách với các nước tiên tiến còn lớn, còn rất nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn. Đó cũng là động lực để các cấp các ngành bước những bước dài hơn nữa đến mục tiêu minh bạch, hiện đại.