Lộ rõ tình trạng "trên nóng dưới lạnh", lợi ích nhóm trong đầu tư công
(Dân trí) - "Tư duy phát triển trong đầu tư công vẫn tồn tại "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Vấn đề thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một trong những nổi cộm được đề cập nhiều nhất tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm đầu kỳ kế hoạch chậm, nhất là vốn nước ngoài. Một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2017, 2018 nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan, chủ quan vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư , những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện có nguyên nhân khách quan, song trực tiếp và quyết định nhất là do nguyên nhân chủ quan. Yếu tố chủ quan tập trung ở 3 vấn đề là nhận thức, chính sách pháp luật và công tác triển khai.
"Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả.
Tư duy phát triển trong đầu tư công có lúc, có nơi chậm được đổi mới, vẫn tồn tại "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn" - ông Dũng nêu rõ.
Về chính sách, pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa rõ thẩm quyền, dẫn tới đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, còn lúng túng, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn đầu của kỳ kế hoạch, một số quy định của pháp luật về đầu tư công chưa thật sự hợp lý như việc cho phép các dự án giải ngân 2 năm, công tác giao kế hoạch chậm chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể.
Cơ chế điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thiếu linh hoạt; cơ chế điều chỉnh danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thiếu linh hoạt, trải qua nhiều cấp, làm giảm tính kịp thời của dự án, nhất là đối với dự án ODA. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm trong các năm đầu kỳ kế hoạch.
Về công tác triển khai, ông Dũng thẳng thắn chỉ ra vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng "trên nóng dưới lạnh", cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin, trong triển khai đầu tư công, năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...
Đối với công tác giải ngân vốn, ông Dũng cho biết các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu...
Riêng nguồn vốn ODA, ông Dũng nói việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài; việc chuyển nguồn, hạch toán ghi thu - ghi chi, tạm ứng còn chậm.