1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

2.700 thủ tục có thể "ngồi nhà thao tác", tiết kiệm 8.000 tỷ đồng/năm

Phương Thảo

(Dân trí) - Chiều 30/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố 4 dịch vụ công mới, nâng tổng số dịch vụ có thể "ngồi nhà thực hiện" qua mạng lên con số 2.700...

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, sau 1 năm vận hành (từ 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã trở thành địa chỉ cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ giám sát, đánh giá khả năng vận hành, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân cả nước.

Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).

2.700 thủ tục có thể ngồi nhà thao tác, tiết kiệm 8.000 tỷ đồng/năm - 1
Biểu đồ về mức tăng trưởng dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị.

Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

4 dịch vụ công tiếp tục được tích hợp trên Cổng hôm nay gồm dịch vụ thanh toán thuế giao dịch đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; cấp giấy phép xây dựng nhà ở và kê khai, nộp lệ phí trước bạ, cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự chứng kiến việc người dân trực tiếp thao tác, thực hiện các thủ tục hành chính này trên môi trường mạng, ngay tại nhà mình. Mỗi thủ tục, như việc khai, nộp lệ phí trước bạ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công giúp người dân tiết kiệm ít nhất nửa ngày công và 2 luợt đi lại để làm thủ tục.

Theo tính toán, việc tích hợp, công bố 4 dịch vụ nói trên có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm.

Như vậy, tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, sau 1 năm vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã vượt hầu hết các chỉ tiêu, kỳ vọng ban đầu về số lượng dịch vụ, hồ sơ. Những con số tiết kiệm về thời gian, chi phí đã nói lên sự thiết thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, ngoài chức năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn được giao nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cho nhân dân để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công; tiếp thu và phản hồi các ý kiến của người dân.

Mục đích xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà Chính phủ còn thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động trước nhân dân, qua đó tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để xây dựng một Chính phủ phục vụ.

2.700 thủ tục có thể ngồi nhà thao tác, tiết kiệm 8.000 tỷ đồng/năm - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia (ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tốt, tránh tiếp xúc trực tiếp sẽ tạo ra cơ hội mọi doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng các dịch vụ một cách bình đẳng, hạn chế phát sinh tiêu cực.

Đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng như xếp hạng Chính phủ điện tử.

Những năm vừa qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với sự đóng góp của Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Sau những khó khăn ban đầu tưởng khó vượt qua, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều đã hoàn thành iệc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, mục tiêu đặt ra cho thời gian tới là Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đặt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên, ít nhất ở cấp bộ, cấp tỉnh, trong thời gian ngắn nhất.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo xung lực lan tỏa để các cấp, các ngành thúc đẩy tin học hóa, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính, có truy vết, trách nhiệm xử lý rõ ràng không lo mất, thất lạc, sai sót hồ sơ. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia, hình thành thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng cơ sở dữ liệu nhánh của các bộ ngành, địa phương, đơn vị mình.

Phó Thủ tướng nêu rõ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân với nhà nước, giữa người dân với nhau, mà còn là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, phải đảm bảo tính an toàn, riêng tư của người dân, sử dụng dữ liệu không được ảnh hưởng đến quyền cá nhân.