Ngân sách không còn là "chùm khế ngọt" cho những dự án đốt tiền
(Dân trí) - Nếu nơi nào cũng coi "ngân sách là chùm khế ngọt" thì làm sao đất nước đủ nguồn lực để phát triển và an sinh trong những lúc có tình huống bất ngờ như đại dịch Covid-19?
"Có những con đường 400- 500 tỷ đồng thôi mà 13 đời Bộ trưởng rồi vẫn chưa xong" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu dẫn chứng về thực trạng dự án đầu tư công kéo dài, chia cắt, manh mún tại một phiên thảo luận tổ ở Quốc hội khi bàn về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo phân tích của lãnh đạo Chính phủ, "Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tý, một tý thì kéo dài, không tạo ra được động lực".
Kể lại câu chuyện hồi năm 2011 khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đã chỉ đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh rà soát 3.650 dự án với mức đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng - tức là mỗi dự án được đầu tư chưa đến 1 tỷ, rất manh mún và chia cắt, nhưng quan trọng nhất là kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Nhìn lại, đây không phải là thực trạng ở một tỉnh mà hầu như địa phương nào cũng vậy. Tỉnh nào cũng muốn có dự án, song lại không thiếu dự án triển khai lê thê, kéo dài dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ.
Rồi lại có những dự án "treo" hay còn gọi là "dự án chết"; có dự án sau khi hoàn thành thì lợi ích thu được không thấm là bao so với chi phí, không tạo được động lực phát triển cho địa phương. Đó là những dự án không chỉ vô nghĩa, sinh ra nhằm mục đích giải ngân rồi để lại hệ lụy nợ nần, đánh mất chi phí cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Đáng lo hơn, ngoài những dự án nhỏ và manh mún còn tồn tại thực trạng dự án "khủng", quy mô lớn, hứa hẹn thay đổi bộ mặt của một ngành, của một địa phương nhưng rốt cuộc cũng không đến đầu đến đũa. Không hề quá khi nói rằng, đó là những cỗ máy đốt tiền ngân sách.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập về nội dung này cũng chỉ rõ một số công trình dở dang như thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình 2… với hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư nhưng thua lỗ kéo dài, rồi cả những dự án quy hoạch treo gây ra lãng phí nguồn lực Nhà nước rất lớn.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phản ánh, tư duy phát triển trong đầu tư công có lúc, có nơi chậm được đổi mới, vẫn tồn tại "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.
Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa rõ thẩm quyền, dẫn tới đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Nói thẳng ra, bên cạnh lỗi cơ chế thì yếu tố con người thể hiện rõ. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo ở địa phương, cơ quan nhà nước còn thiếu tâm huyết, thiếu tầm nhìn, thiếu trách nhiệm với lợi ích chung, không loại trừ có mục đích riêng.
Vậy mới có chuyện, một khi "lò chống tham nhũng" đỏ lửa, không ít cán bộ nhúng chàm đã phải trả giá. Có điều, kể cả những án phạt tù rất nặng thì cũng không thể nào thu hồi lại hết thiệt hại mà ngân sách nhà nước và thiệt hại của người dân phải gánh chịu.
Nếu nơi nào cũng coi "ngân sách là chùm khế ngọt" thì làm sao đất nước đủ nguồn lực để phát triển và an sinh trong những lúc có tình huống bất ngờ như đại dịch Covid-19?
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Nên phải có tích lũy. Muốn như vậy thì tích lũy chung từ người dân đến từng cấp, từng ngành rất quan trọng".
Trong bối cảnh TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước đang phải gồng mình chống dịch, nguồn lực Nhà nước chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Do vậy, hơn lúc nào hết, cần chấm dứt cung cách tiêu pha lãng phí, vung tay quá trán cả trong chi thường xuyên và đầu tư công.
Đất nước còn nghèo, áp lực nợ còn lớn và nay còn rất nhiều việc phải lo, không còn cách nào khác là siết lại kỷ luật, kỷ cương trong điều hành ngân sách, tránh tạo áp lực thu, đặt gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp, vốn đã yếu ớt do dịch bệnh.